Docimexco bỏ rơi người trồng lúa: Bộ NNPTNT sẵn sàng làm trọng tài

Thứ sáu, ngày 06/04/2012 13:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Về việc Công ty Sản xuất và kinh doanh lúa gạo Docimexco (Đồng Tháp) không chịu thu mua lúa cho nông dân trong mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Tam Nông, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT).
Bình luận 0

Đến nay, Bộ NNPTNT đã nắm được thông tin về việc Công ty Docimexco bỏ rơi người trồng lúa trong CĐML chưa, thưa ông?

- Vừa qua, tôi đã đọc thông tin trên báo NTNN về vấn đề này. Ngay sau đó tôi đã trực tiếp làm việc với ông Phạm Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Docimexco. Qua tìm hiểu, tôi được biết, khi ký hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân do chưa được bàn bạc kỹ càng, chưa lường hết những tình huống xảy ra, điều khoản không chặt chẽ, nên khi có sự cố ra rất khó xử lý. Sau buổi làm việc trên, phía Docimexco cũng đã rút kinh nghiệm và bắt đầu thu mua trở lại. Tuy nhiên, Docimexco cũng cho biết, lý do họ không thu mua là do người dân thu hoạch không đúng thời gian quy định và độ ẩm của lúa quá cao.

img
Nông dân kiểm tra lúa ở cánh đồng mẫu lớn tại huyện Tam Nông.

Như ông nói, hiện chúng ta chưa có chế tài xử lý việc này. Vậy trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ có hướng giải quyết ra sao đối với những trường hợp tương tự?

- Việc thực hiện chế tài đối với doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay có rất nhiều cái khó. Do mới là giai đoạn đầu thực hiện thí điểm CĐML, nên cả doanh nghiệp và người dân đều bỡ ngỡ. Thực tế ở nước ta là "sản xuất trước, bán sau", nên Nhà nước cần có những hướng dẫn để cả 2 bên hiểu, thực hiện nghiêm những cam kết khi triển khai CĐML. Theo tôi, trước tiên doanh nghiệp và các hộ dân cần có sự bàn bạc kỹ, cần có những điều khoản ràng buộc nhất định với nhau trên tinh thần tự nguyện, nếu thấy thoải mái thì ký, không thì thôi.

Liên quan tới việc Docimexco bỏ rơi nông dân, trưa 5.4 PV NTNN đã liên lạc xin làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết lãnh đạo bận họp nên hẹn làm việc vào dịp khác.

Hiện nay, còn rất nhiều vấn đề phải tháo gỡ khi mở rộng CĐML, một mặt doanh nghiệp phải làm sao lo được đầu ra cho sản phẩm, phải đầu tư vào chế biến mới được, chứ như bây giờ, chúng ta mới chủ yếu là sơ chế, nên chất lượng sản phẩm không cao. Về phía người trồng lúa, tôi cho rằng cũng cần phải làm theo đúng quy trình kỹ thuật để có năng suất, chất lượng theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng được một chế tài để làm sao để vừa khuyến khích được doanh nghiệp, vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm và quyền lợi của người dân, trong đó sự minh bạch là quan trọng nhất.

Quan điểm của cả Docimexco và nông dân vào thời điểm này là cần có "trọng tài" đứng ra phân xử, Bộ NNPTNT có sẵn sàng đứng ra làm thưa ông?

- Tôi cho rằng cần có một "trọng tài", nhưng việc này nên làm sau. Trước mắt, cần phải xác định năng lực của các doanh nghiệp, xem doanh nghiệp đó có năng lực đến đâu. Rồi xem việc ký hợp đồng giữa doanh nghiệp và người dân đã có sự thống nhất, thoải mái chưa, vướng mắc ở chỗ nào, để tháo gỡ chỗ đó. Bộ NNPTNT sẵn sàng đứng ra làm trọng tài để phân xử, đề phòng những tình huống xấu xảy ra.

“Việc doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng ở Đồng Tháp là trường hợp điển hình. Có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo không đủ năng lực để thu mua lúa của nông dân. Nếu CĐBL có diện tích từ 1.000 - 2.000ha, gieo sạ đồng loạt thì thu hoạch cũng đồng loạt. Khi đó, doanh nghiệp nhỏ không thể thu mua hết lúa trong dân dù đã ký hợp đồng bao tiêu. Thậm chí, khâu tổ chức vận chuyển của doanh nghiệp cũng không đáp ứng được nhu cầu. Hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân gặp trục trặc dẫn đến phá vỡ hợp đồng chủ yếu là do phương tiện vận chuyển, phơi sấy, tồn trữ và vốn của doanh nghiệp hạn chế. Ngoài ra, còn có cả đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Khi giá lúa xuống thấp, doanh nghiệp không thu mua theo hợp đồng đã ký, nông dân buộc phải bán đổ bán tháo ra ngoài với giá thấp hơn. Thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về nông dân.

Như ông nói, hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân hiện chưa rõ ràng. Theo ông, khi làm hợp đồng để xây dựng "CĐML, cần có những quy định cụ thể như thế nào?

- Các doanh nghiệp cần phải xác định được đầu ra của sản phẩm, khả năng tiêu thụ sản phẩm, mức lời lãi như thế nào để có sự định hướng, kế hoạch thu mua, giá cả cho hợp lý, tránh tình trạng "sốt" thì mua, "hạ" thì ngừng. Khi làm hợp đồng cần có sự bàn bạc giữa người dân, chính quyền địa phương, rồi Hội Nông dân, sao cho hợp lý và đây cũng là căn cứ để khi bên nào vi phạm, thì xử lý mới dễ. Chẳng hạn như tiêu chí về giống, thời điểm thu mua, độ ẩm... Và người dân cũng cần đưa ra các tiêu chí như giá cả, khối lượng...

CĐML là một chủ trương lớn Nhà nước, việc Docimexco làm như vậy ảnh hưởng như thế nào đến chủ trương này?

- Đây chỉ là một vấn đề nhỏ phát sinh trong quá trình thực hiện, không hề ảnh hưởng tới chủ trương triển khai CĐML, mà ngược lại đây sẽ là điều kiện tốt để chúng ta xây dựng những chế tài, kế hoạch chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Dự kiến Bộ NNPTNT sẽ mời một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo để xem xét những khó khăn và cùng tháo gỡ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem