Bố mẹ bám rừng, con chịu khổ

Duy Hậu Thứ bảy, ngày 21/11/2015 08:10 AM (GMT+7)
Mặc dù được chính quyền ưu ái, tạo nhiều điều kiện nhưng người dân ở bản Mông xã Ea Kiết, huyện Cư’Mgar (Đăk Lăk) vẫn quyết “bám rừng”. Và việc ấy đã để lại hệ lụy nhãn tiền khi chính con em họ phải băng rừng, vượt suối từ 3 giờ sáng để đến trường...
Bình luận 0

Cha mẹ làm khổ con cái

Hai năm nay, ngày nào chị Lù Thị Tu ở bản Mông, xã Ea Kiết cũng dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị cho con gái đến trường. Đúng 3 giờ, con gái chị là Lù Thị Dung học lớp 4D (Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi) vai mang cặp, đầu đeo đèn pin, đạp xe lao vào bóng đêm đen ngòm, lạnh ngắt giữa bốn bề rừng núi để đến trường. Ra đến đầu bản, Dung bắt đầu có bạn đồng hành. Ở đó, nhóm bạn của Dung chọn làm điểm hẹn để cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi trên suốt quãng đường gập ghềnh dài hun hút giữa rừng sâu.

img

Những hôm trời mưa, học sinh bản Mông phải chấp nhận hiểm nguy vượt qua suối dữ trong đêm để đến trường.  Ảnh:  DUY HẬU

Không chỉ Dung và nhóm bạn của mình mà ở bản Mông có đến hơn 100 học sinh đều chung hoàn cảnh đó. Trong bản có điểm trường nhưng chỉ dạy đến lớp 2, vậy nên muốn tiếp tục học lên lớp 3 thì các em phải chấp nhận băng rừng lội suối ra bản Mông ngoài, cách hơn 10km; và muốn học từ lớp 4 trở lên thì phải ra trung tâm xã (cách bản Mông trong gần 20km). Bố mẹ bận việc nương rẫy nên hầu hết những đứa trẻ này phải tự mình vượt qua quãng đường đó để kiếm cái chữ.

Em Mai Văn Nghiêm (lớp 5E, Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi) kể: “Vào những hôm trời mưa to, nước chảy xiết, chúng em phải nắm tay nhau để qua suối. Do đã quen với con suối nên nhiều hôm bị nước cuốn trôi nhưng tất cả đều thoát nạn được. Những lần như thế, quần áo, sách vở bị ướt sạch, chúng em đành phải quay về”.

Nhận di dời nhưng vẫn… ở trong rừng

" Chính người dân đã làm khổ con em mình. Họ thậm chí không hợp tác khi chính quyền vào đo đạc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình mình”. 
Ông Trương Văn Chỉ

Bản Mông nằm lọt thỏm giữa lâm phần của Lâm trường Buôn Ja Wầm, ban đầu là một vài hộ dân di cư tự do “nhảy dù” vào dựng chòi phá rừng làm rẫy. Chính việc xử lý không nghiêm của chính quyền ngay từ đầu, đã khiến tình trạng đó vượt tầm kiểm soát. Nếu năm 2008, nơi đây chỉ có khoảng 80 hộ sinh sống thì sau 4 năm, con số ấy đã tăng lên gấp đôi.

Năm 2008, địa phương đã bố trí 15ha đất để di dời, ổn định 80 hộ dân này ra ngoài. Thế nhưng phần vì dự án triển khai chậm, phần vì số dân “nhảy dù” vào bản Mông tăng đột biến, nên khi dự án triển khai thì cũng bắt đầu lộ bất cập, dân không chịu ra khỏi rừng. Địa phương và lâm trường vận động, dân quyết không đi. Dự án khu tái định cư dù đã hoàn thành nhưng gần như bị bỏ hoang, dân nhận đất, nhận nhà nhưng vẫn ở trong rừng.

Chính quyền “nhượng bộ” đến mức đồng ý giữ nguyên diện tích đất bị xâm chiếm giữ rừng cho dân canh tác nhưng vẫn không “kéo” được dân ra khu tái định cư. Theo ông Trương Văn Chỉ - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, việc vận động dân ra khỏi rừng đã bị một số đối tượng xấu cản trở. Nghe theo những đối tượng này, người dân lo sợ sẽ bị thu hồi lại diện tích đang canh tác nên không chịu đi... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem