Cận tết, người lao động lại đỏ mắt chờ lương, đủ khoản lo

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 12/01/2019 06:00 AM (GMT+7)
Tết đang cận kề, nhưng bên cạnh những niềm vui khi một năm cũ sắp qua, một năm mới sắp tới là bao nỗi lo toan của cuộc sống đời thường đè nặng lên đôi vai của người lao động.
Bình luận 0

Hy vọng công ty có chế độ đãi ngộ tốt

Đang tất bật lo hoàn thành nốt ca làm, chị Nguyễn Thị Toán (32 tuổi) quê Bắc Giang đang làm tại Công ty Hồng Hải Bắc Ninh cho biết, cuối năm công ty cũng tổ chức nhiều đợt tăng ca, kíp để hoàn thành các đơn hàng. Dù công việc bận nhưng anh chị em công nhân lao động ai cũng cảm thấy phấn khởi vì công việc nhiều có thể khiến tổng thu nhập thực tế của anh chị em sẽ tăng lên đáng kể.

Thông thường hàng năm công ty cũng đã lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và thưởng tết cho anh em. Đa phần đều thưởng một tháng lương thứ 13, một số lao động có thành tích đặc biệt sẽ được thưởng thêm.

Chị Dung tâm sự: “Gia đình ở quê, nên mình đi làm cả năm chỉ trông chờ vào tháng cuối năm lấy ít tiền lương thưởng tết để về mua bán lo tết cho gia đình. Bố mẹ tôi ở quê già, lại bệnh tật nhiều, hy vọng công việc thuận lợi, nhận lương thưởng về biếu bố mẹ một ít cho các cụ mừng. Nhà mình chỉ cần 5-7 triệu đồng là đã có một cái tết đầy đủ rồi”.

img

 Thời điểm này rất nhiều công nhân đang phải nỗ lực làm việc để lo tết.   ảnh Minh Nguyệt

Tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long, trong căn phòng trọ cũ kĩ chưa đầy 15m2 tại Cầu Nam Thăng Long (Hà Nội) chị Nguyễn Thị Lương, 25 tuổi (Phú Thọ) đang cặm cụi lau phòng và nấu bữa cơm chiều để chuẩn bị ăn còn đi làm ca tối.

Chị Lương cho biết, nhà nghèo, bố mẹ sinh đông con nên cả nhà có 5 anh chị em thì chỉ có 2 người em út được đi học. Lương cùng 3 người chị em phải đi làm từ rất sớm. Ở quê tìm việc khó khăn nên Lương được bạn giới thiệu xuống Hà Nội làm việc. Cô hiện làm cho một công ty may của Hàn Quốc với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng/tháng.

“Mức lương này ở thành phố tuy có thấp nhưng so với quê em thì đã rất cao. Đây là năm đầu tiên em đi làm, đợi tết có nhiều tiền về quê em sẽ mua tặng bố mẹ một cái tivi to và mua cho mấy đứa em mỗi em một bộ quần áo thật đẹp” – Lương hồ hởi.

Cũng như chị Dung, Lương, nhiều lao động từ quê ra làm việc ở các khu công nghiệp cũng có chung một tâm sự vào những ngày cuối năm đó là mong muốn là công ty sẽ thực hiện tốt chế độ phúc lợi, trả lương, thưởng thật phù hợp để động viên tinh thần làm việc của anh chị em công nhân.

Đủ nỗi lo ngày tết đến

Những ngày cuối năm, đến với công nhân lao động, chúng tôi có dịp được trò chuyện và thấu hiểu những nỗi niềm của người lao động xa xứ mỗi dịp tết đến xuân về. Có nhiều người, để chuẩn bị về quê sum họp cùng gia đình nhân dịp nghỉ Tết Nguyên đán, họ đã chủ động tìm kiếm việc làm thêm để có chút dư dả trang trải cho ngày nghỉ lễ.

“Nhà neo người, chồng mất sớm nên tôi phải nuôi con một mình. Gần tới tết rồi, tháng này lại ít việc, tôi lo lắm, mấy hôm nay tối đến, tôi cùng với mấy chị em trọ cùng phòng mua ngô về mang ra ngõ bán kiếm thêm tiền. Sắp tết rồi, đủ khoản cần mua sắm mà chưa có đồng nào chị em ai cũng sợ tới tết” – chị Tống Thị Nhung (Quế Võ, Bắc Ninh) chia sẻ.

Không chỉ chị Nhung, rất nhiều gia đình công nhân lao động do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên những ngày này họ luôn đắn đo, trăn trở có nên về quê ăn tết hay ở lại làm thêm. Để vừa tiết kiệm được chi phí lại có thêm thu nhập cho gia đình, nhiều gia đình công nhân lao động đã nghĩ tới việc ở lại làm thêm và không về quê ăn tết.

3 năm rồi, gia đình chị Đinh Thị Huệ (công nhân đang làm việc tại Công ty Yamaha, Khu công nghiệp Nội Bài) chưa về quê ở Hà Tĩnh để đón tết cùng ông bà, người thân, vì vậy mỗi dịp tết đến xuân về, chị Huệ không giấu nổi niềm xúc động: “Tết đến, tôi chỉ mong được cùng chồng và các con về quê sum họp cùng ông bà, người thân trong gia đình. Cứ nghĩ đến cảnh mọi người được quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên, cùng đón giao thừa, chúc nhau những lời ấm áp tôi lại thấy nôn nao. Vì điều kiện về kinh tế không cho phép nên đã 3 năm rồi, gia đình tôi không về quê ăn tết. Năm nay, các con muốn được về thăm ông bà nhưng nghĩ đến vấn đề tài chính tôi băn khoăn lắm?”.

Chị Huệ phân tích, về quê ăn tết bao giờ cũng vui và hạnh phúc nhất, nhưng tốn kém: Tiền tàu xe, quà cáp, tiền mừng tuổi rồi đủ loại chi phí phát sinh, về có mấy ngày nhưng tốn cả chục triệu, với công nhân lao động, số tiền đó không phải là ít. Trong khi nếu ở lại thành phố và kiếm việc làm thêm ngày tết thì vừa tiết kiệm được khoản chi phí về quê vừa có thêm khoản thu nhập từ việc làm thêm.

Tết năm ngoái, chị ở nhà trông con còn chồng đi làm thêm ở nhà hàng cũng kiếm được vài triệu. Mặc dù đã mua sẵn mấy bộ đồ cho bố mẹ và các cháu nhưng phải đợi xem công ty thưởng tết thế nào. Nếu dư giả thì có thể về quê ăn tết còn không thì vợ chồng lại phải suy tính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem