Làm thương hiệu chung để cứu ngành cá tra

Thuận Hải Thứ tư, ngày 03/08/2016 19:30 PM (GMT+7)
Dù xuất khẩu được sang gần 130 thị trường trên thế giới nhưng cá tra Việt Nam chỉ được xem như sản phẩm dành cho người nghèo, có giá trị thấp. Xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam đang là vấn đề đặt ra bức thiết.
Bình luận 0

Hệ quả từ cạnh tranh không lành mạnh

Tại hội nghị về cá tra tổ chức hôm qua 2.8, bà Nguyễn Thị Hồng Minh –Chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho biết: Sản phẩm thủy hải sản Việt Nam đã xuất khẩu sang gần 130 thị trường, thu về 6 – 7 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, điều ngược lại là uy tín, chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam ngày càng đi xuống trên thị trường thế giới.

img

Chất lượng và uy tín cá tra Việt Nam đang bị đánh giá thấp trên thị trường thế giới.  Ảnh:  I.T

Theo bà Minh, tại các thị trường lớn hiện nay như Mỹ, Nhật, châu Âu… cá tra Việt Nam là sản phẩm dành cho phân khúc thị trường người lao động có thu nhập thấp, công nhân, người nghèo, người nhập cư… Điều này đã khiến cái nhìn của người tiêu dùng trên thị trường thế giới về cá tra không được tốt.

Bà Minh cho biết, có thời điểm filê cá tra Việt Nam có giá bán đến 3 USD/kg, là mức giá rất tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Thế nhưng, hiện nay, giá cá tra Việt Nam đã giảm rất thấp, có thời điểm chỉ hơn 1 USD/kg. Mà giá thấp thì người tiêu dùng sẽ nghi ngờ về chất lượng, giá trị của sản phẩm.

“Dòng sản phẩm chính phải là filê, vì filê chiếm tới 80% sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Tôi cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ phát triển dòng sản phẩm này, phải có logo, có thương hiệu đàng hoàng”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh 

Nguyên nhân của sự tụt giảm này, theo bà Minh, là việc cạnh tranh giảm giá không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, với mục tiêu “bán hàng bằng mọi giá”, dẫn tới việc giá xuất khẩu giảm liên tục. “Doanh nghiệp nhiều khi ngồi với nhau thì rất hòa thuận, nhưng sau đó trong mỗi đơn hàng đều cố gắng tìm cách “lại quả”, giảm giá để giành hợp đồng… Điều này khiến sự cạnh tranh trong ngành không lành mạnh” - bà Minh nói.

Ông Trần Thiện Hải -  Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Hải (Cà Mau) cũng thừa nhận, hiện còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp trong ngành cạnh tranh lẫn nhau bằng giá rẻ, hoặc bán chịu, bán nợ cho khách hàng để rồi dù bán được hàng nhưng lại không có lãi, rủi ro thu hồi vốn thấp… Đó là chưa kể, doanh nghiệp nước ngoài biết được điểm yếu của nhà xuất khẩu nên tìm cách hạ giá, kỳ kèo chèn ép khiến giá trị cá tra ngày càng đi xuống.

Là một doanh nghiệp “có tiếng” trong ngành thủy sản, nhưng Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh SHATICO trong nửa đầu năm 2016 gần như phải đóng cửa nhà máy chế biến. Đại diện SHATICO - ông Trần Đình Nam, cho biết, 6 tháng qua, doanh số của công ty chỉ đạt mức 40% so với cùng kỳ năm trước, nhà máy chế biến phải đóng cửa vì không tìm được hợp đồng mới. “Bạn hàng lo ngại nguồn nguyên liệu trong nước, chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu từ Indonesia về chế biến, duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, nhập khẩu thì lại vướng lệ phí cảng biển và các chi phí khác khiến giá thành cao, không cạnh tranh được”, ông Nam cho biết.

Xây dựng một dòng sản phẩm chính

Theo Bộ NNPTNT, diện tích cá tra 7 tháng đầu năm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 4.237ha, giảm 2% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 657.169 tấn, tăng 8% với cùng kỳ. Đặc biệt, sản xuất cá tra vẫn chưa thoát khỏi các khó khăn như: Thời tiết bất lợi, giá cả đầu vào và đầu ra không ổn định, chất lượng con giống không đảm bảo, thị trường xuất khẩu giảm. Do nhiều ao đến kỳ thu hoạch, giá cá tra nguyên liệu thời điểm giữa tháng 7 dao động trong khoảng từ 17.500 – 19.500 đồng/kg, giảm từ 1.500 – 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2015.

Sự sụt giảm cả về sản xuất cá tra nguyên liệu và cá tra xuất khẩu đang tạo nên bức tranh tối của mặt hàng nông sản này. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển ngành cá tra và thay đổi cách nhìn của thế giới về cá tra Việt Nam. Mà muốn vậy, chính các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước phải thay đổi.

Bà Minh đề xuất xây dựng một dòng sản phẩm chính file cá tra Việt Nam, dựa trên nền tảng một hệ tiêu chuẩn đồng nhất. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ cùng tham gia xây dựng dòng sản phẩm này, cùng nhau tiếp thị, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...

Vì theo bà Minh, các sản phẩm nông nghiệp muốn “nổi tiếng” phải có thương hiệu chung, gắn với nguồn gốc xuất xứ. Ví dụ như người tiêu dùng thế giới đều biết đến cá hồi Na Uy, cherry New Zealand hay táo Mỹ… Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế rõ rệt về nguồn cung cá tra, thế nhưng cá tra Việt Nam hiện không có một tiêu chuẩn chất lượng chung nào, mỗi doanh nghiệp làm mỗi kiểu khác nhau. “Dòng sản phẩm chính phải là filê, vì filê chiếm tới 80% sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Tôi cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ phát triển dòng sản phẩm này, phải có logo, có thương hiệu đàng hoàng” - bà Minh đề xuất.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, ngành thủy hải sản Việt Nam vẫn chưa thật sự khởi sắc, tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình ngập mặn và nắng nóng kéo dài… Riêng đối với cá tra, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 790 triệu USD, tăng 5,4 triệu USD. Về thị trường, với 187 triệu USD, Mỹ vẫn là thị trường dẫn đầu của cá tra Việt Nam...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem