Phá rừng phòng hộ ở Bình Định:Dân biết, huyện và kiểm lâm ngỡ ngàng

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 02/08/2018 07:19 AM (GMT+7)
Khu rừng phòng hộ tại địa bàn xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) đang bị lâm tặc “xẻ thịt” không thương tiếc. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, nhưng ngành chức năng không hề hay biết, lãnh đạo địa phương lại cho rằng, lâm tặc chọn vị trí tàn phá rừng ở nơi vắng vẻ, rất khó phát hiện(?!).
Bình luận 0

Mục sở thị nơi rừng “chảy máu”

Theo chân người dẫn đường, sau gần 3 giờ đồng hồ lội bộ băng rừng, leo qua những con dốc cao dựng đứng, chúng tôi đã có mặt ở hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng ở xã Vĩnh Sơn.

Tại hiện trường thuộc tiểu khu 142 và 145, xã Vĩnh Sơn, rất nhiều cây gỗ có đường kính khoảng 60-80cm, thậm chí có cây đường kính hơn 1m bị đốn hạ, nằm la liệt giữa rừng. Địa hình hiểm trở, nhưng lâm tặc đã dọn đá, mở sẵn đường mòn khai thác, chờ tẩu tán gỗ. Lâm tặc cưa xẻ gỗ rất chuyên nghiệp, thủ đoạn tinh vi. Theo ghi nhận, đây không phải là vụ phá rừng đại trà mà có sự chọn lọc. Các đối tượng chỉ lựa những cây cổ thụ có đường kính “khủng” để đốn hạ lấy gỗ. Cây đổ đến đâu, họ cưa xẻ ngay thành từng mảng gỗ có quy cách, kích thước giống nhau rồi mới khai thác tiếp tục.

img

Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ tại tiểu khu 142, 145 thuộc xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh  Thạnh).  Ảnh: D.T

Ông Lê Văn Đẩu - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh - cho rằng: “Lâm tặc dùng cưa máy để đốn hạ cây ở vị trí xa đường dân sinh nên rất khó phát hiện. Vụ việc chỉ phát giác khi chính quyền nhận được tin báo của người dân địa phương và yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra. Tuy nhiên, khi đến hiện trường thì lâm tặc đã bỏ chạy và bỏ lại toàn bộ số gỗ vừa đốn hạ tại rừng”. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng khẳng định, khu vực rừng vừa bị lâm tặc tàn phá là rừng phòng hộ và cơ quan chức năng vẫn đang ráo riết truy tìm thủ phạm.

Lâm tặc ngang nhiên tàn phá, “vượt mặt” cả chính quyền địa phương và ngành chức năng trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, đối với người dân ở vùng cao Vĩnh Sơn thì đây là câu chuyện thường ngày, diễn ra công khai. Khi chúng tôi nhờ chỉ đường lên rừng, ông Đ.P (ở xã Vĩnh Sơn; dân tộc Ba Na) nhanh chóng lắc đầu từ chối vì lo sợ “lâm tặc trả thù”.

img

Ông P kể, công việc thường xuyên của ông là đi đặt bẫy trên núi Kon Roi. Hai - ba ngày, ông lại vào rừng thăm bẫy và đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh từng tốp người hùng hổ, tay cầm cưa máy triệt hạ cây. Sau khi nghe tiếng cây đổ ầm ầm giữa rừng, chỉ vài giờ sau lâm tặc đã chia nhau vận chuyển sản phẩm ra khỏi hiện trường.

“Mỗi lần gặp, tôi được nhóm người này mời thuốc lá và uống rượu. Thuốc đã bỏ từ lâu nên thi thoảng tôi chỉ uống vài ly rượu xã giao cho vui vẻ. Họ đi từng nhóm khoảng 7 - 8 người, dựng lán trại ăn ngủ luôn trong rừng. Khi cây đổ ngã thì ngồi ở nhà, cả làng ai cũng nghe tiếng ầm ĩ, dội vang cả ngọn núi. Cứ dăm bảy ngày họ chở đi vài xe gỗ, dân làng thấy thì biết vậy chứ không dám mở miệng vì sợ bị đốt nhà lắm” - ông P trầm ngâm.

Giữ rừng lỏng lẻo

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, có 15 cây gỗ dổi (nhóm III) bị cưa hạ trái phép tại tiểu khu 142 và  145, với những dấu vết khai thác rất mới. Mở rộng kiểm tra hiện trường, tổ công tác liên ngành tại địa phương còn phát hiện thêm 8 cây dổi bị cưa hạ, dấu vết đã cũ, gỗ đã bị cưa xẻ và vận chuyển khỏi hiện trường.

Ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh cho biết, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” xảy ra tại tiểu khu 142 và 145 (xã Vĩnh Sơn). Theo kết quả giám định của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Bình Định), khối lượng gỗ thiệt hại là gần 107m3.

Điều đáng nói, muốn vận chuyển gỗ từ xã Vĩnh Sơn về thị trấn Vĩnh Thạnh chỉ có mỗi con đường độc đạo. Mà theo ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, tuyến đường này có đến 2 trạm và 1 chốt chặn, thế nhưng chẳng hiểu sao gỗ lậu vẫn “lọt” đi được(?!). “Có thể lâm tặc lợi dụng những xe chở gỗ rừng trồng, “lót” những khúc dổi bên dưới cây keo để qua mắt cán bộ rồi vận chuyển về xuôi. Ngành chức năng trực tại các trạm, chốt, nếu không có tin báo thì không dám chặn xe kiểm tra” - ông Quang giải thích. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh cũng thừa nhận, để xảy ra phá rừng có trách nhiệm của ngành kiểm lâm huyện. Tuy nhiên, vùng rừng bị phá trước đó đã được UBND huyện tạm giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện.

“Do lực lượng mỏng, chỉ 30 người quản lý đến 46.700ha rừng, theo quy định thì mỗi người 700ha rừng, hiện chúng tôi còn thiếu trên 17 chỉ tiêu. Trong khi đó, địa bàn có trữ lượng rừng lớn lại nằm xa dân cư, giáp ranh với nhiều huyện ở Gia Lai (75km giáp ranh với Gia Lai) nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp vô vàn khó khăn” - ông Quang nói.

Theo ông Trần Phước Phi - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, năm 2007, đơn vị được giao 14.290ha rừng, số người giữ rừng 15 người. Đến nay, số rừng được giao đã lên đến 25.000ha, vẫn cứ 15 người ra sức giữ. “Để mất rừng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chúng tôi, nhưng về lâu dài thì cần phải có sự hỗ trợ của địa phương và cộng đồng. Khu vực này chưa chính thức thuộc về Ban quản lý rừng phòng hộ. Chúng chỉ mới được “tạm giao” trong khi chờ UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định hiện hành, cũng có trách nhiệm của chính quyền địa phương” - ông Phi nêu lý do.

Ông Bùi Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh nhìn nhận: “2 năm trở lại đây, chưa có vụ nào số lượng gỗ bị tàn phá nhiều đến vậy. Hiện, phải chờ cơ quan điều tra xác định vụ phá rừng có tổ chức hay không?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem