Mất đất vẫn có việc, thu nhập cao hơn làm ruộng

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 20/10/2015 07:15 AM (GMT+7)
Mất đất, mất kế sinh nhai, thế nhưng nhờ được hỗ trợ học nghề, người dân phường Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội) vẫn tìm được việc làm với thu nhập khá.
Bình luận 0

Thu nhập cao hơn làm ruộng

Năm 2013, chị Nguyễn Thị Ngọc ở tổ 8, phường Phú Lương là một trong hàng trăm nông dân bị mất đất có may mắn được tham gia lớp dạy nghề từ Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn của Chính phủ.

Chị Ngọc tâm sự: “Hồi đó, nhà có 3 sào ruộng thì bị lấy cả nên gia đình tôi không biết làm gì ra tiền. Cũng may sau đó được địa phương cho đi học nghề nấu ăn, giờ tôi đã xin được việc làm tại một căng tin của Trường Đại học Đại Nam”. Còn chị Nguyễn Thị Thái (tổ 11) cũng được đào tạo nghề lái xe sau khi mất đất. Hiện chị đang lái xe cho một công ty tư nhân, lương tháng được 7 triệu đồng. So với làm ruộng trước kia, thu nhập giờ cao hơn, ổn định hơn nên gia đình chị Thái còn có cả tiền tích lũy.

img

Một buổi học thực hành chữa bệnh cho gia súc của học viên lớp trung cấp nghề chăn nuôi thú y tại Hà Nội. Ảnh: M.N

Theo ông Nguyễn Vi Hải – Chủ tịch Hội ND phường Phú Lương, do diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm nên địa phương ưu tiên dạy nghề phi nông nghiệp cho bà con. Chia sẻ thêm về điều này, ông Dương Ngọc Thỏa – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương cho biết, toàn phường có hơn 400ha đất nông nghiệp, nhưng  hiện đã có hơn 200ha bị lấy để phục vụ các dự án công nghiệp.

Do đó, nhiều người không còn kế sinh nhai, nhu cầu học nghề để chuyển đổi công việc của bà con rất lớn. “Trong năm 2015, chúng tôi đã mở 2 lớp dạy nghề về nấu ăn và chăn nuôi lợn cho những hộ bị mất đất. Hiện các hộ đều áp dụng kiến thức học được để tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm tại nhà” - ông Thỏa nói.

Phát huy tinh thần chủ động

" 6 tháng cuối năm, quận Hà Đông tiếp tục dạy nghề cho khoảng 600 LĐ nông thôn, trong đó có 550 học viên là nông dân mất đất. Mục tiêu chúng tôi đề ra là 100% học viên được cấp chứng chỉ nghề, 80% học viên có việc làm sau khi đào tạo...” .
Bà Phạm Thị Hòa 

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, một trong những thành công trong công tác dạy nghề tại phường Phú Lương nói riêng, quận Hà Đông nói chung là do người dân đã chủ động đăng ký học nghề, còn chính quyền địa phương luôn ủng hộ kịp thời.

UBND quận và nhiều phòng ban cũng đã nghiên cứu để lồng ghép các văn bản chỉ đạo trong quá trình thực hiện Đề án 1956, do đó các lớp học đều phát huy hiệu quả.

Cụ thể, UBND quận đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm quận Hà Đông chủ động rà soát số LĐ có nhu cầu học nghề, doanh nghiệp có nhu cầu về LĐ để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Theo đó, trong năm 2015, quận Hà Đông đã triển khai được 25 lớp dạy nghề, gồm 3 lớp nông nghiệp cho 105 người; 13 lớp phi nông nghiệp cho 445 người. Số LĐ sau học nghề đã có việc làm từ khi triển khai Đề án 1956 đến nay là 3.822/5.251 người, đạt gần 73%. Trong đó, LĐ được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng  là 1.253 người, thành lập tổ hợp tác là 447 người; tự tạo việc làm 2.140 người.

“Mong muốn của quận là UBND thành phố sớm phân bổ kinh phí dạy nghề LĐ nông thôn năm 2016, đồng thời, Sở LĐTBXH Hà Nội có chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật tư... cho các học viên học nghề; hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật sản xuất rau an toàn trên diện tích 50ha tại phường Đồng Mai, nhằm giúp nông dân sản xuất rau an toàn hiệu quả” – bà Hòa kiến nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem