Chi 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sỹ: Học cho oai thì đừng đi!

MInh Phong (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 12/11/2017 10:05 AM (GMT+7)
Một trong những đề tài gây nhiều tranh luận trong độc giả tuần qua là việc Bộ GDĐT đề xuất chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sỹ.
Bình luận 0

Cụ thể, trong nội dung dự thảo Đề án trình Chính phủ về việc: “Nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQL các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025” vừa được Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến dư luận, Bộ dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ.

Trong số 9000 tiến sĩ cần đào tạo đó sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sỹ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới.

Từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài. Sẽ có khoảng 500 tiến sỹ được đào tạo theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người.

img

Độc giả đặt ra vấn đề cần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ hiện nay chứ không nên chạy theo chỉ tiêu số lượng. Ảnh IT.

Gửi ý kiến về Dân Việt, độc giả Hoài Lĩnh  cho rằng việc hỗ trợ đào tạo tiến sĩ rất cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra là nhu cầu, chất lượng thế nào?

“Người trở thành tiến sĩ phải có tố chất khoa học hơn người, môi trường công tác cần thiết, xã hội có nhu cầu, hơn nữa những người này phải thực tâm muốn học. 12000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sỹ có cần không? Chưa cần đến như vậy! Nên giảm đề án xuống còn khoảng 2000 tỷ đồng. 10.000 tỷ đồng để nâng cấp 3000 km đường giao thông nông thôn!” – độc giả Hoài Lĩnh nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, bạn đọc Đỗ Xuân Thông nhận xét việc trở thành tiến sĩ hay không trước hết phải là nhu cầu tự thân, sau đó là nhu cầu của xã hội. Độc giả này đặt ra câu hỏi: “Người học phải tự bỏ tiền ra để trả phí. Là người đóng thuế, tôi sẽ hỏi tại sau tôi phải trả phí cho họ đi học nhỉ?”.

Trong khi đó, bạn đọc Trần Anh Tuấn đánh giá thực trạng đào tạo tiến sỹ tại Việt Nam có tình trạng “đào tạo tiến sỹ theo kiểu ấp trứng nở hàng loạt nhằm giải quyết khâu oai”. Hàng chục nghìn tiến sỹ được đào tạo ra nhưng sau đó không cần biết các công trình nghiên cứu có áp dụng được không, miễn là tiêu được tiền đào tạo và “giải quyết khâu oai”.

“Cứ để họ tự học và phải có phát minh ứng dụng thực tiễn mới cấp học hàm tiến sỹ và thanh toán tiền học sau. Nếu học cho oách thì đừng cho đi” – độc giả đề nghị.

Bạn đọc Nguyen Hoang Lan cũng nêu lên tình trạng, có những tiến sỹ đi học theo chương trình đào tạo của Nhà nước, sau khi về công tác lại chê lương thấp không cống hiến được và muốn ra ngoài làm. Đây cũng là điều rất đáng phải lưu ý.

Việc đặt ra chỉ tiêu 9.000 tiến sỹ, theo độc giả Hoàng Tuy sẽ làm nảy sinh vấn đề “đạt chỉ tiêu”. Một là chỉ tiêu giải ngân cho hết 12.000 tỷ đồng, hai là chỉ tiêu đạt được con số 9.000 vị tiến sỹ.

Độc giả này cho rằng: “Cách làm ép phải có đủ chỉ tiêu có thể nảy sinh việc chạy suất đi học, ảnh hưởng đến kết quả đào tạo. Theo tôi, hãy để những người có đủ phẩm chất và trình độ tự mình đi học”.

Đồng quan điểm, một độc giả cho rằng việc đào tạo dàn trải không có trọng tâm đã khiến những nhà khoa học thực sự không muốn cống hiến khi bị đánh đồng. Nhiều nghiên cứu sinh được cử đi học năng lực kém, chỉ đi để kiếm cái bằng về rồi lên chức. “Chúng ta cần những nhà khoa học thực sự chứ không phải đánh đồng. Chất lượng đầu ra của nhiều trường ngay cả ở nước ngoài là thực sự quá kém” – bạn đọc nhận xét.

Đề xuất với Bộ GDĐT, bạn đọc Xuân Thủy cho rằng muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ, trước hết cần quy hoạch lại các trường đại học. “Khi mở các trường đại học tràn lan thì tỷ lệ % tiến sỹ lại càng thấp. Vì vậy, cần loại bỏ các trường chất lượng thấp rồi mới tính đến việc đào tạo bao nhiêu tiến sỹ. Như vậy mới không lãng phí tiền nhân dân mà vẫn nâng cao chất lượng” – bạn đọc Xuân Thủy đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem