Đăk Lăk: Kiểm lâm làm lâm tặc

Thứ sáu, ngày 07/09/2012 07:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày nào cũng có lâm tặc vào Vườn quốc gia (VQG) Yók Đôn đốn hạ gỗ quý, nạn phá rừng đang ở mức báo động đỏ. Đó là thừa nhận của ông Trần Văn Thành - quyền Giám đốc VQG Yók Đôn.
Bình luận 0

Ông Đinh Văn Khiết - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk - vừa làm việc với UBND huyện Buôn Đôn, VQG Yók Đôn và các ngành liên quan về nạn phá rừng rầm rộ chưa từng có tại vườn quốc gia lớn nhất nước này. Theo đó, ông Khiết cho rằng nên phát động phong trào nói không với lâm tặc, tổ chức bảo vệ rừng theo phương châm 4 tại chỗ như chống bão.

img
Xe máy độ chế chở gỗ của lâm tặc.

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thành - quyền Giám đốc VQG Yók Đôn cho biết, chỉ riêng trong tháng 8, lâm tặc đã “khai tử” 174 cây gỗ quý hiếm và xả súng AK giết 2 con voi trưởng thành. “Ngoài quyết định sa thải kiểm lâm viên Hồ Văn Huy (con trai Phó Giám đốc VQG Yók Đôn Hồ Văn Cầu) do móc nối với lâm tặc, chúng tôi đã luân chuyển 15 cán bộ kiểm lâm để các trạm giám sát lẫn nhau, tránh bắt tay lâm tặc” - ông Thành cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo VQG Yók Đôn, dân các xã quanh vườn còn nghèo, giá trị lâm sản và động vật rừng quá lớn nên phần đông người dân vẫn sống dựa vào rừng là chính. Đặc biệt, các xưởng cưa tại huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp chưa được quản lý chặt chẽ bởi ngành chức năng và chính quyền sở tại nên gỗ lậu vẫn có thể tuồn vào.

“Lực lượng kiểm lâm bị tê liệt, một bộ phận không nhỏ kiểm lâm VQG Yók Đôn cũng là lâm tặc. Họ thông đồng với lâm tặc tẩu tán tang vật, thậm chí lấy tang vật làm của riêng...”.

Chính vì có “đầu ra” như vậy, nhiều đầu nậu mua sắm thuyền máy, xe máy, xe đạp độ chế... và ứng tiền cho dân vào rừng khai thác gỗ. Chưa hết, nhiều đối tượng từ nơi khác vào nhà người đồng bào dân tộc tại chỗ ở lại, xin làm con nuôi để “dựa hơi” làm gỗ.

“Vừa rồi, chúng tôi mời 16 người là chủ bến, chủ bãi dọc sông Sêrêpốk và chủ hộ chứa chấp lâm tặc đến tuyên truyền. Nhưng chỉ có 8 người đến, rồi chẳng ai chịu ký bản cam kết” - ông Thành bày tỏ.

Để hạn chế được nạn phá rừng, ông Đinh Văn Khiết nhận định nạn phá rừng tại VQG Yók Đôn còn diễn biến phức tạp. Do vậy nên phát động phong trào “Huyện Buôn Đôn không có lâm tặc”, “Huyện Buôn Đôn nói không với lâm tặc”.

Trước mắt, UBND huyện phải tổ chức bảo vệ rừng theo phương châm 4 tại chỗ, gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Trao đổi với PV, ông Khiết cho biết, UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo truy quét, điều tra, xử lý nạn phá rừng tại VQG lớn nhất nước này, không để tình trạng này tiếp diễn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem