Những nữ “kỵ sĩ” xe ôm núi Cấm

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ sáu, ngày 25/09/2015 17:42 PM (GMT+7)
Có dịp đến Khu du lịch Lâm viên núi Cấm, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy ở nơi đây xuất hiện những đội nữ “kỵ sĩ” xe ôm oai phong vững lái không thua gì cánh mày râu.
Bình luận 0

Con đường từ Lâm viên núi Cấm lên tới hồ Thủy Liêm, trung tâm hành hương và du lịch núi Cấm dài trên 7.000 mét. Đa phần du khách đều chọn xe “đặc dụng” bốn bánh của công ty lữ hành, số còn lại họ thích đi bộ nhàn tản hoặc gọi xe ôm lên xuống núi.

Chính vì thế mà đường lên núi Cấm, một ngọn núi hùng vĩ nhất ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang lúc nào cũng tấp nập người đi xe ôm. Sôi động nhất là vào những ngày cuối tuần, ngày lễ Tết, hàng mấy trăm chiếc xe ôm hoạt động liên tục từ sáng đến chiều. Đặc biệt, trong số những người hành nghề xe ôm có không ít phụ nữ cũng quần jin, áo khoác, mang bảng tên, sẵn sàng đưa rước khách lên xuống núi. Họ chính là những nữ “kỵ sĩ” xe ôm oai phong không thua gì cánh mày râu.

img

Phụ nữ lái xe ôm luôn tươi cười, niềm nở và rất tự tin.

Nhân dịp lên núi, tôi có dịp trò chuyện với nhiều phụ nữ hành nghề xe ôm đang đợi đón khách tại Lâm viên núi Cấm. Chị Lê Thị Thúy, một phụ nữ vừa lái xe ôm vừa là tay nhiếp ảnh nghiệp dư tâm sự với chúng tôi: “Đa phần người lên núi Cấm đều là khách hành hương đi cúng chùa cầu phước, cầu an, họ đâu có nhiều tiền mà đi cáp treo hoặc xe bốn bánh. Nhờ vậy mà chị em chúng tôi mới có đất sống.

Anh Hai Râu, một tài xế lâu năm cũng tin rằng khách hành hương trên núi Cấm lâu nay rất có cảm tình với các tay lái nữ vì chị em luôn chấp hành tốt luật lệ giao thông, nhiệt tình phục vụ và bảo đảm an toàn trên mọi chuyến đi.         

Một lần lên vồ Bò Hong, ngồi sau xe ôm tôi vừa ngắm cảnh núi rừng vừa theo dõi các chị lái xe ôm leo núi. Không ngờ tại một vùng núi non rừng rậm như thế nầy mà lại có một đội quân xe ôm hùng hậu và nhiệt tình đến thế! Đặc biệt là đội nữ “kỵ sĩ” xe ôm, họ lái xe lên xuống dốc một cách thành thục và rất tự tin.        

Con đường lộ đá từ chân núi Cấm lên tới đỉnh hiện nay tuy phẳng phiu, nhưng hầu hết những ngõ ngách dẫn đến các khu hành hương du lịch đều nhỏ hẹp, độ dốc cao và nhiều chỗ gập ghềnh, lởm chởm, dốc đứng hãi hùng, nên chỉ có xe ôm là hữu dụng.

Tại bãi đậu xe, một chị xe ôm mang bảng tên Nguyễn Thị Phương Lan bộc bạch với tôi: Trước kia đa số chị em làm nghề gánh mướn, một số buôn bán hoặc làm rẫy. Nhưng kể từ khi lộ xe lên núi khai thông, những người hành nghề gánh mướn bị thất nghiệp nên một số chị đã chuyển sang chạy xe ôm. Mặc dù cha mẹ, anh chị em và bạn bè phản đối, chê tụi em là hạng “chân yếu tay mềm”, những phụ nữ nông thôn, quanh năm sống bằng nghề rẫy bái, nay chạy xe ôm thật không phù hợp chút nào. Nhưng một số chị vẫn yêu nghề và ngày càng thu hút thêm nhiều chị em khác cùng vào cuộc.  

Qua một ngày lang thang trên núi Cấm, tôi đã thấu hiểu được nỗi vất vả của chị em hành nghề xe ôm. Mặc dù vất vả nhưng họ vẫn tươi cười và niềm nở đón khách. Ngoài chạy xe ôm ra, một số phụ nữ trên núi Cấm còn kết hợp với nghề nhiếp ảnh. Các chị vừa đưa rước khách vừa giới thiệu các danh lam thắng cảnh, các khu di tích, đồng thời hướng dẫn khách chụp ảnh lưu niệm, nhờ vậy mà thu nhập tăng lên.

Có thể nói xe ôm núi Cấm là loại phương tiện hữu dụng của khách du lịch. Đặc biệt là, ngoài núi Cấm ra, tôi chưa bao giờ gặp những nữ “kỵ sĩ” xe ôm cần cù, lam lũ và chịu thương chịu khó làm cái nghề của đàn ông như vậy.

img

Rộn ràng xe ôm núi Cấm trong mùa lễ hội.

img

Ba tài xế nữ đang chờ khách tại bãi xe ôm trên núi Cấm.

img

Đường lên núi Cấm.

img

Tài xế nữ Neang Sa Vươn đang chờ khách.

img

Chị Mỹ Linh, vừa là tài xế xe ôm vừa làm nghề nhiếp ảnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem