"Chiếc vòng kim cô" siết chặt người nuôi biển, cần tháo gỡ 7 điểm nghẽn

Minh Ngọc - Bùi My Thứ hai, ngày 01/04/2024 17:29 PM (GMT+7)
Ngày 1/4, tại Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp để Việt Nam trở quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển.
Bình luận 0

Sáng 4/1, tại TP Hạ Long, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh. Tại Hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp để Việt Nam trở quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển.

Người dân mong ngóng sớm có quy hoạch không gian biển quốc gia

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, diện tích vùng biển Việt Nam có trên 1 triệu km2, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Tính đến năm 2022, diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Hiện, 55 cơ sở được cấp phép NTTS trên biển, 9.763 lồng bè được cấp mã số (Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị 100% cơ sở nuôi lồng bè được cấp mã số).

Ông Luân cho rằng, nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng đến nay do một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt chưa có quy hoạch không gian biển dẫn đến người dân chưa được giao khu vực biển dẫn đến nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.

Mặc dù là tỉnh có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nuôi biển, tuy nhiên, đâu đó người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng, quy hoạch, xin cấp phép, giống, cảng cá... Tất cả như chiếc "vòng kim cô" siết chặt người nuôi biển.

"Chiếc vòng kim cô" siết chặt người nuôi biển, cần tháo gỡ 7 điểm nghẽn- Ảnh 1.

Mô hình nuôi biển của HTX nuôi trồng và dịch vụ thủy sản Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Giám đốc HTX nuôi trai Đảo Ngọc (Quảng Ninh), chị Ngô Thị Vui cho rằng, người nuôi biển cũng thấm thía và hiểu được rằng, "đi ra biển phải đi cùng nhau, đoàn kết, liên kết, không có cạnh tranh dưới mặt nước thì trên bờ mới bán được sản phẩm". Chị Vui mong muốn có quy hoạch riêng vùng nước cho con trai lấy ngọc bởi đây là giống nuôi nên cần có môi trường biển an toàn, trong sạch không giống như các con khác bởi nó kén nước".

Còn ông Trần Văn Bảo, Giám đốc HTX thủy sản Thắng Lợi (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, một quá trình dài những người nuôi biển ở Quảng Ninh mong mỏi có cơ chế, chính sách được nhà nước cấp phép nuôi biển, giao mặt nước ổn định, lâu dài để người nuôi trồng yên tâm đầu tư sàn xuất. Đến nay, mong mỏi này đang thành hiện thực. Tuy nhiên, đặc thù của vùng biển tại Vân Đồn, các hòn đảo trên vịnh Bái Tử Long liên kết với nhau tạo thành các vũng, vịnh kín sóng, kín gió đồng thời cũng… kín luôn sóng điện thoại.

Ông Bảo cũng tha thiết được địa phương tạo cơ chế chính sách, bởi khi được giao mặt nước ổn định, lâu dài, nghĩa là người dân có "đất" để canh tác nên bà con sẵn sàng góp tiền để xây dựng đường điện, từ đó có nguồn năng lượng để sản xuất. Hiện tại, người nuôi vẫn chạy máy phát điện, chi phí rất lớn và không đáp ứng được yêu cầu nuôi trồng quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường do dầu thải xả ra.

Chị Vui, ông Bảo chỉ là 2 trong số hàng trăm nghìn người đang mong mỏi thời gian tới Trung ương và địa phương sẽ ban hành những chính sách, quy hoạch hoạch không gian biển Quốc gia, từ đó những người đi "mở biển" như họ được sản xuất bền vững cũng như bảo tồn giá trị từ biển mang lại.

Tháo gỡ 7 điểm nghẽn

Để Việt Nam trở quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển, chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nói chắc chắn phải tháo gỡ 7 điểm nghẽn. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, đầu tiên, Việt Nam đang thiếu quy hoạch không gian biển. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, nếu không sớm ban hành thì các địa phương rất khó trong vấn đề quy hoạch nuôi biển.

Thứ hai, thủ tục cấp phép nuôi biển, thủ tục giao biển hiện còn rất phức tạp, đây là điểm nghẽn rất lớn bởi vì nếu không giao biển lâu dài thì doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân không thể yên tâm đầu tư, hơn bao giờ hết người nuôi biển đang “cần một tấc biển để cắm dùi”.

"Chiếc vòng kim cô" siết chặt người nuôi biển, cần tháo gỡ 7 điểm nghẽn- Ảnh 2.

Để Việt Nam trở quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển, chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nói chắc chắn phải tháo gỡ 7 điểm nghẽn.

Thứ ba, hiện nay đang còn thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển. Để phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững thì đây là yếu tố cần thiết làm cơ sở cho phát triển sản xuất.

Thứ tư là chưa có cơ quan đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển.

Thứ năm là chưa có bảo hiểm cho hoạt động nuôi biển.

Thứ sáu, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển.

Thứ bảy là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, đối với xây dựng ngành hàng nuôi biển, chúng ta đang trong một “hải trình” chuyển từ nuôi biển thủ công sang nuôi biển công nghiệp, chuyển từ nuôi ở vùng biển kín ven bờ sang nuôi ở vùng biển mở xa bờ, từ việc kêu gọi động viên ngư dân ra biển sang việc quản lý chặt chẽ nghề nuôi biển, từ việc đơn loài sang nuôi đa loài tích hợp, phát triển riêng đơn ngành sang kết hợp với các ngành kinh tế biển khác…

“Một “hải trình” mới chỉ bắt đầu”, ông Nguyễn Hữu Dũng nói. Có nghĩa là nuôi biển của Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn, thách thức. Ví dụ khi chuyển từ nuôi biển thủ công sang nuôi quy mô công nghiệp đồng nghĩa với việc chuyển chủ thể nuôi biển từ những người ngư dân manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, không ai quản lý sang các pháp nhân cụ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, chịu sự quản lý ở nhiều khía cạnh.

Quảng Ninh triển khai 6 nhiệm vụ phát triển nuôi biển

Để phát triển bền vững nuôi biển, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả phát triển thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh, dựa trên các mục tiêu Quốc gia về phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình trở thành trung tâm nuôi biển gắn với trung tâm nghề cá lớn, Quảng Ninh giữ vững quan điểm sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, đảm bảo hài hòa với du lịch phù hợp với cảnh quan và phát triển văn hóa; phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; bố trí, sắp xếp nuôi lồng bè và nhuyễn thể an toàn, khoa học, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

"Chiếc vòng kim cô" siết chặt người nuôi biển, cần tháo gỡ 7 điểm nghẽn- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển nuôi biển bền vững.

Thứ hai, ngành NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cùng các địa phương ven biển quản lý hiệu quả, khai thác bền vững 45.000ha mặt biển đã được quy hoạch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thủy sản; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho người lao động.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thị trường, có kế hoạch sản xuất trung hạn và hàng năm để đáp ứng nguồn cung phù hợp với cầu của thị trường.

Thứ tư, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với ngành NNPTNT hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng tạo nguồn vốn ổn định đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi biển; phối hợp ngành tài nguyên và môi trường đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đánh giá tác động môi trường, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.

Thứ năm, đối với các doanh nghiệp, HTX và các hộ nuôi biển được Nhà nước cấp phép nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển, cần tổ chức sản xuất liên kết để tạo hiệu quả về vốn đầu tư, nâng cao chất lượng thủy sản.

Thứ sáu, triển khai hiệu quả chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh lĩnh vực thủy sản trong năm 2024. Tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, hình thành hệ thống sản xuất - logistic thủy sản hiện đại trên địa bàn tỉnh gắn với hệ thống xuất khẩu chung của cả nước.

"Chiếc vòng kim cô" siết chặt người nuôi biển, cần tháo gỡ 7 điểm nghẽn- Ảnh 4.

Chiều 31/3, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan (giữa) và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy (bên phải) lắng nghe các kiến nghị của đại diện các HTX, người nuôi biển và giải đáp các kiến nghị ngay tại khu vực nuôi lồng bè giữa biển Vân Đồn.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, với những gì Quảng Ninh đã làm được, sau “Hội nghị Phát triển nuôi biển bền vững - Nhìn từ Quảng Ninh” còn có ý nghĩa hơn, tỉnh Quảng Ninh sẽ là địa phương tiên phong, là “tâm điểm” của vòng tròn thủy sản. Từ đó lan tỏa, mở rộng thêm các vòng tròn đồng tâm khác, vòng tròn của sự quyết tâm, phát triển, đồng lòng…

Tại Hội nghị, Sở NNPTNT Quảng Ninh đã tổ chức ký kết bản ghi nhớ thúc đẩy phát triển nuôi biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024 - 2025 với 7 đơn vị. Trong đó có 4 viện nghiên cứu gồm 3 viện nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, Viện Hải sản) và 1 viện nghiên cứu ứng dụng (Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo MEKONG).

3 doanh nghiệp gồm doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi biển (Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung GROUP), doanh nghiệp lĩnh vực sơ chế, chế biến (Công ty TNHH Thủy sản LENGER Việt Nam), doanh nghiệp nuôi biển (Công ty Cổ phần tập đoàn STP).

Ngay sau khi bản ghi nhớ được hoàn thành, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức trao giấy phép nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển cho một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem