Cảnh báo hàng loạt dữ liệu "báo động" của doanh nghiệp Việt

An Linh Thứ tư, ngày 20/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, đã khái quát hàng loạt "vấn đề" được coi là sức khoẻ, tính mạng của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước yếu thế toàn diện so với FDI; không chỉ hội nhập yếu, mà yếu cả năng lực cạnh tranh ngay trên "sân nhà.
Bình luận 0

Tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp Việt ở mức "báo động"

Báo cáo tham luận tại Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2023 do Văn phòng Quốc hội, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 19/9, TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng đã khái quát hàng loạt "vấn đề" được coi là sức khoẻ, tính mạng của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ, vừa và doanh nghiệp công nghệ, đổi mới, sáng tạo.

TS Nguyễn Đình Cung cảnh báo hàng loạt dữ liệu đáng quan ngại của doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng (Ảnh: TTQH).

Về tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, qua nghiên cứu, ông Cung cho rằng, tỷ suất trước thuế/ tài sản doanh nghiệp siêu nhỏ luôn "âm" khoảng 1%; doanh nghiệp nhỏ âm hoặc bằng 0; doanh nghiệp vừa chỉ 1%; và doanh nghiệp lớn khoảng 3-3,5%. 

Còn tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp siêu nhỏ cũng liên tục âm từ 1,3 -  2%; doanh nghiệp nhỏ  gần như bằng 0. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp vừa từ 6-8%; và doanh nghiệp lớn 11-14%. 

TS Cung khẳng định: Có thể nói, mức lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp lớn là có thể chấp nhận được; còn lại là một tỷ lệ quá thấp.

So với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), tỷ suất lợi nhuận/tài sản và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân trong nước đều thấp hơn nhiều. Cụ thể tỷ suất lợi nhuận/tài sản của doanh nghiệp tư nhân trong nước khoảng 1,1-1,6%, doanh nghiệp FDI là khoảng 5,2-5,9%; tức là cao gấp 3-4 lần. 

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của DN tư nhân trong nước tăng từ 3,4% giai đoạn 2011-2015 lên 4,9% năm 2022, chỉ bằng 37% của DN FDI. Điều đáng nói thêm là tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của DN FDI luôn trong khoảng 13-15%, cao hơn mức lãi suất cho vay bình quân trong nền kinh tế. 

Với doanh nghiệp Nhà nước, vị chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tài sản là khá thấp, chỉ khoảng 2,2-2,5% hàng năm; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu cao hơn, khoảng 10%. 

"Điều này có nghĩa là phần lớn đầu tư dài hạn tạo tài sản của doanh nghiệp Nhà nước là vốn vay; và hệ số nợ của họ gần bằng 4; vượt khá xa mức an toàn chấp nhận được", TS Nguyễn Đình Cung đánh giá.

Theo ông Cung, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tài sản của doanh nghiệp trong nông nghiệp là rất thấp (khoảng 2,5%), thấp hơn của các doanh nghiệp trong công nghiệp và xây dựng (khoảng 4%). 

"Điều đáng lưu ý là chỉ số này của các doanh nghiệp công nghệ cao vượt trội so với các ngành khác. Trừ dịch vụ thông tin và truyền thông, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tài sản của doanh nghiệp trong tất cả các ngành dịch vụ còn lại đều rất thấp, chỉ từ 1-2%; thậm chí "âm" trong y tế, giáo dục và đào tạo, và các dịch vụ khác", TS Cung phân tích.

Theo nhận định của ông Cung, những dữ liệu trên cho thấy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp việt nam nói chung là khá thấp; và đang có xu hướng giảm sút từ 2011 đến nay. 

"Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đang giảm dần; doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng lên; thậm chí tỷ lệ FDI khai báo kinh doanh thua lỗ năm 2022 là 47%", ông Cung nhấn mạnh.

Về hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ; của các doanh nghiệp các doanh nghiệp dịch vụ chuyên môn, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo và các dịch vụ khác là quá thấp. Bằng chứng là hàng loạt các chỉ số là âm trong suốt giai đoạn 2011-2022. Điều này thấy rõ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với các doanh nghiệp FDI. 

Nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho biết, doanh nghiệp tư nhân trong nước yếu thế toàn diện so với FDI; không chỉ hội nhập yếu, mà yếu cả năng lực cạnh tranh ngay trên "sân nhà". Đầu tư thành lập doanh nghiệp mới không còn là cơ hội kinh doanh hấp dẫn, nhất là ở các vùng TDMNPB, BTBDHMT, Tây nguyên, và cả DNB và ĐBSCL. 

"Các ngành dịch vụ chuyên môn, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo, vui chơi, giải trí và lưu trú, ăn uống không phải là các địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư", ông Cung nói.

Về giải pháp, điểm lại nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra như thể chế kinh tế, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ, hạ tầng và chuyển đổi số, nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng cần giải pháp tập trung vào "các điểm nghẽn" đang kìm hãm phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, thì trong giai đoạn 2024-2030, mỗi năm trung bình phải tăng thêm ít nhất khoảng 143.000 doanh nghiệp. Chính phủ phải xác định số lượng doanh nghiệp tăng thêm hàng năm nói trên là một mục tiêu ưu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm của Chính phủ, Bộ ngành và uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. 

Muốn đạt được số doanh nghiệp nói trên phải tăng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm, tăng số doanh nghiệp quay lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng vì các lý do khác nhau; giảm số doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh và đặc biệt là giảm đến mức tối đa số doanh nghiệp giải thể, phá sản.

Ông Cung đề nghị có các giải pháp cụ thể như bãi bỏ yêu cầu khai báo ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. 

"Phải tiếp cận theo phương pháp "chọn bỏ" trong soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, dân sự". Bên cạnh đó: "Luật pháp phải rõ ràng, nhất quán, minh bạch và đặc biệt là dự đoán trước được thay đổi".

Ông Cung nhấn mạnh cần "hạn chế tối đa tiến tới loại bỏ hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự. Các hoạt động kinh tế phát sinh hay dựa trên hợp đồng dưới mọi hình thức giữa các bên đều là việc kinh tế dân sự; không thuộc đối tượng áp dụng của luật hình sự. Bất cứ tranh chấp, hay vi phạm pháp luật trong các quan hệ nói trên đều giải quyết qua toà kinh tế dân sự,.v.v.v…".

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, ông Cung đề xuất thành lập tổ chức chuyên trách, chuyên nghiệp hỗ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nâng cao chất lượng quản lý kinh doanh, như hỗ trợ xây dựng phương án kinh doanh, lập hồ sơ vay vốn ngân hàng, quản lý tài chính, quản lý thuế, cách thức bán hàng và quản lý khách hàng,.v.v…và tiếp cận các mô hình kinh doanh mới. 

Việc hỗ trợ thực hiên theo nguyên tắc thị trường, theo nhu cầu của các chủ doanh nghiệp và người quản lý thông qua mạng lưới các hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm và trải nghiệm kinh doanh đã được lựa chọn.

Bên cạnh đó, cần thành lập các quỹ đầu tư, gồm cả đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; giúp doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vừa tiếp cận được vốn, vừa giảm, chia sẽ được rủi ro trong các đầu tư ban đầu.

Hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ tiếp cận thị trường, các kênh bán hàng, các cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; đồng thời, nhà nước có chính sách ưu tiên tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ,.v….

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem