Chống bơm tạp chất vào tôm: Đối phó bằng “chiến thuật du kích”

Chúc Ly Thứ ba, ngày 28/11/2017 10:35 AM (GMT+7)
Theo đánh giá của cơ quan chức năng các tỉnh, việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng tinh vi hơn. Điều này gây khó khăn cho ngành chức năng, trong khi lực lượng làm công tác kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế.
Bình luận 0

Khó kiểm tra, xử lý triệt để

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bạc Liêu, mặc dù công tác ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm và sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm tôm có chứa tạp chất được sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các bộ ngành, UBND tỉnh và sự phối hợp giữa các tỉnh trọng điểm, nhưng công tác thanh, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

img

Các cơ sở đưa tạp chất vào tôm xé nhỏ hàng để khó bị phát hiện. Ảnh: Một điểm bơm chích tạp chất tại tỉnh Bạc Liêu bị phát hiện.  Ảnh: N.Q

Xử lý nghiêm các nhà máy chế biến vi phạm

Theo ngành chức năng các tỉnh, Bộ NNPTNT cần có quy định và xử lý nghiêm các nhà máy chế biến thủy sản vi phạm do Bộ quản lý. Đồng thời, hướng dẫn đồng bộ về công tác lấy mẫu, đưa ra quy trình loại bỏ tạp chất. Một vấn đề tồn tại từ lâu ở các tỉnh là nhiều cơ sở thu mua tôm quy mô nhỏ không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý. Vai trò của chính quyền cấp xã và huyện cần phải được đề cao trong hoạt động kiểm tra, ngăn chặn nạn bơm tạp chất vào tôm. 

Ngoài ra, địa bàn rộng, các cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản nằm rải rác khắp các huyên trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ sở nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó tiếp cận nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra phát hiện.

Ông Trần Quốc Hội - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Do vấn đề cung cầu, nguồn nguyên liệu khan hiếm cùng với lợi nhuận cao nên một số doanh nghiệp đã ký cam kết nhưng chưa có quyết tâm “nói không với tạp chất”. Hiện tại hành vi đưa tạp chất vào tôm được tổ chức tinh vi hơn, đối tượng vi phạm luôn tìm cách đối phó và sẵn sàng chống đối với lực lượng chức năng, do đó gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện.

“Lực lượng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành khó tiếp cận các nhà máy chế biến thủy sản trong quá trình kiểm tra - xử lý hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu” - ông Hội thông tin thêm.

Còn tại Cà Mau, theo ngành chức năng, các cơ sở tổ chức đưa tạp chất vào tôm thường phân tán nhỏ lô hàng, đưa vào những nơi hẻo lánh, ít người phát hiện, có tổ chức người canh gác. Ngoài ra, có những trường hợp đưa vào những nơi có bố trí cơ sở kiên cố, gắn camera canh phòng, có lực lượng canh giữ từ xa, khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì tiến hành tẩu tán ngay tang vật, ngăn cản, chống đối không cho tiếp cận hiện trường…

Trong khi đó, theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Kiên Giang, các cơ sở thu gom tôm thực hiện thực hiện bằng nhiều hình thức tinh vi như tiến hành bơm chích trên các phương tiện vận chuyển như vỏ, xuồng máy, xe ôtô… nên đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm.

Đặt biệt, thời gian gần đây, các cơ sở bắt đầu thay đổi “chiến thuật” hoạt động. Nếu trước đây, quy mô của các cơ sở từ vài chục đến hàng trăm người, số lượng tôm nguyên liệu được bơm lên đến vài tấn, thì thời gian gần đây, các cơ sở chọn những ngôi nhà nhỏ ít bị chú ý, chia ra nhiều điểm với vài nhân công bơm tạp chất. Đồng thời, các cơ sở vận chuyển số tôm đã được bơm tạp chất đến nơi khác để đưa đi tiêu thụ.

Cần vai trò của chính quyền cơ sở

img

Dụng cụ bơm chích tạp chất vào tôm được phát hiện tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.  Ảnh: N.Q

Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tỉnh đang triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Khi lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp không được thực hiện quá 1 lần/năm, lực lượng chức năng phải tuân thủ theo quy định này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, thông tin: Khi có đủ cơ sở xác định doanh nghiệp có dấu hiệu đang thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì các lực lượng chức năng có quyền kiểm tra đột xuất để xử lý bất cứ lúc nào, tuy nhiên trong thực thi nhiệm vụ phải thận trọng và chặt chẽ hơn.

Cũng theo ông Bằng, đa số vụ việc bơm chích tạp chất khi được phát hiện xử lý, thì đối tượng tổ chức bơm chích là các lái gom, đại lý và cũng có những trường hợp doanh nghiệp chế biến thủy sản tổ chức bơm chích. Người trực tiếp chích, thường là những người không có việc làm ổn định. Còn người nuôi tôm hầu như không tham gia bơm chích.

“Chính quyền cơ sở có vai trò rất quan trọng trong quản lý, chỉ đạo sản xuất. Họ là những người gần dân, hiểu rõ dân nhất, nhưng vai trò này chưa phát huy tốt. Nhiều nơi còn chưa tham gia tích cực vào công tác chống bơm chích tạp chất” - ông Bằng thông tin thêm.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NNPTNT đang rà soát và đề xuất, bổ sung các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về tạp chất. Chính phủ cũng đã giao các bộ liên quan rà soát để có thể áp dụng xử lý hình sự với hành vi này.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Đề (Sóc Trăng):  Nhà nông lãnh đủ

Nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu không xảy ra ở hộ nông dân mà là do thương lái hoặc doanh nghiệp làm. Điều này trước mắt sẽ đem lại lợi nhuận rất cao cho thương lái, doanh nghiệp, nhưng về lâu dài, chính người nông dân phải chịu thiệt thòi. Nếu tôm xuất khẩu bị trả về thì cả ngành tôm bị ảnh hưởng, giá tôm nguyên liệu bị giảm, nông dân sẽ bị thiệt thòi nhất.

Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau: Giám sát thương lái Trung Quốc

Nhiều năm qua, tôm  xuất khẩu của các công ty ở tỉnh Cà Mau nói riêng và cả ĐBSCL nói chung thường bị một số nước trả về, ngoài nguyên nhân do nhiễm kháng sinh thì vẫn có trường hợp bị nhiễm vi sinh do bơm, chích tạp chất. Thị trường có thể nhập tôm bơm, chích tạp chất mà không trả về là Trung Quốc, có thể họ mua về để xử lý lại, xuất bán cho những thị trường khác. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng. 
Để quản lý việc mua bán tôm tốt hơn và hạn chế tình trạng bơm chích tạp chất, chúng tôi đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra các đối tượng là người Trung Quốc sang mua tôm.  

Ông Nguyễn Văn Nhiệm – nguyên Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng): Làm xấu hình ảnh tôm Việt Nam

Phải có “cầu” thì mới có “cung”, tức là vẫn có công ty, đơn vị thu mua thì mới có người bơm, chích tạp chất vào tôm. Theo tìm hiểu, nếu không tiêu thụ trong nước thì phần lớn số lượng tôm này sẽ được tuồn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Thời gian qua, vẫn có một số thương lái “xúi giục” dân mình làm để làm xấu đi con tôm Việt Nam. 

C.L (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem