Không nên đóng hết cửa rừng

Thứ ba, ngày 16/10/2012 10:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ NNPTNT đã từng đề xuất xem xét có thể đóng cửa rừng trong thời gian phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, nên tổ chức khai thác rừng hợp lý hơn là đóng cửa hoàn toàn.
Bình luận 0

Do nạn khai thác rừng trái phép diễn ra khá phổ biến, tình trạng vi phạm lâm luật tràn lan, Bộ NNPTNT đã từng đề xuất cần có chủ trương giảm dần khai thác rừng tự nhiên và xem xét có thể đóng cửa rừng trong thời gian phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, nên tổ chức khai thác rừng hợp lý hơn là đóng cửa hoàn toàn.

Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn với hơn 600.000ha rừng; tỷ độ che phủ của rừng đạt hơn 60%. Với trữ lượng hơn 61 triệu m3 gỗ và gần 662 triệu tấn tre nứa, hàng năm lượng lâm sản cho phép khai thác của tỉnh Lâm Đồng cũng vì thế rất lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nạn khai thác rừng trái phép ở Lâm Đồng đã làm cho tài nguyên rừng của địa phương suy kiệt, nên khối lượng gỗ khai thác theo kế hoạch hằng năm đã giảm một cách đáng kể.

img
Khai thác gỗ nguyên liệu ở Lâm Đồng.

Cụ thể, lượng gỗ khai thác theo kế hoạch của tỉnh đã giảm một cách đáng kể trong những năm qua. Song trên thực tế, trong những năm gần đây khối lượng khai thác gỗ rừng tự nhiên ở Lâm Đồng ngày càng giảm như giai đoạn 2001-2002 bình quân khoảng 30.000m3/năm, giai đoạn 2004-2005 bình quân khoảng 15.000m3/năm. Khối lượng gỗ rừng trồng khai thác ngày càng tăng (năm 2000 khoảng 4.000m3/năm, năm 2005 khoảng 40.000m3/năm). Sản lượng gỗ khai thác các loại xu hướng giảm dần, đặc biệt giảm mạnh từ năm 2003 đến nay. Hiện tại, khối lượng gỗ rừng khai thác theo kế hoạch và tận thu ở Lâm Đồng vẫn không ở mức lớn.

Tuy nhiên, dư luận gần đây cho rằng bởi việc lợi dụng khai thác rừng (trong kế hoạch) đã đến mức báo động nên việc đóng cửa rừng là cần thiết. Song, điều đó có thật khoa học hay không thì phải cần xem xét một cách thấu đáo. Nhiều ý kiến cho rằng đóng cửa rừng không phải là biện pháp duy nhất để hạn chế đến mức thấp nhất nạn phá rừng.

Thực tế, ở Lâm Đồng và nhiều địa phương khác trong cả nước cho thấy: Nạn phá rừng không chỉ duy nhất bằng hành vi khai thác gỗ lậu, mà còn có cả việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước để gây hại rừng, hoặc đó còn là việc khai thác khoáng sản, làm thủy lợi, khai hoang đồng ruộng… Một số ý kiến cũng cho rằng, rừng đang "sống" mà không khai thác thì sẽ trở thành rừng "chết". Vấn đề quan trọng là ở công tác quản lý khai thác chứ không phải đóng cửa rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem