Một huyện của tỉnh Yên Bái tìm cách bảo tồn nguồn gen loài cây mang lại nguồn thu 1.000 tỷ đồng/năm

Hoàng Hữu Thứ sáu, ngày 16/02/2024 11:05 AM (GMT+7)
Huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đang phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu giải pháp để bảo tồn, gìn giữ nguồn gen giống cây quế bản địa.
Bình luận 0

Nguy cơ suy giảm nguồn gen giống cây quế bản địa

Quế là cây trồng chủ lực, mỗi năm mang lại nguồn thu gần 1.000 tỷ đồng cho nông dân Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Hiện, cây quế được trồng ở tất cả 25 xã, thị trấn của huyện này với tổng diện tích hơn 55.000ha, trong đó diện tích quế tập trung trên 30.000ha. Các sản phẩm từ giống cây quế bản địa có hàm lượng tinh dầu cao, mang lại giá trị lớn và rất được thị trường lựa chọn. 

Tuy nhiên, từng có một thời gian, diện tích cây quế phát triển "nóng", dẫn đến "nở rộ" hàng nghìn vườn ươm quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Từ đó, nguồn hạt quế, cây quế giống "bùng phát" tràn lan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu quế Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Hệ quả là, nhiều nơi quế trồng xong bị chết, phát triển chậm, chất lượng không đảm bảo.

Một huyện của tỉnh Yên Bái tìm cách bảo tồn nguồn gen loài cây mang lại nguồn thu 1.000 tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Các sản phẩm quế từ giống cây quế bản địa có hàm lượng tinh dầu cao, mang lại giá trị lớn. Ảnh: PV.

Trước thực trạng đó, những năm qua, huyện Văn Yên đã phối hợp với các ngành chức năng tích cực nghiên cứu, bảo tồn và phát triển giống cây quế bản địa. Từ năm 2017, huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện đề tài nghiên cứu nguồn gen cây quế Văn Yên. 

Kết quả đã chọn lọc được 40 cây trội dựa trên các tiêu chí: Độ dày vỏ, cây thẳng, tròn, tán rộng, có sức sống vượt trội so với các cây trung bình của lâm phần. Từ đó, khuyến cáo người dân khi chọn giống cây quế cần phải kết hợp giữa các chỉ tiêu sinh trưởng, năng suất vỏ để tuyển chọn được giống cây quế có sản lượng vỏ và hàm lượng tinh dầu cao. 

Một huyện của tỉnh Yên Bái tìm cách bảo tồn nguồn gen loài cây mang lại nguồn thu 1.000 tỷ đồng/năm- Ảnh 2.

Cây quế được trồng ở tất cả 25 xã, thị trấn của huyện Văn Yên với tổng diện tích hơn 55.000ha, trong đó diện tích quế tập trung trên 30.000ha. Ảnh: Hoàng Hữu.

Giữ gìn nguồn gen giống cây quế bản địa

Viễn Sơn là một trong những xã có diện tích trồng quế lớn nhất của huyện Văn Yên, đồng bào Dao nơi đây đã nhiều đời gắn bó với cây quế. Do vậy, địa phương này luôn quan tâm đến việc mở rộng diện tích quế, đồng thời giữ vững, bảo tồn và nâng cao chất lượng nguồn giống cây quế bản địa.

Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết: "Để bảo tồn giống quế, xã quy hoạch diện tích 4ha những cây quế có đường kính từ 30cm, cao từ 15m trở lên và 30 cây trội làm giống. Cùng với đó, hằng năm, xã vận động bà con tập trung đưa giống cây quế bản địa vào trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, đến nay diện tích quế ở địa phương đã được mở rộng lên 2.600ha, với chất lượng, giá trị cao, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con trên địa bàn".

Cũng là một trong những xã nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế, Xuân Tâm đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ giống cây quế bản địa. 

Ông Trấn Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Tầm cho biết: "Hiện nay toàn xã có 3.600ha quế, đây là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của bà con. Vì vậy, để bảo tồn giống cây quế bản địa, xã đã quy hoạch vùng quế giống với diện tích trên 50ha, tập trung ở thôn Khe Đóm với 30ha, thôn Khe Lép với 25ha, đủ cung ứng cây giống trên địa bàn xã cũng như vùng lân cận. Bên cạnh đó, qua kinh nghiệm sản xuất nhiều năm, cơ bản các hộ dân đều tự nhân giống cây quế bản địa để phát triển, mở rộng diện tích quế".

Một huyện của tỉnh Yên Bái tìm cách bảo tồn nguồn gen loài cây mang lại nguồn thu 1.000 tỷ đồng/năm- Ảnh 3.

Những cây quế có đường kính to, thân thẳng và cao được người dân xã Viễn Sơn lựa chọn để lấy hạt và nhân giống. Ảnh: Hoàng Hữu.

Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các xã, thị trấn rà soát, khoanh vùng các diện tích quế cổ thụ (tuổi cây từ 20 năm trở lên) quy hoạch thành rừng giống chất lượng cao. 

Đến nay, toàn huyện đã có 7 nguồn giống quế được công nhận là rừng giống chuyển hóa từ rừng trồng với tổng diện tích gần 75ha. Các diện tích rừng giống hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn hạt giống và gần 10 triệu cây giống. 

Ngoài ra, huyện tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nói chung và cây quế nói riêng. Thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây quế nhằm phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; kiên quyết tiêu hủy các lô cây con, hạt giống không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng...

Một huyện của tỉnh Yên Bái tìm cách bảo tồn nguồn gen loài cây mang lại nguồn thu 1.000 tỷ đồng/năm- Ảnh 4.

Quế là cây trồng chủ lực, mỗi năm mang lại nguồn thu gần 1.000 tỷ đồng cho nông dân Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Ảnh: PV

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động thu hạt, gieo ươm quế giống ở Văn Yên chủ yếu vẫn mang tính tự phát, không có tính chọn lọc. Từ đó dẫn tới sự suy giảm năng suất và phẩm chất tinh dầu quế, nguồn gen giống cây quế bản địa có nguy cơ bị mất dần. 

Do đó trong thời gian tới, các cấp chính quyền trong huyện Văn Yên cần xây dựng vườn quế giống bản địa đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, cần tăng quàn quản lý, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống, nhằm giữ gìn nguồn gen giống cây quế bản địa Văn Yên và từng bước nâng cao giá trị cây quế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem