Trở ngại trên đường vươn ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc

Thứ ba, ngày 24/10/2017 15:35 PM (GMT+7)
Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trên toàn thế giới, song hiện thực hóa mục tiêu trên không phải điều dễ dàng.
Bình luận 0

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 18/10, Chủ tịch Tập Cận Bình vạch ra lộ trình đưa Trung Quốc trở thành một "siêu cường hàng đầu thế giới" vào năm 2050. Giới chuyên gia cho rằng phát biểu này của ông Tập phản ánh tham vọng vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với tư cách một cường quốc toàn cầu, theo New York Times.

"Chính sách ngoại giao táo bạo mà ông Tập theo đuổi xuất phát từ nguyện vọng, niềm tin và những yêu cầu chiến lược của chính ông ấy", Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định.

Các nhà quan sát cho rằng ông Tập đã thành công phần nào trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, không chỉ ở châu Á mà còn ở cả châu Phi, châu Âu hay xa hơn nữa là Nam Mỹ. Tuy nhiên, những dấu hiệu trắc trở tại một số khu vực đang cho thấy thách thức mà ông Tập sẽ phải đối mặt trong hành trình hiện thực hóa tham vọng này.

Trở ngại

Tại Australia, chính quyền nước này đã bắt đầu tỏ ra phật ý bởi cái mà họ nhìn nhận như sự can thiệp của Bắc Kinh vào vấn đề chính trị trong nước. Ở châu Âu, các chính trị gia quan ngại trước chiến thuật thương mại áp đảo mà Trung Quốc theo đuổi nhằm thu về những công nghệ nước ngoài. Dư luận nhiều nước Đông Nam Á và châu Phi cũng đang tranh luận về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc với hai nước lớn trong khu vực là Nhật Bản và Ấn Độ vẫn căng thẳng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập còn đang đối diện với tình hình bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, với việc cả Seoul và Bình Nhưỡng đều hành động không như ông mong muốn. Một bên tích cực phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, bên còn lại cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược khiến Trung Quốc lo ngại.

Bài phát biểu hơn ba tiếng của ông Tập tuần trước ám chỉ Trung Quốc sẽ không lùi bước trước bất cứ thách thức nào trong hành trình hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa", tuy nhiên ông không nêu ra những biện pháp cụ thể để đối phó với những trở ngại ngày càng lớn này.

Tại Đức, việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng các khoản đầu tư khiến không ít người lo ngại Bắc Kinh đang tìm cách thâu tóm những công ty công nghệ giá trị ở nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách Đức đang cân nhắc biện pháp đáp trả.

Cũng có những mối lo lắng rằng Trung Quốc muốn chia rẽ Liên minh châu Âu (EU) bằng cách lôi kéo các quốc gia nghèo hơn như Hungary hay Hy Lạp và sử dụng họ để ngăn chặn những chính sách mà Bắc Kinh cho là có ảnh hưởng tiêu cực tới mình.

Các cường quốc đang lên luôn gặp phải kháng cự. Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, sự phản kháng không chỉ đến từ phương Tây mà còn từ cả những láng giềng khu vực, theo New York Times.

Trung Quốc đang nỗ lực gây ảnh hưởng lớn hơn ở các nước Đông Nam Á như Myanmar, Malaysia và Thái Lan. Nhưng mối quan hệ đang được cải thiện giữa ông Tập với lãnh đạo dân sự Myanmar Aung San Suu Kyi chưa thể xóa bỏ những ngờ vực sâu sắc mà người dân nước này dành cho Trung Quốc.

 

img

Các công nhân Trung Quốc xây cầu ở Lào. Ảnh: New York Times.

Ở Malaysia, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại đây phải đối diện với những lời cáo buộc rằng Malaysia đang bán rẻ chủ quyền. Tại Thái Lan, một dự án đường sắt quan trọng đối với tuyến thương mại mới từ phía nam Trung Quốc hiện bị trì hoãn.

Thậm chí ở Philippines, nơi nhà lãnh đạo Rodrigo Duterte đang tỏ ra gần gũi với Trung Quốc và dần xa cách Mỹ, ông Tập cũng không thể tận hưởng một chiến thắng toàn vẹn. Thiết bị bay không người lái và máy bay trinh sát Mỹ vẫn quan trọng với Tổng thống Duterte trong cuộc chiến chống lại phiến quân Hồi giáo cực đoan hơn là lô súng trường Trung Quốc vừa tặng nước này.

"Lượng vũ khí Trung Quốc viện trợ không đáng kể so với số vũ khí mà các lực lượng vũ trang và cảnh sát cần", ông Roilo Golez, cựu nghị sĩ Philippines, cho hay. "5.000 khẩu súng trường là rất nhỏ bé và chỉ mang ý nghĩa tượng trưng".

Can thiệp

Tại Australia, nơi Trung Quốc coi như khu vực thử nghiệm những chiến lược mới có thể áp dụng cho Mỹ và châu Âu về sau, ông Tập đã vấp phải những phản ứng dữ dội.

Bắc Kinh liên tục khuyến khích các doanh nhân gốc Hoa tham gia những chiến dịch chính trị ở Australia, yêu cầu sinh viên Trung Quốc quảng bá các chính sách của nước mình tại lớp học và tích cực huy động các cơ quan truyền thông tiếng Trung ở địa phương.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng, lãnh đạo cơ quan tình báo Australia Duncan Lewis cảnh báo những hoạt động như trên đang "đe dọa" tới chủ quyền, sự toàn vẹn của các thể chế quốc gia Australia và khả năng thực hành quyền công dân của người dân nước này.

Giới phân tích đánh giá đối với Trung Quốc, Australia là một mục tiêu hấp dẫn bởi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra, đồng thời là nơi có lượng người nhập cư và sinh viên Trung Quốc lớn, cung cấp nguồn viện trợ tài chính quan trọng cho các trường đại học nước này.

Nhưng chính phủ Australia đang cân nhắc đặt ra những giới hạn mới để kiềm chế sự can thiệp của Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ hơn những khoản đầu tư từ nước ngoài.

"Những thế lực Trung Quốc đã vượt khỏi tầm kiểm soát khi cố gắng tác động tới các lựa chọn của Australia", ông Rory Medcalf từ Đại học Quốc gia Australia nhận định.

Mối lo âu về sự can thiệp chính trị của Trung Quốc cũng đang gia tăng ở New Zealand. Giới chức Trung Quốc mới đây còn gợi ý các nhà báo tiếng Trung tại New Zealand cộng tác với những cơ quan báo chí chính thống nước này.

"Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra một mức độ gây ảnh hưởng trực tiếp như vậy", Anne-Marie Brady, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Canterbury ở  Christchurch, New Zealand, cho hay.

Theo June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, ông Tập sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu bằng cách tăng cường dần dần sức ép lên các nước khác, chiến thuật mà Bắc Kinh đã sử dụng trong dự án bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Tuy nhiên, hoạt động xây đảo này của Trung Quốc lại vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của nước này, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế.

Vũ Hoàng (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem