Đại diện VKS: Bản án sơ thẩm vụ VNCB có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Nguyễn Hữu Thứ ba, ngày 10/01/2017 12:08 PM (GMT+7)
Đại diện VKS cho rằng trong bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ rút số tiền 5.910 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản...
Bình luận 0

img

Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh rời khỏi tòa.

Sau nhiều ngày xét hỏi, sáng 10.1, phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm bước qua phần nêu quan điểm của VKSND Cấp cao.

Đại diện VKS nhận định trong vụ án này Danh là người đề ra chủ trương, chỉ đạo các bị cáo Mai, Khương, Quyết, Viễn, Tùng… chỉ đạo các nhận viên dưới quyền thuộc VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Án cấp sơ thẩm đã xem xét các yếu tố giảm nhẹ như: Bị cáo Danh có thái độ khai báo thành khẩn, bị cáo đã đề nghị bán bất động sản khắc phục hậu quả thể hiện sự ăn năn hối cải, Tập đoàn Thiên Thanh tại địa phương có nhiều đóng góp cho xã hội… Tuy nhiên do hậu quả gây ra rất nghiêm trọng nên bản án sơ thẩm tuyên mức án 30 năm tù với Danh là có căn cứ, cần giữ nguyên.

Tuy nhiên đại diện VKS đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của Danh, đề nghị HĐXX sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng thu hồi số tiền Danh đã chuyển cho ông Trần Quý Thanh 500 tỷ đồng, bà Hứa Thị Phấn hơn 130 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích 119 tỷ đồng giao VNCB để đảm bảo khắc phục hậu quả.

Còn các bị cáo Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương, Bạch Quốc Hào là những người giúp sức trực tiếp cho Danh thực hiện các hành vi phạm tội. Cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là có căn cứ, không có cơ sở xem xét giảm nhẹ thêm.

Đại diện VKS cũng bác kháng cáo kêu oan của các bị cáo Phan Minh Tùng, Doãn Quốc Long bởi không hề có oan sai. Hai bị cáo này có các hành vi sai phạm trong việc lập các báo cáo tài chính khống, khi cho vay không tiếp xúc trực tiếp khách hàng, không thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng.

img

Các bị cáo ra về sau phiên tòa ngày 10.1.

Riêng các bị cáo là nhân viên ngân hàng, giám đốc đứng tên các công ty do Phạm Công Danh lập ra để vay tiền đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo, VKS cho rằng không có căn cứ để xem xét. Còn về các kháng cáo đề nghị hủy quyết định khởi tố của tòa cấp sơ thẩm của bà Hứa Thị Phấn (cổ đông nhóm Phú Mỹ), ông Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam (lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín), VKS cho rằng không có cơ sở.

Đặc biệt, đại diện VKS cho rằng trong bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ rút số tiền 5.910 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản. VKS khẳng định số tiền này là thực chất là thỏa thuận vay giữa Phạm Công Danh và ông Trần Quý Thanh. Thông qua các hợp đồng vay, bà Trần Ngọc Bích rút tiền ra từ VNCB rồi chuyển vào tài khoản của Danh, bị cáo Danh sau đó chuyển tiền cho ông Thanh. Thực chất vấn đề này là dùng các khoản vay mới để trả nợ cũ.

VKS khẳng định, án sơ thẩm khởi tố Phạm Thị Trang có căn cứ nhưng thiếu sót khi chưa xem xét vai trò của ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích và Vũ Thị Như Thảo, Trần Trọng Nghĩa (cán bộ ngân hàng VNCB) trong việc giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi gây thất thoát cho VNCB số tiền 5.190 tỷ đồng.

Vì vậy VKS đề nghị cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKS Cấp cao xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thanh, bà Bích, bà Thảo và ông Nghĩa. VKS cũng đề nghị trong giai đoạn hai của vụ án, cần làm rõ mối quan hệ vay mượn giữa bà Bích và Danh để truy thu thuế và hành vi trốn thuế.

Trong thời gian điều hành VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 9.2016, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Danh mức án 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cùng với hai tội danh này, Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc VNCB) bị tuyên phạt 22 năm tù; Mai Hữu Khương (Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) bị tuyên phạt 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) bị tuyên phạt 19 năm tù. Còn 32 bị cáo khác liên quan đến vụ án này chịu mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem