Indonesia muốn thay đổi cách gọi Biển Đông

Trà My - SCMP Thứ năm, ngày 18/08/2016 17:09 PM (GMT+7)
Nhân ngày quốc khánh, Indonesia công bố rất nhiều biện pháp mạnh tay nhằm bảo vệ chủ quyền nước này quanh quần đảo Natuna.
Bình luận 0

img

Quần đảo Natuna, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Indonesia

Trong nỗ lực duy trì chủ quyền của mình, Indonesia công bố ngày 17.8 rằng nước này sẽ tìm cách đổi tên một phần Biển Đông, khu vực 200 dặm quanh quần đảo Natuna, thành Biển Natuna.

Ông Ahmad Santosa, chỉ huy lực lượng 115, cơ quan chống lại các hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, cho biết đề xuất này sẽ được "gửi đến Liên Hợp Quốc". Ông nói thêm "nếu không ai phản đối, thì khu vực này sẽ có tên chính thức là biển Natuna".

Quần đảo Natuna ở phía tây bắc Borneo của Indonesia, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.

Thị trưởng quần đảo Natuna, Hamid Rizal, nói rằng sự thay đổi sẽ giúp mọi người hiểu rõ phần biển này thuộc về Indonesia, và giúp chống lại các hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không theo quy định trong vùng biển của Indonesia.

img

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến thăm quần đảo Natuna

Ngày 17.8, ngày quốc khánh của Indonesia, nhà chức trách nước này đã đánh chìm 60 tàu cá, trong đó có 58 tàu thuyền nước ngoài và 2 tàu trong nước. Hầu hết tàu cá bị đánh chìm hoạt động ở khu vực Natuna, nơi Trung Quốc tuyên bố là ngư trường truyền thống của nước này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản và Hàng hải Indonesia, bà Susi Pudjiastuti, cho biết "vai trò của tôi là xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến cá và tài nguyên thiên nhiên ở biển. Tôi không nói đến chủ quyền lãnh thổ chính trị. Tôi đang nói về chủ quyền tài nguyên biển. Chừng nào cá còn bơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, chúng còn là cá của Indonesia. Nếu có ai đánh bắt chúng ở đây, điều này sẽ là bất hợp pháp".

Susi thêm rằng Indonesia chỉ có một thỏa thuận đánh cá với Malaysia ở eo biển Malacca. Bà nhấn mạnh Indonesia không công nhận bất kỳ ngư trường truyền thống nào, đề cập đến tuyên bố của Trung Quốc trong vùng biển quanh Natuna.

img

Indonesia bắn chìm một tàu cá đánh bắt trái phép hồi tháng 4

Từ tháng 12.2014, Indonesia đã đánh chìm 236 tàu.

5 tàu bị đánh chìm sẽ trở thành di tích ở Pangandaran, Tây Java. Bên cạnh di tích, bà Susi sẽ cho xây dựng một Bảo tàng Hàng hải Quốc tế, với sự hỗ trợ của Mỹ và Na Uy.

Bên cạnh việc đánh chìm tàu, bà Susi cũng tổ chức lễ động thổ một trung tâm giam giữ những người đánh cá bất hợp pháp vào ngày quốc khánh của Indonesia. Tòa nhà có thể giam từ 300 đến 500 người, ước tính sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016.

Để phát triển quần đảo Natuna, Indonesia cũng sẽ xây dựng một khu vực ngư nghiệp tích hợp, trong đó bao gồm một kho lạnh công suất 200 tấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem