Khác biệt hay nô lệ của đồng tiền?

Lê Hân Thứ sáu, ngày 05/02/2016 06:30 AM (GMT+7)
Nếu chỉ phạt nhân viên, thậm chí là sa thải vì những lỗi như có mụn ở mặt, chụp ảnh không đứng cạnh tủ lạnh, nấu xôi gấc không có gấc… thì mãi chỉ là một gã “trọc phú".
Bình luận 0

      Dư luận mấy ngày gần đây đang râm ran chuyện Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu (BTMC) sa thải 100 nhân viên trước Tết Nguyên đán vì những lý do được cho là rất vớ vẩn, nào là do nhân viên có… mụn ở mặt, rồi chụp ảnh không đứng cạnh tủ lạnh, mua hai con cá chuối, bị chết một con… Tất cả các lỗi trên đều được công ty này cho “điều tra” một cách cẩn thận.

      Sự việc này gợi lên điều gì? Công bằng mà nói, trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý nói riêng, thương mại nói chung, Bảo Tín Minh Châu từ lâu đã tạo dựng được cho mình một thương hiệu rất riêng. Và để tạo dựng lên thương hiệu riêng đó, nhất định cần phải có sự khác biệt. Bởi không có một thương hiệu nổi tiếng nào trong nước và trên thế giới lại không đến từ sự khác biệt.

    Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây nên được hiểu là “khác biệt chấp nhận được” và khác biệt nhưng vẫn đảm bảo theo các quy định của pháp luật, từ luật lao động cho đến luật thương mại, luật cạnh tranh… Chứ không phải là sự khác biệt mang tính… dị biệt.

    Tại buổi làm việc với Dân Việt, khi trả lời câu hỏi, vì sao công ty lại có những quy định có thể nói là rất nhỏ nhặt như bắt nhân viên ăn cơm sinh thái, phải ăn cá rô phi do công ty mua hay rượu thì phải uống rượu Kim Sơn… mà nếu không đáp ứng được, nhân viên đó có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào; đại diện của Phòng Truyền thông BTMC cho rằng, công ty này có đến những 600 nhân viên, nên mới có những bộ phận chuyên lo các việc như thế, nếu không công ty chỉ cần 200 người là đủ.

    Đồng ý với việc, bất kỳ một doanh nghiệp, công ty nào có điều kiện, thì có thể tuyển nhân viên theo đòi hỏi yêu cầu của mình. Như ở BTMC, theo công văn mà công ty này gửi cho Dân Việt và báo chí có thừa nhận, công ty có một bộ phận chuyên duy trì rà soát, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động của công ty nhằm giúp nhắc kịp thời, nghiêm minh thưởng, phạt cán bộ nhân viên công ty. Bộ phận này gồm các cán bộ nhân viên có bằng cấp về luật, có kinh nghiệm, chuyên môn làm việc. Vì thế khi cán bộ nhân viên nào, hay phòng/ban nào trong Công ty vướng mắc vấn đề gì, hoặc trì trệ công việc, hoặc mắc lỗi thì bộ phận này sẽ tìm hiểu xem đúng hay sai, để không ai bị xử lý kỷ luật oan. Việc tìm hiểu này hay được gọi chung là “điều tra”.

      Hay BTMC cũng có một Ban Đời sống chuyên lo đời sống, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên trong công ty.

      Không ai cấm BTMC và cũng không có quyền cấm công ty duy trì các bộ phận trên, vì chính họ là người trả tiền đề thuê lao động làm việc đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, không phải cứ có tiền, thì muốn thuê người làm gì cũng được, thuê theo kiểu cho… vui hoặc chỉ để thỏa mãn một sở thích “dị biệt” nào đó của ông chủ.

img

Những danh mục "điều tra" của công ty Bảo Tín Minh Châu trong tháng 12.

    Trở lại câu chuyện về việc BTMC đặt ra hàng loạt quy định được cho là “trái khoáy” với nhân viên của mình, đại diện công ty này có cho rằng, trước khi ký hợp đồng với công ty, người được tuyển dụng đều ký thỏa ước nhằm đáp ứng những nội quy do công ty đề ra. Nội quy thì công ty nào cũng có, nhưng nội quy đó có phù hợp với chuẩn mực đạo đức, phù hợp với các quy định chung của pháp luật không lại là việc khác.

      Doanh nghiệp không thể dựa vào việc mình có tiền, thậm chí thừa tiền để thuê nhân viên về… hành hạ cho vui. Nếu công ty nào cũng hành xử như BTMC, thì xã hội sẽ ra sao khi chúng ta có rất nhiều ông chủ có rất, rất nhiều tiền sẵn sàng thuê người về làm những việc “quái đản” theo sở thích của mình. Nếu cứ dựa vào đồng tiền, bỏ tiền ra thuê người bắt phải ăn món này, uống món kia theo ý thích của ông chủ, thì cũng có rất, rất nhiều ông chủ có thể làm được và khi đó xã hội sẽ ra sao. Liệu người lao động lúc đó có bị biến thành “nô lệ” cho ông chủ.

     Bất cứ người lao động nào cũng muốn có được việc làm, xin được việc làm, nhưng nếu chỉ dựa vào đồng tiền để thuê mướn, sai khiến bất kỳ ai làm bất kỳ việc gì, mọi người có thể lại rơi vào cái bẫy “nô lệ” của đồng tiền, mà đồng tiền đó là do ông chủ trả, nên suy cho cùng đó là làm “nô lệ” cho ông chủ.

      BTMC hay bất kỳ doanh nghiệp, công ty nào cũng vậy, khi đã kinh doanh tại Việt Nam, trước hết phải tuân thủ các quy định về pháp luật nói chung, kế đến là có những ứng xử thấu tình đạt lý theo phương châm đạo đức của người Việt với những nhân viên mà mình tuyển dụng.

      Và chỉ như thế, thương hiệu của mình mới bền vững, phát triển được. Còn nếu chỉ phạt nhân viên, thậm chí là sa thải vì những lỗi được cho là “tầm thường” như có mụn ở mặt, chụp ảnh không đứng cạnh tủ lạnh, nấu xôi gấc không có gấc… thì mãi chỉ là một gã “trọc phú”, sống dựa vào đồng tiền, làm việc trên nguyên tắc cậy có đồng tiền. Rồi sớm muộn gì, họ cũng bị xã hội lên án, tẩy chay.

          

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem