OPCW nhận Nobel Hòa bình: Người Syria nói gì?

Thứ bảy, ngày 12/10/2013 20:50 PM (GMT+7)
Gải thưởng Nobel 2013 được trao cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) lại một lần nữa hướng thế giới vào tâm điểm Syria lập tức đã tạo ra những làn sóng dư luận khen chê khác nhau trong chính người dân nước này.
Bình luận 0
Theo Đài truyền hình NPR (Mỹ), nhiều người dân Syria phản ứng gay gắt đối với việc OPCW giành được Giải Nobel Hòa bình năm nay.

“Một giải thưởng như thế để làm gì? Họ (OPCW) mới chỉ ở Syria có 2 tuần mà đã nhận được giải Nobel? Sẽ xứng đáng hơn nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận được giải thưởng đó” - ông Sheikhmous Kadar, một người đã phải rời Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Qua theo dõi các thông tin trên Twitter, Facebook, NPR thống kê, chỉ có rất ít người Syria có phản ứng tích cực đối với giải thưởng này. Nhiều người cho rằng, giải thưởng đã thể hiện tính thiếu nhạy cảm cho những mất mát của người dân.

img
Giải thưởng Nobel trao OPCW năm nay gây nhiều phản ứng trái chiều từ người dân Syria.

Không ít người đã chỉ trích ngay những lời tuyên dương của Ủy ban Nobel dành cho OPCW. Lí do vì họ cảm thấy giải thưởng đã không nhận ra những thiệt hại đằng sau của người dân Syria trong suốt 2 năm qua với hơn 100.000 người thiệt mạng.

Thậm chí một số người còn xem Giải Nobel Hòa bình năm nay chẳng khác gì một “món quà” tặng cho Tổng thống Bashar Assad vì ông này đã đồng ý hợp tác từ bỏ vũ khí hóa học. Trong khi những người đối lập vẫn đang cáo buộc Chính quyền Damascus đã sử dụng bạo lực.

Ông Louay Safi, một nhân vật cấp cao thuộc phe đối lập chính của Syria cho rằng, giải thưởng Nobel trao cho OPCW là một bước đi quá sớm.

“Nếu căn cứ vào hoạt động kiểm tra vũ khí hóa học ở Syria của OPCW sẽ nuôi dưỡng hy vọng hòa bình cho đất nước này và trong khu vực, thì quả là một nhận thức rất sai lầm”, ông Safi nói với hãng tin AP trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Qatar.

Trái lại ông Fayez Sayegh, một nghị sĩ và thành viên của đảng cầm quyền Baath lại khẳng định với hãng tin AP rằng: “Giải thưởng nhấn mạnh tới độ tin cậy của Chính quyền Damascus trong hợp tác tiêu hủy vũ khí hóa học. Syria được đưa ra như một ví dụ để các quốc gia khác có chất hóa học và vũ khí hạt nhân làm theo”.

Nhìn từ bên ngoài, ông Ryan C. Crocker, một cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Syria, thổ lộ với New York Times rằng, ông đã vô cùng “bối rối” khi biết tin về giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay. Thậm chí, Ryan C. Crocker còn xem đây nhưng một sự “lố bịch” trong lịch sử Ủy ban Nobel.

“Các hoạt động của OPCW ở Syria sẽ không mang lại hòa bình cho Syria, bởi vì vũ khí hóa học không phải là yếu tố vũ khí quan trọng trong cuộc chiến tranh mà ông Assad tiến hành. Cái quan trọng là tại sao ông Assad lại sẵn sàng hợp tác với OPCW”, ông Crocker nói.

Theo vị cựu đại sứ này, việc “loại bỏ các vũ khí hóa học của OPWC là một điều tốt. Nhưng những điều mà OPWC chưa xứng đáng để nhận giải Nobel Hòa bình”.

Còn tại trụ sở Hague, Tổng giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu bày tỏ, “Sự kiện ở Syria như một lời cảnh báo tới những thảm họa mà OPCW còn nhiều phải làm để ngăn chặn. Trái tim của chúng tôi dành cho người dân Syria và cả những người gần đây là những nạn nhân của những cuộc tấn công khủng khiếp bằng vũ khí hóa học”.
Vân Long (theo Npr/Nytimes/Nationalpost) (Vân Long (theo Npr/Nytimes/Nationalpost))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem