Vùng vú sữa lò rèn "hấp hối", tỉnh Tiền Giang kiến nghị "giải cứu"

Trần Đáng Thứ ba, ngày 26/12/2017 18:37 PM (GMT+7)
Chính quyền tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực “giải cứu” vú sữa lò rèn – một giống cây đặc hữu của Nam Bộ đang đứng trên bờ vực tàn lụi.
Bình luận 0

Thời oanh liệt nay còn đâu…

Chúng tôi về xã Vĩnh Kim (Châu Thành) - “đất thiêng” của vú sữa lò rèn vào những ngày nông dân chuẩn bị cho vụ tết. Trước khi đi, ông bạn già – từng là phóng viên trước năm 1975, thổ lộ đại loại báo chí Sài Gòn thời đó ca ngợi không tiếc lời loại vú sữa này, nhất là khi gần tết, xe cộ nườm nượp từ Sài Gòn về Vĩnh Kim mua vú sữa, khiến cả vùng sôi động. Chợ Giữa Vĩnh Kim nhộn nhịp suốt ngày đêm. “Nông dân chỉ trồng vú sữa lò rèn nhưng cuộc sống rất khá, bằng chứng là thị trấn bé nhỏ Vĩnh Kim bấy giờ sung túc lắm” - ông bạn già hồi ức.

img

img

Trưởng ấp Vĩnh Phú Lê Thanh Hoàng bên cây vú sữa lò rèn đang cho trái còn sót lại.  Ảnh: T.Đ

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, khôi phục và phát triển vườn vú sữa lò rèn Vĩnh Kim theo hướng định hình vùng chuyên canh, ngăn chặn tình trạng suy thoái vườn cây và bệnh thối rễ, chết cành là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với huyện Châu Thành và các xã ven sông Tiền nằm trong phạm vi phân bố của cây trồng đặc hữu này.

Bây giờ “thị trấn bé nhỏ” Vĩnh Kim vẫn sung túc, bảng hiệu treo khắp nơi. Nhưng chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim giờ vắng bóng trái vú sữa lò rèn. Chị chủ sạp trái cây trong chợ nghe tôi hỏi về tình hình mua bán vú sữa lò rèn, cười não nề: “Bà con chặt bỏ cây gần hết rồi, nên giờ vú sữa lò rèn ít lắm”.

Nghe chị nói, tôi ghé nhà trưởng ấp Vĩnh Phú - Lê Thanh Hoàng để xem vườn vú sữa lò rèn còn hay mất. Trước sân nhà, vợ anh Hoàng đang rửa mấy sọt sapô mới hái định đưa ra chợ bán. Vườn cây vú sữa lò rèn trước đây giờ trở thành vườn tạp với sapô, bưởi da xanh, nhãn…  Chưa kịp để tôi hỏi lý do vườn vú sữa lò rèn biến mất, anh nói luôn: “Cây bị bệnh, suy kiệt, tui chặt hết rồi, chỉ chừa lại 2 cây trước nhà kìa”.

Trước đây, vườn vú sữa lò rèn hơn chục cây này, mỗi năm bán trái anh Hoàng thu khoảng 20 triệu đồng. Vừa rồi bán trái chỉ được 3 triệu đồng, tính công hái, phân, thuốc… lỗ nặng, nản quá nên anh chặt bỏ để trồng cây khác.

Nhìn hai cây vú sữa lò rèn trồng 4 năm còn chừa lại gầy tong teo, một số cành đã khô khốc, tôi đùa: “Sao không đốn luôn?”. “Tui tiếc!” - anh cười rồi lấy xe máy chở tôi đi thăm “thực trạng” cây vú sữa lò rèn đang bị “bà con ruồng bỏ”.

Ngang qua vườn vú sữa lò rèn của anh Nguyễn Tấn Quy, anh Hoàng cho xe dừng lại. Vườn vú sữa rộng hơn 1ha, với hàng chục gốc sữa có tuổi chục năm giờ đã xuống lá, cành khô khốc, trơ trụi.

Theo anh Hoàng, trước khi thấy vườn vú sữa mắc bệnh thối rễ, khô cành, anh Quy đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng vô vọng, cây vẫn cứ thế chết dần. Nản lòng, anh Quy chuyển sang làm công nhân và hoàn toàn bỏ bê vườn vú sữa.

 Nhìn những hàng cây vú sữa đang “chết đứng”, tôi chợt nghĩ, giờ mà ông thợ lò rèn Hồ Văn Lễ - người có công nhân giống vú sữa lò rèn khi xưa, sống dậy nhìn thế hệ hậu sinh bỏ bê, ruồng rẫy vườn vú sữa đặc sản chắc đau lòng lắm.

Anh Hoàng cho biết, Vĩnh Phú là ấp có diện tích trồng vú sữa lò rèn lớn nhất xã. Thời hoàng kim, diện tích trồng vú sữa lò rèn ở đây gần 100ha. “Bây giờ ấp còn khoảng chục hécta trồng vú sữa lò rèn là may rồi. Bà con thấy cây bệnh chặt bỏ hết” - anh nói. 

img

  Một cây vú sữa lò rèn đang cho trái bị thối rễ đổ nhào. Ảnh: T.Đ

Bà con nông dân xã Vĩnh Kim truyền miệng, đầu thế kỷ 20, người có cây vú sữa đầu tiên ở huyện Châu Thành là ông huyện Trụ (tức ông Ngô Ngọc Quang) ở xã Long Hưng. Trong một lần được tặng trái vú sữa, ăn thấy ngon, ông đã giữ lại hạt và đưa cho một người làm nghề rèn ương giống. Sau khi nhân giống, bác thợ rèn đã “lén” mang hai cây biếu sui gia là ông Nguyễn Văn Thu, ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim - một nhà nho chuyên bốc thuốc trị bệnh. Từ cây vú sữa giống, ông Thu nhân giống cho nhiều người dân trong xóm trồng. Dường như trời định, khi bén rễ vùng đất Vĩnh Kim màu mỡ, cây vú sữa lò rèn có màu sắc, hương vị thơm ngon hơn. Để tri ân người nhân giống cây vú sữa, người dân xã Vĩnh Kim đã đặt tên là vú sữa lò rèn.

 Một số nông dân trồng vú sữa lò rèn ở xã Vĩnh Kim cho biết, tình trạng hàng loạt cây vú sữa mắc bệnh thối rễ, khô cành như hiện nay cũng một phần do trước đây xã làm mô hình… sai.

Theo đó, 7 năm về trước xã đã làm mô hình phát triển cây vú sữa lò rèn. Lúc bấy giờ, một số trẻ nhỏ thu hạt vú sữa lò rèn từ các trái dạt bỏ. Sau đó, nhà vườn ở Bến Tre sang thu mua hạt này về ương giống. Số giống này đã được mua lại và phát miễn phí cho nông dân ở xã Vĩnh Kim trồng với mỗi công đất được 13 cây. “Nhiều cây giống được ương từ hạt bị nhiễm bệnh nên trồng vài 3 năm thì chết, không những vậy đất cũng nhiễm bệnh luôn” - một lão nông chia sẻ.

Nước tới chân…

Khi nghe chúng tôi nhắc đến việc cây vú sữa lò rèn đang “hấp hối”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Trần Thanh Hải nói đầy sốt ruột: “Đáng lý chúng tôi phải làm xong công tác tư tưởng cho nông dân tham gia dự án khôi phục và phát triển cây vú sữa lò rèn cuối tháng 12 này, nhưng…”.

Theo ông Hải, diện tích vú sữa lò rèn ở xã Vĩnh Kim “đang giảm dữ lắm”. Năm 2000, diện tích trồng vú sữa lò rèn trên địa bàn xã là 360ha, thì hiện nay chỉ còn khoảng 50ha. “Bệnh thối rễ và khô cành đang giết dần vườn cây đặc sản vú sữa lò rèn. Bà con đã dùng mọi cách, như xẻ kênh tiêu thoát nước, dùng phân vi sinh, hữu cơ, các loại thuốc… nhưng vẫn vô phương. Nhất là từ năm 2015 khi vườn vú sữa bị xâm nhập mặn, cây chết rất nhanh. Có trồng mới thì 2-3 năm sau cây cũng chết” - ông Hải cho biết.

Nguyên nhân, theo ông Hải, là đất trồng vú sữa lâu năm bà con không cải tạo. Nguồn nước tù túng, nông dân lại không cẩn thận xử lý trái sâu, cứ vứt xuống kênh rồi lấy nước từ đó lên tưới cây… nên dẫn đến đất nhiễm nấm ngày càng nặng.

Đầu năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Hưởng cùng các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường ĐH Cần Thơ, các sở, ngành liên quan đi khảo sát trực tiếp cây vú sữa lò rèn tại xã Vĩnh Kim. Tại đây, ông Hưởng đề nghị các nhà khoa học, sở, ngành xây dựng dự án khôi phục và phát triển vú sữa lò rèn.

Theo ông Hải, dự án này sẽ xây dựng mô hình 27ha tại tổ 17, 18 (ấp Vĩnh Phú) với  khoảng 50 hộ tham gia. Dự án sẽ thực hiện xẻ kênh, nạo vét mương, rạch, xây dựng đường giao thông để vận chuyển nông sản, cung cấp phân bón sinh học, cây giống… cho nông dân. Tuy nhiên, nếu tham gia dự án, nông dân phải đốn bỏ những cây đang trồng xen với vú sữa lò rèn.

“Bà con rất tha thiết khôi phục lại vùng trồng vú sữa lò rèn. Cái khó là sau vài lần trồng lại nhưng không thành công và phải chặt bỏ những cây trồng khác đang thu hoạch nên nông dân ái ngại, chưa mặn mà tham gia dự án” - ông Hải thổ lộ.

Anh Nguyễn Văn Hải - nông dân đang trồng 40 gốc vú sữa nâu trong vùng dự án cho biết, rất muốn tham gia dự án, nhưng nếu đốn hết 40 gốc vú sữa nâu đang cho trái thì cần phải xem lại. “Trồng lại vú sữa lò rèn thì 3 - 4 năm sau mới cho trái. Nhưng giờ đốn bỏ vườn vú sữa nâu thì lấy gì nuôi sống gia đình tôi?” - anh Hải nêu vấn đề.

 Theo thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu - Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện đã xác định được một số yếu tố làm cây vú sữa lò rèn suy kiệt, như thối rễ do nhiều tác nhân gây hại, vườn già cỗi, xử lý ra hoa sớm liên tục làm cây mất sức và nhiễm bệnh không phục hồi được; quy trình chăm sóc của nông dân chưa phù hợp…

Từ kết quả này, thạc sĩ Hiếu đề xuất cần có giải pháp căn cơ ngắn hạn và dài hạn; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm hỗ trợ nhà vườn quản lý đối tượng dịch hại đồng thời với khôi phục, trẻ hóa vườn vú sữa một cách hiệu quả. “Viện đã phối hợp cùng Hội Làm vườn Tiền Giang, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang thực hiện đề tài nghiên cứu biện pháp quản lý bệnh thối rễ, chết cành và hiện tượng rễ tre trên vú sữa lò rèn Vĩnh Kim” - ông Hiếu cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem