Phi công bắn rơi 80 máy bay đối phương và cái chết ở tuổi 25

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Thứ sáu, ngày 30/04/2021 14:55 PM (GMT+7)
Ông được coi là phi công nổi tiếng nhất lịch sử với thành tích bắn rơi nhiều máy bay được công nhận nhất lịch sử thế giới.
Bình luận 0

img

Manfred von Richthofen là phi công nổi tiếng nhất lịch sử thế giới.

Những màn không chiến tầm gần của các máy bay tiêm kích là một trong những cuộc tranh đấu kịch tính nhất. Phi công chiến thắng cuối cùng phải là người có thể chất và tinh thần cực kỳ tốt.

Kể từ các tiêm kích ra đời vào Thế chiến 1, các phi công bắn rơi 5 máy bay đối phương ở tầm gần được coi là phi công đạt cấp “Ách” (ace). Ngày nay, hầu như không còn phi công đạt cấp này bởi tiến bộ về công nghệ và sự phát triển của các vũ khí phòng không, khiến các phi công không còn cơ hội đối đầu tầm gần trên chiến trường.

Loạt bài dài kỳ này sẽ điểm lại những phi công lập thành tích đáng kể và được coi là phi công kỳ cựu nhất trên thế giới.

Khởi đầu sự nghiệp quân ngũ với tư cách là một sĩ quan kỵ binh, Richthofen sau này trở thành một phi công đẳng cấp "Ách" (Ace) nổi tiếng bậc nhất, theo War History Online.

Trong Thế chiến I, Richthofen là phi công Đức thuộc phe Liên minh trung tâm, lập công bắn hạ 80 máy bay đối phương, dù có lúc bị áp đảo cả về số lượng và chất lượng máy bay.

Khởi đầu trên lưng ngựa

Richthofen sinh ở Kleinburg, nay là một phần của thành phố Wroclaw, Ba Lan, vào ngày 2.5.1892, trong một gia đình quý tộc Phổ điển hình. Cha của ông mang hàm thiếu tá.

Khi còn nhỏ, Richthofen đặc biệt yêu thích việc cưỡi ngựa, săn bắn và tham gia các hoạt động thể thao ở trường. Bước sang tuổi 11, Richthofen gia nhập quân đội Phổ, trở thành sĩ quan kỵ binh.

Ở thời đại giao tranh dưới chiến hào ngày càng trở nên phổ biến, kỵ binh không còn là đơn vị được trọng dụng. Thất vọng và chán nản vì không được tham chiến, Richthofen đăng ký xin gia nhập không quân, sau khi lần đầu tiên chứng kiến các máy bay trang bị súng máy.

Richthofen viết trong đơn xin chuyển đơn vị: “Tôi không tham chiến chỉ để làm những việc vặt. Tôi có mong muốn lớn lao hơn”. Dù Richthofen có thái độ không đúng với chuẩn mực nhà binh, ông vẫn được cấp trên đồng ý chuyển sang không quân.

Richthofen hoàn thành khóa huấn luyện phi công trinh sát phát hiện mục tiêu chỉ trong vòng 4 tuần, trong khi những người khác thường phải mất tới 3 tháng.

Năm 1915, ông bắt đầu tham gia các nhiệm vụ trinh sát trên không ở mặt trận phía đông. 9 tháng sau, Richthofen lần đầu tiên dùng súng máy gắn trên chiếc máy bay Albatros, bắn rơi một máy bay Pháp. Thành tích này không được công nhận do chiếc máy bay này rơi ở phía sau phòng tuyến đối phương.

Tháng 10.1915, Richthofen có cơ hội gặp Oswald Boelcke, một phi công khá nổi tiếng ở thời điểm đó, được Boelcke giới thiệu trở thành phi công chính thức.

img

Richthofen luôn xuất kích trên một chiếc máy bay sơn màu đỏ.

Xuất kích cùng phi đội của Boelcke, Richthofen chủ động tấn công một chiếc máy bay FE-2B của không quân Anh. Dù bị đối phương áp đảo, Richthofen vẫn kịp xoay xở và bắn hạ một máy bay địch.

"Trong phút chốc, tôi ở sau đối phương. Tôi dùng súng máy bắn xối xả vào máy bay Anh khiến động cơ vỡ tan. Chiếc máy bay rơi xuống lãnh thổ chúng tôi”, Richthofen kể lại.

Huyền thoại “Nam tước đỏ”

Tháng 11.1916, Richthofen có trận không chiến căng thẳng với thiếu tá Lanoe George Hawker, chỉ huy phi đội bay của không quân Anh.

Thiếu tá Hawker dẫn đầu biên đội ba tiêm kích tấn công một máy bay Đức nhưng bị rơi vào trận phục kích của Richthofen và phi đội của ông. Hai tiêm kích Anh bị trúng đạn nhưng vẫn kịp quay về căn cứ còn Hawker ở lại đối mặt với Richthofen.

Né tránh được loạt đạn súng máy của Hawker, Richthofen quay sang truy đuổi khiến phi công Anh phải quay đầu bỏ chạy. Nhưng đó là lúc Richthofen tung loạt đạn quyết định khiến Hawker trúng đạn phía sau gáy, trở thành nạn nhân thứ 11.

Kể lại về cuộc không chiến với Hawker, Richthofen coi chỉ huy phi đội máy bay Anh giống như “phiên bản người Anh của Boelcke”. “Anh ta là một người đàn ông dũng cảm và là một phi công chiến đấu đáng gờm", Richthofen nói.

Sau lần lập công thứ 16, Richthofen thành lập phi đội bay của riêng mình. Ông chứng tỏ được tài năng bằng phương thức chiến đấu do mình tự nghĩ ra, dựa trên những tính toán chính xác.

Richthofen yêu cầu các phi công trong đội phải nghiên cứu và học thuộc theo chiến thuật của ông. Đến cuối năm 1916, ông sơn máy bay mình sang màu đỏ, biệt danh "Nam tước đỏ" (Red Baron) bắt đầu từ đây.

Cái kết của một huyền thoại

Tháng 4.1917 là giai đoạn thành công nhất của các phi công Đức, nên còn được gọi là “tháng 4 đẫm máu”. Chỉ trong 5 ngày, không quân Anh mất 75 máy bay. Riêng Richthofen có 21 lần lập công.

Người Anh sau đó tung ra nhiều thế hệ máy bay chiến đấu mới, vượt xa những gì không quân Đức đang có, dù rằng quân Đức có các phi công giàu kinh nghiệm hơn.

img

Xác chiếc máy bay Richthofen điều khiển, bị bắn rơi năm 1918.

Trong cuộc chạm trán với phi đội Anh vào tháng 7.1917, Richthofen bị trúng đạn ở đầu và vỡ một phần hộp sọ, khiến ông tạm thời bị mù và liệt nửa người.

May mắn được cứu sống ở bệnh viện, Richthofen chưa bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn. Đôi lúc ông phải chịu những cơn đau đầu dữ dội, khiến kỹ năng bay bị ảnh hưởng. Đến tháng 9.1917, Richthofen vẫn lập kỷ lục bắn hạ được chiếc máy bay thứ 60 của đối phương.

Năm 1918, Richthofen được coi là huyền thoại mà nếu ông chết sẽ là đòn giáng mạnh vào sĩ khí của các binh lính Đức. Nhưng Richthofen vẫn quyết không ngừng bay.

Tháng 3.1918, Đức mở chiến dịch tổng tấn công cuối cùng trong Thế chiến 1, với không quân đóng vai trò trung tâm. Richthofen phải đối đầu với những phi đội quân Đồng minh được huấn luyện bài bản hơn. Nhưng ông vẫn lập chiến công bắn rơi chiếc máy bay thứ 80.

Ngày 21.4.1918, Richthofen dẫn đầu phi đội bay của mình, tham gia trận đánh cuối cùng trong sự nghiệp. Phi đội của ông bay qua phòng tuyến quân Đồng minh, nhằm mục tiêu là các máy bay trinh sát Anh.

Trong lúc đối đầu với cả phi công Anh và Canada, Richthofen bay tách khỏi phi đội, mải mê đuổi theo một chiếc máy bay. Kết quả là máy bay của ông bị trúng đạn ở tầm thấp, rơi xuống đất vỡ tan. Đến khi có người tiếp cận nơi xác máy bay rơi, Richthofen đã chết. Năm đó, Richthofen mới 25 tuổi.

Cho đến nay, ai là người trực tiếp bắn hạ huyền thoại phi công Đức vẫn còn là điều bí ẩn. Một số tài liệu đề cập đến người lập công bắn hạ Richthofen là đại úy phi công Roy Brown của Canada. Một giả thuyết khác cho rằng, Richthofen bị lực lượng phòng không dưới mặt đất bắn hạ.

Nhiều sử gia phương Tây sau này đều đánh giá Richthofen là phi công nổi tiếng nhất lịch sử. Ông xuất hiện trong vô số các cuốn sách, bộ phim kể về Thế chiến 1 và được cả hai bên chiến tuyến đặc biệt coi trọng.

__________________

Trong Thế chiến 2, nổi bật nhất trong hàng ngũ phe Đồng Minh là một phi công kỳ cựu Liên Xô, người lập chiến công bắn rơi nhiều máy bay nhât, thậm chí từng bắn rơi tiêm kích Mỹ. Bài dài kỳ xuất bản ngày 1.5 sẽ điểm lại cuộc đời và toàn bộ sự nghiệp của phi công nổi tiếng này,

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem