Để "con nghiện" gây tai nạn, có xử lý hình sự chủ doanh nghiệp?

Bảo Linh (ghi) Chủ nhật, ngày 06/01/2019 16:54 PM (GMT+7)
Trong vụ tai nạn thảm khốc tại Long An, tài xế container dương tính với ma túy, có nồng độ cồn cao, vấn đề xử lý trách nhiệm chủ doanh nghiệp một lần nữa được tranh luận.
Bình luận 0

Trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm khi dừng đèn đỏ như ô tô tải đâm xe dừng đèn đỏ ở Đà Nẵng đã hết hạn kiểm định, vụ tai nạn xe container ở Long An...

Vì vậy, mới đây đã có đề xuất nên áp dụng hình thức xử lý hình sự chủ doanh nghiệp khi tài xế vi phạm nhiều lỗi chủ quan gây tai nạn. "Pháp luật cần sớm bổ sung sửa đổi nhằm xử lý hình sự chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải, khi có dấu hiệu ép tài xế chở quá tải, biết tài xế sử dụng ma túy vẫn điều động lái xe…dẫn đến gây tai nạn" - một bạn đọc nêu ý kiến.

Nói về vấn đề này luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư Tp. Hà Nội cho biết: “Thật ra quy định xử lý hình sự chủ phương tiện vận tải biết lái xe sử dụng ma túy nhưng vẫn điều động tài xế điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đã có từ lâu. Cụ thể là từ Bộ luật hình sự 1985 với Điều 188, Bộ luật hình sự 1999 với Điều 205 và gần đây nhất là Bộ luật hình sự 2015 với Điều 263.”

img

Tai nạn xe container tông hàng loạt xe máy ở Long An làm chết 4 người, 18 người bị thương. Ảnh: I.T

Điều 263 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:

"Điều 263. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm”.

“Tuy nhiên việc xử lý hình sự chủ phương tiện về tội danh này khá khó khăn. Điều luật quy định là chủ phương tiện phải biết rõ lái xe sử dụng chất ma túy nhưng vẫn điều động lái xe thì mới phạm tội, trong khi đó rất khó chứng minh chủ phương tiện "biết rõ".

Chính vì vậy mà việc xử lý chủ phương tiện mới có nhiều vướng mắc chứ không phải chúng ta chưa có luật để điều chỉnh”  - Luật sư Hồng Thanh cho biết.

Cũng theo vị luật sư này, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay có các quy định để xử lý chủ phương tiện như sau: Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông (Điều 262 Bộ luật hình sự 2015); Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 263); Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264).

Đối với trách nhiệm bồi thường dân sự của chủ xe trong trường hợp lái xe gây tai nạn, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ xe phải bồi thường thiệt hại do xe mình gây ra. Nếu chủ xe đã giao cho người khác (lái xe) chiếm hữu, sử dụng thì người này (lái xe) phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trong trường hợp chủ xe có lỗi trong việc để xe của mình bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem