Cần đào tạo cấp cứu ngoại viện cho cả tài xế, người dân

Bạch Dương Thứ tư, ngày 08/11/2023 20:19 PM (GMT+7)
Chiều 8/11, Báo Người Lao động đã tổ chức toạ đàm "Thúc đẩy cấp cứu ngoại viện phát triển", trong đó đề cập đến khá nhiều vấn đề của cấp cứu ngoại viện như chế độ, nhân sự...
Bình luận 0
Cần đào tạo cấp cứu ngoại viện cho cả tài xế, người dân - Ảnh 1.

Toạ đàm về thúc đẩy cấp cứu ngoại viện. Ảnh: B.D

BSCK2 Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, khi người dân có nhu cầu cấp cứu thì gọi vào số 115. Tổng đài tiếp nhận các cuộc gọi của người dân, sàng lọc, tư vấn và sẽ điều xe đến nơi cần cấp cứu. Trong lúc chờ xe, tổng đài cấp cứu 115 sẽ tư vấn, hướng dẫn người nhà cách sơ cứu, đồng thời cập nhật quá trình di chuyển của xe cấp cứu để người dân an tâm.

Hiện TP.HCM có 39 trạm cấp cứu, bao phủ hết quận, huyện, TP.Thủ Đức, giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận người bệnh. Năm 2014, số cuộc gọi cấp cứu khoảng 8.500 cuộc/năm nhưng đến nay số cuộc gọi đến Trung tâm cấp cứu 115 đã là 300.000 cuộc/năm.

Trong đề án "Nâng cao năng lực Trung tâm cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo" của Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ phát triển Trung tâm Cấp cứu 115 theo 3 cụm y tế chuyên sâu và mở thêm 2 trạm cấp cứu đường thủy và đường hàng không. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng, hệ thống cấp cứu 115 ở 3 cụm y tế chuyên sâu sẽ kết nối, không chỉ đáp ứng tại TP.HCM mà cả phía Nam.

Đối với cấp cứu ngoại viện, đây là một trụ cột không thể thiếu trong bất kỳ hệ thống y tế nào. Một nghiên cứu cho thấy đối với các nước có mức thu nhập từ trung bình đến thấp, nếu đẩy mạnh phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện đúng nghĩa thì có thể giúp tăng 45% bệnh nhân được cứu sống.

Luật Khám, chữa bệnh đã quy định chức danh chuyên môn cấp cứu viên ngoại viện là phải có giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, hiện loại hình nghề nghiệp này chưa được đào tạo chính quy. Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng cho biết, mở mã ngành đào tạo nhân lực cấp cứu ngoại viện là điều được ngành y tế cũng như đội ngũ cấp cứu ngoại viện trông chờ.

Để đào tạo, ngành y tế đề xuất các loại hình đào tạo cấp cứu viên ngoài bệnh viện gồm hệ cao đẳng học 3 năm, hệ đại học 4 năm và những năm tiếp sau đó thì sẽ có đào tại sau đại học để phát triển chuyên sâu lĩnh vực cấp cứu đi ngoài bệnh viện. Chắc chắn, để thực hiện những điều này cần phải có lộ trình.

Trong khi chờ triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh và cho bổ sung mã ngành đào tạo nhân lực cấp cứu viên ngoài bệnh viện thì các trường sức khoẻ sẽ bổ dung những chương trình đào cho những nhân viên y tế đã và đang làm công tác cấp cứu ngoài bệnh viện để sau đó cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Bên cạnh đó, cần có chương trình đào tạo liên tục để giúp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ mang tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cấp cứu viên ngoài bệnh viện đang công tác. 

"Không chỉ đào tạo cho những cấp cứu viên ngoài bệnh viện mà còn có những chương trình đào tạo đặc thù như đào tạo cho tổng đài viên, điều phối viên và thậm chí đào tạo cho các tài xế xe cấp cứu", BS Dũng nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng khi tham gia cấp cứu, Thượng tá, bác sĩ Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho rằng, cần tăng cường truyền thông và nâng cao ý thức cộng đồng về cấp cứu ngoại viện.

 "Chỉ cần 1 kỹ năng thực hiện đúng cách thì sẽ cứu sống cả mạng người, ví dụ trẻ sặc sữa, đuối nước… Có những kỹ thuật cấp cứu cơ bản chỉ cần hướng dẫn trên truyền thông thì người dân có thể thực hiện được" BS Thành nói.

Giải thích kỹ hơn, BSCK2 Nguyễn Duy Long cho biết, khi có sự tham gia của cộng đồng, cơ hội cấp cứu cho người bệnh nhanh hơn.

"Giáo viên mầm non biết cách cấp cứu trẻ hóc dị vật. Hướng dẫn viên du lịch biết nhận diện đột quỵ. Tại khu chế xuất đào tạo làm sao người lao động biết xử trí chấn thương, ngộ độc thực phẩm", BS Long nói.

Cần đào tạo cấp cứu ngoại viện cho cả tài xế, người dân - Ảnh 3.

Mạng lưới cấp cứu 115 đã phủ kín các quận huyện của TP. Ảnh: P.V

Trong đề án nâng cao năng lực cấp cứu của TP có nhấn mạnh làm sao đẩy mạnh cấp cứu theo từng tính chất. Lực lượng cấp cứu ngoại viện là cánh tay nối dài trong khi chờ xe cấp cứu đến hiện trường.

Hiện nay, Trung tâm Cấp cứu 115 đang phối hợp xây dựng chương trình đào tạo cấp cứu phổ thông cho người dân. "Đâu đó, người dân còn ngại cấp cứu khi gặp người bị nạn. Đây rào cản, cần nâng cao ý thức truyền thông để người dân tham gia", BS Long đề nghị.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng cho rằng, cần có các chính sách thu hút được người trẻ theo đuổi ngành cấp cứu ngoai viện, từ đó mới tuyển dụng được nhân sự phù hợp.

Thứ nhất, cần có mức thu nhập làm sao hỗ trợ, giữ chân đội ngũ cấp cứu ngoại viện. Sau khi tuyển dụng được, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo hoặc bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp.

Thứ hai, phải xem đây là nghề đặc thù với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để có chế độ ưu đãi, phụ cấp phù hợp.

Thứ ba, phải có bảo hiểm ngành nghề cho lực lượng cấp cứu ngoại viện khác nhân viên y tế công tác tại bệnh viện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem