Hà Nội: Nguy hiểm rình rập từ đường dân sinh tự phát cắt ngang đường sắt

Bảo Ngọc Thứ hai, ngày 03/07/2023 16:36 PM (GMT+7)
Các lối đi, đường dân sinh tự phát cắt ngang đường sắt ở Thủ đô đang gây tiềm ẩn nguy cơ mất toàn giao thông...
Bình luận 0

Theo thống kê của ngành đường sắt, tai nạn giao thông liên quan đến các lối đi tự mở chiếm khá lớn, trong khi đó, mạng lưới đường sắt Quốc gia hiện vẫn còn hơn 3.600 lối đi tự mở.

Nguy hiểm rình rập trên lối mở đường tàu tự phát

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại tuyến đường Giải Phóng, Lê Duẩn, Quốc lộ 1A (Hà Nội) có nhiều đường dân sinh tự phát, cắt ngang đường sắt, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hà Nội: Nguy hiểm rình rập từ đường dân sinh tự phát cắt ngang đường sắt - Ảnh 1.

Đường sắt chạy qua đường Giải Phóng, Hà Nội.

Bà Hoàng Ngọc Mai ( huyện Thường Tín) hay, đối với các tuyến đường ngang có cán bộ trực chốt trên đường Quốc lộ 1A thì không có nhiều lo ngại. Tuy nhiên, với các tuyến đường ngang tự phát thì tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất lớn.

"Đối với những tuyến đường tự phát, người dân mỗi lần đi qua đều nơm nớp lo sợ. Bởi họ không biết khi nào tàu chạy qua tuyến đường này. Thêm nữa, tại khu vực này không có barie, đèn cảnh báo nên người dân lưu thông qua không yên tâm", bà Mai bộc bạch.

Hà Nội: Nguy hiểm rình rập từ đường dân sinh tự phát cắt ngang đường sắt - Ảnh 2.

Đường dân sinh tự phát cắt ngang đường sắt tại phố Lê Duẩn.

Anh Phạm Minh Quang (38 tuổi, Lê Duẩn, Đống Đa) cho hay, cơ quan chức năng từng ghi nhận một số người dân tự ý phá bỏ hệ thống rào chắn, đắp đá lên đường ray nhằm tự tạo lối đi băng cắt qua đường tàu, ra đường Giải Phóng.

"Những lối đi tự phát này không có sự giám sát của chính quyền địa phương nên rất khó kiểm soát, nhất là thời điểm lúc tàu đi qua. Ngoài ra, tại những lối mở tự phát trên đường Giải Phóng, nhiều lần chính quyền địa phương đã nhắc nhở, yêu cầu người dân trả lại nguyên hiện trạng ban đầu nhưng nhiều người cố tình không chấp hành", anh Quang thông tin.

Theo anh Quang, ngoài ra, trên các lối mở dân sinh tự phát, nhiều người dân còn tụ tập buôn bán, đổ rác thải bừa bãi; không chấp hành hiệu lệnh của người trực gác chắn, đèn tín hiệu cảnh báo nguy hiểm khi có tàu chạy qua… 

Hà Nội: Nguy hiểm rình rập từ đường dân sinh tự phát cắt ngang đường sắt - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng đã gắn biển cảnh báo tại một số lối đi tự mở trên đường Lê Duẩn.

"Thậm chí, tại những lối mở cắt ngang qua đường tàu có cán bộ trực chốt, nhiều người vẫn liều mình điều khiển ô tô lao qua barie. Và hậu quả, là rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc đã xảy ra tại điểm dao cắt này", anh Quang nói.

Xóa bỏ nhiều lối mở tự phát

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, trong năm 2021, đơn vị này đã ban hành nhiều văn bản gửi Ban An toàn giao thông (ATGT) các tỉnh/thành phố để đôn đốc, hướng dẫn tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và thực hiện kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở theo quy định của pháp luật.

Tính đến tháng 12/2021, đơn vị đã rào đóng, xóa bỏ 53 lối đi tự mở nguy hiểm; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại 195/759 lối đi tự mở công cộng. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT địa phương đã sửa chữa, bổ sung lắp đặt 110 biển báo các loại; xây dựng gồ, gờ giảm tốc tại 42 vị trí giao cắt.

Hà Nội: Nguy hiểm rình rập từ đường dân sinh tự phát cắt ngang đường sắt - Ảnh 4.

Việc người dân lưu thông qua các lối đi tự mở không có đèn cảnh báo, cán bộ trực chốt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Riêng 5 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra gần 70 vụ tai nạn liên quan đến đường sắt, trong đó hơn 30 vụ xảy ra ở lối đi tự mở. Số vụ tai nạn còn lại xảy ra dọc đường sắt và tại đường ngang có cảnh báo tự động.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, thực tế, đường sắt ít xảy ra tai nạn giao thông nhưng mỗi khi tai nạn xảy ra đều để lại hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, công tác phối hợp giữa Sở GTVT và các quận, huyện nhằm quản lý, đảm bảo an toàn giao thông dọc theo các tuyến đường sắt, xóa bỏ các lối mở, điểm giao cắt mất an toàn hiện nay là vấn đề cấp thiết. 

Nguyên nhân của các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua chủ yếu là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát và chuyển hướng sai quy định.

Vì vậy, đối với cơ quan quản lý chuyên ngành đường sắt, cần tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê từ Cục Đường sắt Việt Nam, từ ngày 20/1/2022 đến ngày 26/1/2023), tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra 8 vụ (tăng 5 vụ so cùng kỳ 2022), làm chết 5 người (tăng 3 người), làm bị thương 4 người, tăng 2 người.

Trong số này, có 4 vụ xảy ra tại lối đi tự mở, 1 vụ tại đường ngang và 3 vụ do vi phạm khổ giới hạn đầu máy - toa xe.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem