Hậu công bố nguyên nhân cá chết: “Để thuyền nằm bờ xót xa lắm”

Hữu Anh Thứ sáu, ngày 01/07/2016 06:45 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV NTNN sau khi Chính phủ công bố thủ phạm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, rất nhiều ngư dân vùng biển ở thị xã Kỳ Anh (địa phương mà Formosa đặt nhà máy) đã ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành để có kết quả sớm ổn định tình hình giúp ngư dân vùng ảnh hưởng tiếp tục ra khơi.
Bình luận 0

Trao đổi với PV NTNN sau khi Chính phủ công bố thủ phạm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, rất nhiều ngư dân vùng biển ở thị xã Kỳ Anh (địa phương mà Formosa đặt nhà máy) đã ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành để có kết quả sớm ổn định tình hình giúp ngư dân vùng ảnh hưởng tiếp tục ra khơi. Ngư dân Nguyễn Văn Thoảnh ở thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh cho biết: “Hơn 2 tháng qua cuộc sống của 4 người trong gia đình gặp nhiều khó khăn, hải sản đánh bắt về không tiêu thụ được, trong khi đó cả gia đình chủ yếu phụ thuộc vào biển, làm nghề đi biển”.

Theo ông Thoảnh, cũng may trong suốt thời gian xảy ra sự cố, không thể ra khơi, chính quyền và các đoàn thể, tổ chức, cá nhân đã đến động viên, chia sẻ, hỗ trợ ngư dân an tâm ra khơi. “Ngoài cầu nối tiêu thụ hải sản, vừa rồi Nhà nước hỗ trợ gia đình tôi 5 triệu đồng vì thuyền cá gặp khó khăn và hỗ trợ  90kg gạo/4 khẩu cùng với 1 triệu đồng các tổ chức về ủng hộ ngư dân”- ông Thoảnh nói. 

img

Ngư dân thị xã Kỳ Anh, khu vực gần Nhà máy Formosa, mong muốn được hỗ trợ chuyển từ tàu nhỏ sang đóng mới tàu công suất lớn ra khơi.  Ảnh: H.A

Ngư dân Thoảnh cho biết thêm: “Giờ thủ phạm gây ô nhiễm môi trường đã rõ, Formosa sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù. Cần giải quyết dứt điểm vụ việc để ngư dân nhanh chóng ra khơi trở lại. Để thuyền nằm phơi nắng trên bờ từng ngày, xót xa lắm”.

Còn bà Trần Thị Phận ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh cho biết: “Sau sự cố Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ thu mua muối với giá 12.500 đồng/10kg  góp phần giúp chúng tôi bớt khó khăn, yên tâm sản xuất. Mong rằng thời gian tới Nhà nước có giải pháp hỗ trợ diêm dân tái sản xuất ổn định cuộc sống”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hưởng-Phó Chủ nhiệm HTX Hùng Mạnh ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết: “HTX thu mua hải sản cho bà con ngư dân trên địa bàn Hà Tĩnh, mỗi ngày thu mua và xuất đi từ 20-25 tấn hải sản. Tuy nhiên hơn 2 tháng nay HTX gặp rất nhiều khó khăn, hàng mua vào không bán được phải chi phí bảo quản mỗi tháng xấp xỉ 60 triệu đồng. Tuy nhiên,  ngày 30.6, Chính phủ  vào cuộc đã công bố nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng ô nhiễm biển vừa qua. Sau công bố này, không chỉ ngư dân mà những cá nhân, đơn vị kinh doanh đến hậu cần nghề cá đều mong muốn Nhà nước có giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường biển để ngư dân yên tâm ra khơi, còn chúng tôi quay lại sản xuất bình thường.”

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh- Phan Duy Vĩnh cho biết: “Thị xã Kỳ Anh là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố môi trường biển vừa qua. Vụ việc đã khiến hơn 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại đánh bắt, nuôi trồng của ngư dân trên 64,4 tỷ đồng. Sau khi công bố nguyên nhân, ngoài công tác hỗ trợ, địa phương sẽ kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các ngư dân trong việc khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề ở gần Nhà máy Formosa để bà con ổn định cuộc sống lâu dài”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem