Phân lân “trị” đất phèn

Thứ sáu, ngày 11/10/2013 09:02 AM (GMT+7)
Ở ĐBSCL, theo Tổng cục Quản lý ruộng đất, nhóm đất phèn chiếm tới hơn 88% diện tích đất phèn trong cả nước (2.140.306ha) và chiếm 41% diện tích đất ở ĐBSCL.
Bình luận 0
Nhóm đất phèn phân bố tập trung ở các vùng: Tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên (Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ), vùng trũng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp), vùng bán đảo Cà Mau (TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau),...

Ở vùng đất nhiễm phèn nên tăng cường bón phân lân và vôi để hạ phèn.
Ở vùng đất nhiễm phèn nên tăng cường bón phân lân và vôi để hạ phèn.

Đất trồng lúa bị phèn ảnh hưởng sự sinh trưởng cây lúa, phát triển về mặt vật lý, sinh học và hóa học. Những gốc ruộng hoặc chỗ trũng nếu mặt nước có váng màu đỏ thì đó là đất nhiễm phèn sắt (nông dân còn gọi là phèn nóng). Những ruộng nước trong xanh thấy rõ đáy ruộng, đất có màu xám, cỏ ít mọc và chỉ có cỏ chỉ hoặc cỏ năn mọc thì biểu hiện đất có nhiều phèn nhôm (còn gọi là phèn lạnh).

Những triệu chứng lúa bị ngộ độc phèn như: Lá lúa bị vàng và cháy khô ở chóp lá, bẹ lá có màu vàng, ở dưới gốc lúa cũng bị ngả vàng. Cây lúa lùn hơn bình thường nhưng không đồng đều, phát triển chồi kém làm cho ruộng bị thưa. Lúc trổ bông lúa nếu phèn nặng thì bông bị lép nhiều. Rễ lúa có màu vàng nâu và sờ thấy nhám chứ không mềm và trơn như bình thường.

Có thể cải thiện đất phèn để sản xuất lúa hiệu quả hơn bằng cách quản lý nước hợp lý để ngăn chặn quá trình oxy hóa tầng sinh phèn pyrit bằng cách duy trì mực nước trên các lớp pyrite. Kết hợp áp dụng các vật chất vôi và hữu cơ ở liều lượng và thời gian thích hợp, cũng như bón phân thích hợp. Ngoài ra cần giữ cho đất ngập càng lâu càng tốt trước khi gieo cấy.

Nên tăng cường phân lân và vôi cho đất nhiễm phèn. Vụ đông xuân công thức bón cho lúa trên đất phèn nặng là khoảng 80kg N + 80kg P2O5 + 30kg K2O. Còn với vụ hè thu và thu đông khoảng 70kg N + 90kg P2O5 + 30 - 40kg K2O. Trên đất phèn trung bình hay phèn nhẹ, vụ đông xuân khoảng 90kg N+ 50kg P2O5 + 30-40kg K2O. Vụ hè thu và thu đông khoảng 70kg N + 50kg P2O5 + 30 - 40kg K2O. Quy ra lượng phân đơn khoảng 180kg urea + 400kg lân super + 50kg kali. Trường hợp sử dụng phân hỗn hợp các loại có DAP để tăng hàm lượng lân dễ tiêu thì sử dụng 120kg urea + 130kg DAP + 80kg NPK (20-20-15) + 30kg kali. Chia ra bón từ 3 – 4 lần.

Chú ý sử dụng phân lân nung chảy (như lân Văn Điển) khả năng hạ phèn nhanh và hiệu quả do trong lân có thành phần canxi nhất định. Nếu bón bổ sung vôi thì sử dụng từ 200 - 300kg/ha, bón lót khi làm đất.
TS Nguyễn Công Thành (TS Nguyễn Công Thành)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem