Cần luật hóa tài sản ảo và siết chặt quản lý để ngăn rửa tiền thông qua tiền mã hóa

Ngọc Diệp Thứ tư, ngày 20/09/2023 16:01 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh các khung quy định dành cho thị trường tiền mã hoá còn bỏ ngỏ, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hoá tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Bình luận 0

Hôm nay, tại Hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa", ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhờ các tính năng quan trọng như tính bảo mật và quyền riêng tư.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain nhấn mạnh: "Công nghệ blockchain đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác".

Báo cáo của Grand View Research cho biết dù rất non trẻ nhưng thị trường công nghệ chuỗi khối toàn cầu sẽ đạt giá trị hơn 1.400 tỷ USD vào năm 2030 với Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là gần 86%/năm trong giai đoạn 2022 - 2030.

Tuy nhiên ông Hùng khẳng định sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

Ông Hùng nhấn mạnh rửa tiền là hành vi tội phạm được định nghĩa là việc hợp pháp hóa các tài sản do phạm tội mà có. Theo Văn phòng Ma túy và Tội phạm trực thuộc Liên hợp quốc, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 800 - 2.000 tỷ USD, ông Hùng cho rằng đây vẫn là một ước tính thấp.

Đặc biệt, rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện.

Vì vậy, công tác phòng chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm, ông Hùng nhấn mạnh.

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên ban hành quy định về phòng chống rửa tiền với tên gọi là Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (gọi tắt là BSA) từ năm 1970 nhằm xác định và ngăn chặn hoạt động rửa tiền.

Kể từ đó đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lần lượt ban hành các quy định liên quan đến phòng chống rửa tiền và liên tục bổ sung, cập nhật các hệ thống quy định này nhằm theo kịp sự thay đổi của tình hình thực tiễn.

Ông Hùng không khỏi băn khoăn bởi khi công nghệ blockchain ra đời, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm tài chính, rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và tốc độ nhanh chóng thì phần lớn các quốc gia đều chưa có hành lang pháp lý theo kịp sự thay đổi này.

Tính tới thời điểm hiện nay mới chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain như Liên minh châu Âu (EU) với đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA). Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024, MiCA mới chính thức có hiệu lực.

Các nền kinh tế năng động khác như Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tuân thủ pháp lý và an toàn cho người dùng đồng thời thực hiện nghĩa vụ AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố).

Theo ông Hùng cho biết tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.

Trước tình hình đó, từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án Chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong bốn chương trình trọng điểm, hợp tác với Công ty Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo, được thành lập bởi ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC).

Nhiệm vụ của ChainTracer là cung cấp giải pháp theo dõi dữ liệu blockchain onchain và offchain, phát hiện những dấu hiệu gian lận trong tài sản kỹ thuật số, và trở thành cầu nối cho người dùng tài sản truyền thống khi chuyển sang sở hữu tài sản số dựa trên công nghệ blockchain.

Mục đích của ChainTracer là nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động blockchain. Đồng thời, đây cũng là nơi để cộng đồng kiểm tra tính minh bạch của một dự án blockchain, cho phép giám sát chủ động và giúp tránh xung đột lợi ích trong cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, hành động của riêng Hiệp hội Blockchain Việt Nam là không đủ để thực thi các hoạt động phòng chống rửa tiền một cách hiệu quả mà cần thay đổi nhận thức, tầm nhìn từ chính các lãnh đạo ngân hàng, tổ chức tài chính và sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Để làm được điều đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam mong muốn chia sẻ với các cá nhân, tổ chức để có cái nhìn toàn diện về nguy cơ rửa tiền trong giao dịch tài sản số, cách thức phòng chống rửa tiền hiện nay và chung tay phòng chống rửa tiền cùng cơ quan ban ngành.

Cần luật hóa tài sản ảo và siết chặt quản lý để ngăn rửa tiền thông qua tiền mã hóa - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị.

Còn theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Theo ông Trung, tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn giao dịch Binance, theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal.

Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ 1/10/2021 – 1/10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam lo ngại chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này cùng với sự thiếu hụt về hành lang quản lý, các công nghệ hiện đại cũng đứng trước nguy cơ bị giới tội phạm lợi dụng vào những mục đích bất chính để thu lợi cá nhân như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng...

Trên thực tế, dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hoá tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã.

Đối với thị trường tiền mã hoá trong nước, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động. Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027.

Với sự gia tăng nhanh chóng này, trong bối cảnh các khung quy định dành cho thị trường tiền mã hoá còn bỏ ngỏ, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hoá tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Bên cạnh tội phạm rửa tiền mã hoá xuyên biên giới, thì tội phạm rửa tiền truyền thống ở trong nước cũng sẽ tìm đến thị trường đầy tiềm năng này do không bị ràng buộc pháp lý.

Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách xám các nước cần tăng cường chống rửa tiền (AML). Đây là danh sách "xám" các nước cần được giám sát chặt chẽ của FATF gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman... FATF cho biết sẽ hoạt động để đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tài chính, quản lý tài sản số và tăng cường hợp tác quốc tế chống rửa tiền.

Vì vậy, có thể nói rằng AML trong lĩnh vực tiền mã hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số nói chung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị các định chế tài chính cần thực hiện 3 nhiệm vụ: Nhận diện giao dịch tài sản số, xây dựng quy trình và chuẩn bị tốt nhân sự.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực bày tỏ mong muốn các khái niệm được quốc tế và Việt Nam công nhận là VA (Virtual Asset – tài sản ảo) và VASP (Virtual Asset Service Provider – Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo) sẽ sớm được Việt Nam luật hóa và đưa vào thực thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem