Tàn sát rừng già: Lâm tặc lộng hành

Thứ ba, ngày 01/11/2011 19:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với những dấu vết hạ sát trên thân cây, gốc cây còn sót lại trong rừng Mường Pồn mà chúng tôi được chứng kiến, cho thấy tình trạng rừng bị xâm hại đã kéo dài nhiều tháng qua.
Bình luận 0

Kiểm lâm đã cố gắng, nhưng…

Trên đường tuần rừng trở về, tôi có hỏi các cán bộ kiểm lâm: "Chả lẽ lâm tặc lại lộng hành đến mức coi trời bằng vung ?". Anh Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên thở dài: “Những chỗ anh em mình vừa qua là nơi lắm người qua lại mà lâm tặc còn ngang nhiên thế. Những nơi hẻo lánh trong rừng sâu thì...”.

Ông Hờ A Chư (áo trắng) - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn làm việc với phóng viên.
img

Ngừng một lúc rồi anh bảo: Tình trạng chặt phá, khai thác trái phép rừng tại suối Huổi Lực, xã Mường Pồn đã nói lên tính chất báo động của vụ việc, khi lâm tặc bất chấp luật pháp, coi thường cơ quan chức năng, ngang nhiên vác cưa xăng vào rừng chọn những cây gỗ to, cao, có hàng chục năm tuổi để triệt hạ.

Tang vật vụ vi phạm lâm luật này nằm cạnh đường vành đai tuần tra biên giới, cách trung tâm xã không xa chứng tỏ vụ việc không đơn thuần là do cá nhân hay gia đình thực hiện mà là nhiều người tham gia và hoạt động theo tổ chức. Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc này, tôi nghi đứng đằng sau những kẻ ra tay triệt hạ còn có một “bàn tay” khác dung túng, bao che cho bọn lâm tặc.

Cũng theo anh Hải, những tháng đầu năm 2011, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Nhưng về mức độ, quy mô và sự phức tạp thì những vụ vi phạm luật bảo vệ rừng ở suối Huổi Lực, xã Mường Pồn là nghiêm trọng nhất. Tuy vậy, lực lượng kiểm lâm của Hạt lại quá mỏng, phương tiện thì thiếu thốn nên chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ khi có sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền và người dân sở tại.

"Ngay như số lượng 33m3 gỗ, 10 ste củi tận thu cành, ngọn của 13 cây cổ thụ chiều nay các anh thấy, dù chúng tôi đã phát hiện trước đó nhưng vẫn phải để tại hiện trường bởi không có trang thiết bị để vận chuyển và đến nay cũng chưa thể điều tra được đối tượng đã triệt hạ cây". Hạt cũng đành đề nghị UBND huyện tổ chức bán đấu giá số gỗ trên tại rừng cho cá nhân, tổ chức có điều kiện và phương tiện vận xuất, vận chuyển.

Chính quyền xã, bản cũng… chịu !

Qua câu chuyện với các cán bộ kiểm lâm huyện Điện Biên, được biết đối tượng Vi Văn Ón bị lập biên bản "nóng" bên bờ suối Huổi Lực là người địa phương, từng có hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ngay trên dòng suối này. Lần trước, y cũng bị chính lực lượng kiểm lâm huyện bắt giữ, lập biên bản xử phạt hành chính 24 triệu đồng khi định tẩu tán 3,8 m3 gỗ. Hai địa điểm trong hai lần y “hành nghề” và bị lập biên bản chỉ cách nhau chưa đầy 300m. Điều đó cho thấy một số dân bản đã "thành nghề" trong việc tham gia phá rừng.

Trao đổi vụ việc với chúng tôi, ông Hờ A Chư - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Mường Pồn có trên 4.000ha rừng. Những năm qua, rừng Mường Pồn luôn được đánh giá là rừng có trữ lượng lớn, gỗ tốt, lâu năm. Nhưng hiện nay tỷ lệ độ che phủ rừng ở đây chỉ còn hơn 33%, thấp hơn tỷ lệ toàn tỉnh (37%). Mường Pồn hiện tại là điểm nóng về tình trạng chặt phá, khai thác gỗ trái phép mà chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, đặc biệt là tại địa bàn bản Pá Trả-nơi có gần 50 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu sinh sống.

Theo ông Hờ A Chư, không phải chính quyền xã Mường Pồn thờ ơ với rừng mà vì dân bản quá ngại lâm tặc nên "kín tiếng". Xã cũng đã họp bàn, tìm ra giải pháp là xây dựng hòm thư cho dân trong bản Pá Trả tố giác tội phạm phá rừng. Hòm thư đã đặt trong nhiều ngày qua nhưng không ai tố giác cả.

Về khả năng lâm tặc là người ở địa phương hoặc có sự tham gia khai thác, vận chuyển gỗ lậu của chính bà con trong bản, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, ông Chư nhận định: Nhiều khả năng người tham gia hạ cây, vận chuyển gỗ là dân trong bản vì bà con có sức khoẻ, thạo đường rừng và cũng biết lựa chọn gỗ tốt, địa điểm đốn hạ, vận chuyển an toàn, thuận lợi. Nhưng việc đầu tư trang thiết bị máy móc để đốn hạ, xẻ gỗ, phương tiện vận chuyển, chi phí ăn nghỉ trong rừng là của người ngoài bản.

Còn việc lâm tặc đốn hạ đại thụ ở gần bản, gần đường mà cán bộ, người dân không biết, ông Chư lý giải: Cái lạ là thời điểm lâm tặc triệt hạ số gỗ vào đúng dịp xã tổ chức tập huấn cho cán bộ bản. Điều đó chứng tỏ những kẻ chặt phá rừng này luôn theo dõi “động thái” của chính quyền, nắm bắt rõ thời điểm cán bộ vắng mặt để vi phạm pháp luật.

Vẫn biết cuộc đấu tranh bảo vệ rừng ở bất kỳ nơi nào cũng rất gian nan nhưng không lẽ cứ để lâm tặc hoành hành, mặc rừng chảy máu? Đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt hơn, gắt gao hơn của các cơ quan chức năng để đại ngàn Mường Pồn mãi xanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem