Hành khách sẽ không chịu cảnh chậm trễ nhiều tại sân bay nhờ quy trình mới

Gia Linh Thứ ba, ngày 13/06/2023 16:49 PM (GMT+7)
Hành khách khi bay qua các cảng hàng không có hệ thống A-CDM sẽ được trải nghiệm những chuyến bay có tỷ lệ đúng giờ cao, giảm cảnh chờ đợi chuyến bay.
Bình luận 0

Thử nghiệm A-CDM tại 2 sân bay lớn nhất nước

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đơn vị vừa có báo cáo kết quả thử nghiệm thực tế áp dụng mô hình A-CDM (Airport Collaborative Decision Making) giai đoạn 1 tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.

ACV cho biết đã tiến hành thử nghiệm mô hình A-CDM tại sân bay Nội Bài trong thời gian từ 26/3 - 30/4 với 3.228 chuyến bay (1.538 chuyến bay đến và 1.680 chuyến bay đi), tổng số giờ thử nghiệm là 116 giờ.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, mô hình được thí điểm từ 27/3-27/4 với 5.039 chuyến bay (2.549 chuyến bay đến và 2.490 chuyến bay đi), tổng số giờ thử nghiệm là 155 giờ.

Hành khách sẽ không chịu cảnh delay nhiều tại sân bay nhờ hệ thống A-CDM - Ảnh 1.

Mô hình A-CDM bước đầu phát huy hiệu quả khi được thử nghiệm. Ảnh: Gia Linh

Sau thời gian thử nghiệm, ACV đánh giá kết quả của các chỉ số đạt được tại 2 sân bay trên là khá khả quan và có xu hướng được cải thiện qua mỗi tuần thử nghiệm.

Trong đó, chỉ số lăn ra và vào của tàu bay trong khung giờ thử nghiệm tại sân bay Nội Bài là 7 phút là thời gian lăn vào (giảm 1 phút so với trung bình năm 2022) và 13 phút là thời gian lăn ra (giảm 3 phút so với trung bình năm 2022).

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, không áp dụng theo dõi đánh giá đối với các chỉ số lăn vào bãi của tàu bay, chỉ số tuân thủ thời gian lăn ra dự kiến đạt trung bình là 73,4%. Ngoài ra, một số chỉ tiêu khác cũng được ghi nhận khá khả quan. 

Ông Nguyễn Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc ACV cho rằng quá trình triển khai thử nghiệm vẫn còn hạn chế. Theo đó, một số quy trình A-CDM tại cảng vẫn còn phải thực hiện thủ công do hạn chế về mặt hệ thống của các đơn vị liên quan, dẫn đến sai sót trong dữ liệu đầu vào do yếu tố con người. Ngoài ra, một số quy trình không thực hiện được do vướng mắc về quy định hiện hành và các quy định nội bộ của các đơn vị.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, do không có hệ thống quản lý tàu bay đến/tàu bay khởi hành (AMAN/DMAN hoặc PDS) nên việc thực hiện sắp xếp thứ tự khởi hành còn thiếu chính xác, mang tính thủ công. Trong khi đó, tại sân bay Nội Bài, do đặc tính của AMAN/DMAN là hệ thống đóng nên việc truyền dữ liệu có thể phát sinh một số hạn chế ảnh hưởng đến quá trình tính toán...

Hạn chế ùn tắc tại sân bay nhờ tăng chỉ số đúng giờ

Trước đó, tháng 3/2023, Cục Hàng không Việt Nam đã chấp thuận kế hoạch thử nghiệm mô hình A-CDM cho giai đoạn 1 và thử nghiệm thực tế tại sân bay lớn nhất nước.

Hành khách sẽ không chịu cảnh delay nhiều tại sân bay nhờ hệ thống A-CDM - Ảnh 3.

Các sân bay có hệ thống A-CDM sẽ được trải nghiệm những chuyến bay có tỷ lệ đúng giờ cao. Ảnh: Gia Linh

Nguyên nhân Cục Hàng không Việt Nam lựa chọn thử nghiệm tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là do sản lượng vận chuyển 2 sân bay này lớn nhất cả nước nhưng các quy trình hiện tại chưa tối ưu hiệu quả khai thác. Từ đó dẫn đến việc nhiều máy bay phải xếp hàng chờ đến lượt cất cánh; các hãng hàng không và các đơn vị chưa có phương án tối ưu để chia sẻ thông tin về quá trình máy bay quay đầu cũng như trạng thái hoãn chuyến theo thời gian thực...

Các chuyên gia đánh giá, với hành khách, khi bay qua các cảng hàng không có hệ thống A-CDM sẽ được trải nghiệm những chuyến bay có tỷ lệ đúng giờ cao, giảm cảnh chờ đợi chuyến bay vì delay. Ngoài ra, hành khách sẽ có những trải nghiệm tốt khi được hạn chế những tình huống bay vòng để chờ hạ cánh, giảm thiểu các tình huống máy bay dừng chờ lâu trên đường băng, công tác phục vụ hành lý, hàng hóa...

Theo đó, trường hợp sân bay đến mật độ bay quá dày hay thời tiết dự báo không thuận lợi, sân bay có hệ thống A-CDM sẽ điều chỉnh lại giờ cất cánh cho phù hợp. Hành khách chỉ phải chờ tại nhà ga, khởi hành theo thời gian mới, máy bay không phải bay vòng chờ tại nơi đến.

Hành khách sẽ không chịu cảnh delay nhiều tại sân bay nhờ hệ thống A-CDM - Ảnh 4.

Hành khách giảm được việc chờ đợi vì chuyến bay delay khi có hệ thống mới. Ảnh: Gia Linh

Lãnh đạo ACV cho biết, trên cơ sở kết quả thí điểm của giai đoạn 1, đơn vị đề xuất Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chia sẻ và phối hợp với ACV lộ trình đầu tư trang thiết bị và nâng cấp đồng bộ hệ thống quản lý không lưu (ATM).

Bên cạnh đó, ACV kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam cho phép hai tổ tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục điều chỉnh, khắc phục các khuyến cáo mà tổ tư vấn đã nêu ra trong quá trình thử nghiệm.

Đồng thời, AVC lập kế hoạch thử nghiệm thời gian tới như sau: Sân bay Nội Bài cho phép tiếp tục thử nghiệm với khung thời gian dài hơn, cụ thể từ 8 giờ - 16 giờ hằng ngày. Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ACV kiến nghị tạm dừng thử nghiệm cho đến khi các hệ thống trao đổi dữ liệu một các tự động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem