"Chấm" hộ nghèo: Đề xuất thêm chiều văn hoá, đạo đức, tránh “bệnh” thành tích

Minh Huệ - Minh Nguyệt Chủ nhật, ngày 05/07/2020 11:39 AM (GMT+7)
Sau 27 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta đã giảm nhiều. Tuy nhiên bên cạnh những con số đẹp, công tác xoá đói giảm nghèo vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Ở một số nơi, cán bộ địa phương còn hiểu sai về tiêu chí nghèo, dẫn đến "chấm" hộ nghèo chưa chuẩn.
Bình luận 0

Năm 1999, nước ta thực hiện chuyển từ chính sách giảm nghèo cấp, cho không sang giảm nghèo theo thu nhập. Và từ năm 2015 đến nay, Việt Nam chuyển sang giảm nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo qua các giai đoạn giảm liên tục, từ chỗ có 80% hộ nghèo đói, đến năm 2019 tỷ lệ nghèo Việt Nam đã giảm xuống còn 3,75%.

Chuẩn nghèo giai đoạn mới: Đề nghị thêm "chiều" văn hoá, đạo đức để tránh “bệnh” thành tích, ỷ lại - Ảnh 1.

Ngôi nhà dựng bằng phên của gia đình anh Lập ở thôn Sa Trầm, xã Ba Nang (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Tư liệu

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng giai đoạn 2021 – 2025", do Bộ LĐTBXH tổ chức sáng 12/6, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: Bên cạnh những mặt đạt được khi thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điển hình là chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập đã duy trì 5 năm liên tục nhưng không cập nhật chỉ số giá, đến nay đã lạc hậu. Không phản ánh chính xác được thực trạng nghèo trong giai đoạn tới.

Hộ nghèo được tách thành 2 nhóm: Hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, chưa phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều được áp dụng chung. Một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, chưa định lượng nên khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Ví dụ như chỉ số về tiếp cận các dịch vụ y tế, trình độ giáo dục của người lớn, nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông…

Chưa xác định rõ giải pháp tác động đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương…

Ông Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hoà Bình cho biết, đến nay tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Hoà Bình còn 11,36%, với 21.000 hộ nghèo, số hộ cận nghèo hơn 20%. Tổng cộng tỉnh còn gần 60.000 hộ nghèo và cận nghèo, cao hơn mặt bằng chung của vùng miền núi phía Bắc cũng như cả nước.

Thực tế cho thấy, khái niệm nghèo chỉ là tương đối, có thể thay đổi theo từng giai đoạn và bối cảnh xã hội. Ví dụ dịch Covid-19 xảy ra, rất nhiều hộ khá có thể trở thành hộ nghèo.

Chuẩn nghèo giai đoạn mới: Đề nghị thêm "chiều" văn hoá, đạo đức để tránh “bệnh” thành tích, ỷ lại - Ảnh 2.

Ông Bàn Văn Lỵ ở xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) rớt nước mắt trước cánh đồng thuốc lá tan tành sau mưa đá. Ảnh: C.H

"Chúng ta đặt ra mức chuẩn sống tối thiểu để đánh giá mức sống của con người, nếu thước đo phức tạp quá, thì sẽ rất khó đánh giá. Nhưng bây giờ, nhìn nhận nghèo phải khác ngày xưa. Ngày xưa chỉ cơm ăn áo mặc, nhưng bây giờ phải nâng cao cả về vật chất lẫn đời sống văn hoá, tinh thần, sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, chính quyền địa phương, ý thức người dân chứ không chỉ đo đếm đất đai, tài sản, nhà ở…", ông Thuỷ nói.

Góp ý cho đánh giá chuẩn nghèo giai đoạn mới, ngoài 5 chiều cũ đã áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, ông Thuỷ đề nghị có thêm 1 chiều nữa, có thể là văn hoá hay đạo đức.

"Đây là tiêu chí "mềm", nhằm tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại của hộ nghèo hay cận nghèo. Qua đó nâng cao ý thức tự lực cánh sinh của hộ nghèo. Với tiêu chí "mềm" này, khi áp dụng ở những xã nông thôn mới sẽ rất thuận lợi", ông Thuỷ góp ý.

Cũng theo ông Thuỷ, giảm nghèo chỉ riêng Nhà nước không thể làm được, mà cần có sự tích cực từ các đại phương, quan trọng nhất là cần ý thức vươn lên từ chính những hộ nghèo. Do đó, chúng ta nên cố gắng giảm hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình. Nên hướng tới tạo việc làm, tổ chức sản xuất, dịch vụ, tăng cường các mô hình… Hỗ trợ bà con phải sát thực tế thì mới đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Chuẩn nghèo giai đoạn mới: Đề nghị thêm "chiều" văn hoá, đạo đức để tránh “bệnh” thành tích, ỷ lại - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo sáng 12/6. Ảnh: M.H

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021 – 2025 cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Theo đó chuẩn nghèo mới sẽ được xây dựng theo hướng kế thừa những điểm tích cực, thành công; khắc phục những nội dung lạc hậu, tồn tại, vướng mắc của chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Giải quyết các vấn đề, chiều thiếu hụt phát sinh hoặc mới được nhận diện để phù hợp với thực tế, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, lõi nghèo…

"Công cụ đo chuẩn nghèo dù sao vẫn chỉ là công cụ. Quan trọng là người đi đo phải có trình độ, nhận thức, có cái nhìn toàn diện để đánh giá sát thực tế, từ đó có tham mưu thực hiện các chính sách giảm nghèo hiệu quả", ông Thanh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem