Trump đưa "tối hậu thư" cho Trung Quốc, Nga, Iran, điều gì xảy ra?

Lư Phổ Ân Thứ hai, ngày 15/01/2018 13:30 PM (GMT+7)
Cùng với một tối hậu thư đưa ra cho Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa tiếp tục ngừng áp dụng những biện pháp trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nói theo cách khác, ông Trump không thực hiện cam kết tranh cử và tuyên bố được nhiều lần đưa ra là rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Thoả thuận này được người tiền nhiệm của ông Trump trên cương vị tổng thống Mỹ là Barack Obama cùng với Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp ký kết với Iran hồi tháng 6.2015 và chính thức có hiệu lực từ năm 2016.

Nó còn được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) chấp thuận và coi là có giá trị hiệu lực như luật pháp quốc tế. Điều này có nghĩa là nếu Mỹ vô cớ đơn phương lật ngược nó thì giống như chủ ý vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Trump công khai phê phán thoả thuận này là "tồi tệ nhất mà nước Mỹ đã từng ký kết".

Cả sau một năm cầm quyền, ông Trump chưa thực hiện đầy đủ cam kết liên quan đến thoả thuận kia. Nhưng ông Trump cho biết lần này là lần cuối cùng nếu tối hậu thư của ông Trump không được các đối tác đáp ứng.

Các đối tác này là ai? Là Nga, Trung Quốc, Iran và EU. Nga và Iran, thậm chí cả Trung Quốc nữa mặc dù cho đến nay Bắc Kinh chưa thấy biểu hiện thái độ gì về tối hậu thư này của ông Trump, sẽ không đáp ứng yêu cầu của ông Trump.

Còn EU cũng không sẵn sàng và dẫu có bị buộc phải chiều ý ông Trump thì cũng không thể đáp ứng được yêu cầu nêu trong tối hậu thư bởi muốn bổ sung hay chỉnh sửa nội dung thoả thuận hoặc đàm phán lại với Iran thì cũng phải có được sự đồng ý của Iran, Nga và Trung Quốc.

Ông Trump đưa ra cho EU tối hậu thư trong nhận thức là EU hiện không sẵn sàng đáp ứng và dẫu có muốn cũng không thể đáp ứng nổi. Cho nên có thể thấy là phía ông Trump xem ra đã quyết định lật ngược thoả thuận này, nhưng chưa tuyên bố công khai ngay vì hai lý do.

Thứ nhất là dùng việc tối hậu thư không được đáp ứng làm cớ. Thứ hai là có thêm thời gian để tính bước đi tiếp theo vì hiện tại chưa có được chiến lược và biện pháp cụ thể cho trường hợp Mỹ rút khỏi thoả thuận này, tức là Mỹ sẽ phải làm gì khi đơn phương lật ngược thoả thuận trong khi tất cả các đối tác còn lại vẫn duy trì thoả thuận. Thời gian ấy là 120 ngày tới.

Ông Trump theo đuổi việc lật ngược thoả thuận được cả thế giới hoan nghênh này trước hết vì muốn tỏ ra là người kiên định thực hiện cam kết tranh cử và để thoả mãn nguyện ước là huỷ hoại mọi thành quả cầm quyền của người tiền nhiệm.

Bằng cách đòi phải có những chỉnh sửa và bổ sung nội dung cho thoả thuận đã được ký kết, đã chính thức có hiệu lực và đã được triển khai thực hiện, ông Trump muốn đánh ván bài mới liên quan đến Iran, không chỉ đàm phán lại vấn đề chương trình hạt nhân của Iran mà còn cả đàm phán mới về vấn đề chương trình tên lửa của Iran.

Trong quá trình đàm phán mới này, phía Mỹ sẽ dùng cả những vấn đề khác như tình hình dân chủ, nhân quyền ở Iran hay chuyện thù địch giữa các đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh với Iran để gia tăng áp lực đối với Iran.

Xung khắc lợi ích cơ bản giữa chính quyền mới ở Mỹ với Nga, Trung Quốc, Iran và EU ở chỗ Mỹ muốn huỷ thoả thuận này để xử lý lại toàn bộ quan hệ với Iran trong khi các đối tác kia có nhu cầu chiến lược là duy trì giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.

Một khi ký kết thoả thuận rồi mà lại đơn phương lật ngược thì Mỹ không thể khiến cho các đối tác khác đang có chuyện để xử lý với Mỹ như Triều Tiên, cũng có nội dung là chương trình tên lửa và hạt nhân, tin là Mỹ thật sự thành tâm thành ý đàm phán và ký kết thoả thuận song phương cũng như đa phương. Như thế cuối cùng sẽ chỉ lợi bất cập hại đối với Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem