Vụ nhảy lầu tự tử ở tòa án:Nữ thẩm phán quá vô cảm

Vương Hà Thứ sáu, ngày 12/06/2020 11:22 AM (GMT+7)
Không thể không đặt câu hỏi, vì sao những vi phạm sơ đẳng trong tố tụng vẫn có thể lọt qua các cửa của cơ quan cảnh sát điều tra, của viện kiểm sát, của tòa án cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm?
Bình luận 0

Trước sự túng quẫn, phẫn uất tới mức phải tìm cách từ bỏ cuộc sống của ông Lương Hữu Phước, là chủ tọa phiên tòa, lại là phụ nữ, dư luận hy vọng bà thẩm phán Lê Hồng Hạnh sẽ có lời chia sẻ nào đó trước khi nói chuyện đúng sai của bản án. Nhưng không, không có được một câu về sự ra đi tức tưởi của một con người, liên quan đến chính công việc của bà. Dù rằng, trước khi tìm đến cái chết, ông Phước đưa trên Facebook cá nhân: "Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ".  Dư luận thật buồn và lo âu với trái tim vô hồn của bà thẩm phán này.

Những lời nói đầu tiên của bà thẩm phán là về trách nhiệm, về sự thận trọng của HĐXX với vụ án mà bị cáo liên tục kêu oan. Cẩn thận tới mức, theo bà thẩm phán, mời cả điều tra viên khám nghiệm hiện trường, đo nồng độ cồn để thẩm vấn công khai. Bởi như bà nói: "chúng tôi rất thận trọng vì liên quan đến sinh mệnh của một con người." Thậm chí, bà thẩm phán còn chu toàn tới mức, "báo cáo kịp thời với lãnh đạo, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Bình Phước và tham khảo ý kiến của các cơ quan tư pháp khác."  

Nhưng đến khi thẩm phán Hạnh nói cụ thể vào vụ án, bất cứ ai đọc kỹ cũng nhận ra, có quá nhiều sai sót nghiêm trọng, mà nói theo bộ Luật Tố tụng hình sự, đó là những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Một ví dụ rất dễ nhận thấy, chính thẩm phán Hạnh cho biết, "Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn." Nhưng, cũng theo bà Hạnh, "cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe của Lâm Tươi lúc xảy ra tai nạn". Vậy nhưng, không hiểu sao, các cơ quan tiến hành tố tụng lại đổ hết lên đầu ông Phước? Dư luận không thể không đặt câu hỏi, vì sao những vi phạm sơ đẳng đó vẫn có thể lọt qua các cửa của cơ quan cảnh sát điều tra, của viện kiểm sát, của các phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm?

Rất may, TAND cấp cao tại TPHCM đã sớm quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao hủy 2 bản án sơ, phúc thẩm liên quan dến ông Lương Hữu Phước để điều tra làm rõ một loạt vấn đề. Đó là câu trả lời sớm nhất, kịp thời nhất cho dư luận.

Vụ nhảy lầu tự tử ở tòa án:

Nữ thẩm phán quá vô cảm - Ảnh 2.

Ông Lương Hữu Phước ngồi chờ bản án tại toà.

Trong rất nhiều điểm mờ được kháng nghị chỉ ra, có hai nội dung rất đáng chú ý. Một là, "quá trình điều tra chưa làm rõ tốc độ của xe của ông Tươi là thiếu sót". Hai là, ông Tươi không xử lý được tình huống xảy ra do nguyên nhân nào, thiếu quan sát, sự kiện bất ngờ, do không đủ tỉnh táo (có nồng độ cồn cao), vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ  về tốc độ tối đa cho phép, hay chưa đủ kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (vì chưa có bằng lái xe). 

Về những nội dung này, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Quảng Đức Tuyên, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM (người ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm này) đã khẳng định: "Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy vụ án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án..."

Vậy, vì lẽ gì bản án sơ thẩm lần đầu đã bị phiên tòa phúc thẩm hủy bởi có nhiều sai sót, nhưng đến sơ thẩm và phúc thẩm lần 2, vẫn có thể tồn tại những sai sót nghiêm trọng và sơ đẳng nhất?

Điều đáng quan tâm là, những sai sót này có tính chất dây chuyền. Sai sót bắt đầu từ điều tra viên, kết luận điều tra. Tiếp đó, với vai trò giám sát, kiểm sát nhưng những lỗi này của cơ quan cảnh sát điều tra vẫn bị Viện kiểm sát bỏ lọt. Sau cùng là HĐXX, đọc hồ sơ kiểu gì mà cáo trạng có những lỗi lồ lộ như thế vẫn cứ đem ra xét xử và tuyên án. Dù rằng, nói như bà thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm lần 2, đã hết sức thận trọng vì bị cáo liên tục kêu oan.

Dư luận không thể hiểu, dù "rất thận trọng", nhưng HĐXX vẫn đưa ra bản án bất chấp những sai sót sơ đẳng như vậy. Đặc biệt, ngồi trong HĐXX phúc thẩm có Phó chánh án TAND tỉnh Bình Phước - thẩm phán Lê Viết Hòa. Thẩm phán Hòa cũng là người ngồi xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp đất đai, sau đó bị đơn đã dùng dao tự sát. Sau vụ việc đó, UBND thị xã Đồng Xoài lập đoàn thanh tra và đưa ra kết luận ngược lại hoàn toàn (về chủ quyền mảnh đất) với bản án.

Dư luận buộc phải đặt ra câu hỏi: Những dấu hiệu sai phạm trong quá trình tố tụng vụ án tai nạn giao thông này là do trình độ quá yếu kém hay do động cơ không trong sáng?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem