Đại hội VIII Hội NDVN: Nâng cao hơn nữa về số lượng, chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi

Minh Ngọc (ghi) Thứ bảy, ngày 23/12/2023 18:37 PM (GMT+7)
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" do Trung ương Hội NDVN phát động có sức lan tỏa mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn.
Bình luận 0

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội NDVN lần thứ VII. 

Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028, tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, dự và phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn và Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đánh giá rất cao kết quả của Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Với những dấu ấn đó, bà Đỗ Hồng Hạ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã dành thời gian chia sẻ với Báo điện tử Dân Việt trước thềm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, sẽ tổ chức từ ngày 25-27/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Đại hội VIII Hội NDVN: Nâng cao hơn nữa về số lượng, chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi - Ảnh 1.

Bà Đỗ Hồng Hạ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang

- Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã khẳng định Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn; phát huy tính chủ động, sáng tạo của hội viên, nông dân, tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bình quân có trên 6,2 triệu hộ đăng ký (đạt 104,04% so với chỉ tiêu Đại Hội VII), trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, vượt 6,74% so với chỉ tiêu Đại Hội VII. Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng và sức hút của phong trào này?

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững có sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực không chỉ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mà còn ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Phong trào đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo nông thôn, triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang.

Qua thực hiện, phong trào đã lan tỏa sâu rộng trong hội viên, nông dân gắn với thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất trên những địa bàn khó khăn, đã tạo động lực cho hội viên, nông dân thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách bền vững theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, nông dân đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phát huy tiềm lực đất đai, lao động, vươn lên giảm nghèo bền vững, thông qua những việc làm cụ thể như: Hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn… Từ đó, khẳng định được vị trí, vai trò tập hợp nông dân của các cấp Hội, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh về mọi mặt.

Đại hội VIII Hội NDVN: Phong trào nông dân SXKD giỏi lan tỏa sâu rộng, tạo động lực cho hội viên vươn lên làm giàu - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn thăm mô hình trồng bưởi VietGAP của hội viên nông dân ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) hồi tháng 7/2021. Ảnh: Minh Ngọc

Các nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã hỗ trợ cho hộ nghèo về kinh nghiệm làm ăn, vốn, vật tư, cây con, giống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 3%. Bên cạnh đó, các hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong tỉnh Tuyên Quang còn góp công sức, kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 02 huyện Hàm Yên và Sơn Dương đang phấn đấu về đích nông thôn mới.

- Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, theo bà đâu là những dấu ấn nổi bật của Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, từ đó góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII Hội NDVN?

Nhiệm kỳ 2018 - 2023 Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tập trung đổi mới phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả nổi bật:

Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới, tập trung tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm; tích cực ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội vào tuyên truyền. Một số hoạt động lớn của Hội được truyền hình trực tiếp trên trên fanpage của Báo Tuyên Quang online. Chỉ đạo, tổ chức Hội thi cán bộ Hội Nông dân cơ sở giỏi, Hội thi Nhà Nông đua tài các cấp lần thứ V; tham gia Hội thi Nhà Nông đua tài toàn quốc năm 2022 đạt giải ba. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình "Nhà nông tài ba" phát định kỳ hàng tháng trên kênh TTV để tuyên truyền các cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội được chú trọng thực hiện; tổ chức bộ máy được sắp xếp lại tinh gọn, hiệu quả; đội ngũ cán bộ Hội được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt. Tỷ lệ chi hội trưởng là đảng viên và chất lượng hội viên được nâng lên. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội đã hướng mạnh về cơ sở, trong nhiệm kỳ có 8.500 lượt Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp dự sinh hoạt tại chi hội, trên 9.000 lượt cán bộ Hội tham gia các hoạt động với nhân dân tại cơ sở; bằng các việc làm cụ thể, thiết thực như: tuyên truyền, tập hợp những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giới thiệu về cơ chế, chính sách, dịch vụ hỗ trợ nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phân loại và xử lý rác thải tại nguồn; sửa chữa, làm đường giao thông, lắp cấu kiện bê tông kênh mương; làm nhà cho hội viên nông dân nghèo...

Hội Nông dân tỉnh tham mưu tổ chức 3 Hội nghị người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đối thoại với nông dân theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến điểm cầu các huyện ủy, thành ủy; có trên 1.000 cán bộ, hội viên nông dân tham gia và phát trực tiếp trên fanpage Báo Tuyên Quang online với trên 20.000 lượt người theo dõi. Qua Hội nghị cán bộ, hội viên, nông dân được trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng đề xuất, kiến nghị những vấn đề về cơ chế, chính sách những khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Đồng thời bày tỏ những sáng kiến, hiến kế để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, khẳng định vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. 

Đại hội VIII Hội NDVN: Phong trào nông dân SXKD giỏi lan tỏa sâu rộng, tạo động lực cho hội viên vươn lên làm giàu - Ảnh 3.

Nằm trong chương trình Hội nghị Tổng kết công tác hội và phong trào nông dân cụm thi đua số 3, năm 2023, bà Đào Thị Mai - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang giới thiệu với Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN Phạm Tiến Nam và các đại biểu về mô hình nuôi cá lồng của hội viên nông dân trên địa bàn huyện Na Hang.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đột phá, đổi mới thành lập 316 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Thực hiện phương châm "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân chủ động, cộng đồng giúp đỡ" đã vận động đóng góp 18.000 ngày công lao động trị giá 3,6 tỷ đồng, tiền, vật liệu trị giá 1,02 tỷ đồng để làm mới và sửa chữa 1.323 nhà cho hội viên, nông dân nghèo. Triển khai, vận động ủng hộ Quỹ "Mái ấm nông dân" số tiền 692,6 triệu đồng, đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 24 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên nông dân. Vận động hội viên, nông dân xây dựng 2.439 hầm bể Biogas, công trình vệ sinh đạt chuẩn. Tổ chức 44 lớp tập huấn cho 1.817 hội viên nông dân về kỹ thuật xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn; các phương pháp tận thu chất thải trong chăn nuôi tại nguồn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất cho hội viên nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Hội thảo "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" với sự tham gia của 90 đại biểu. Hỗ trợ máy băm cỏ, chế phẩm, giống trùn quế, sâu canxi, kinh phí sửa chữa chuồng gà cho 270 hộ tham gia mô hình, trị giá trên 500 triệu đồng. Nhân rộng mô hình "Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch", "Phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn"...

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đã có trên 35.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; hội viên, nông dân đóng góp công lao động, hiến 66.000m2 đất để bê tông hoá đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa.

Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, tổng nguồn vốn đạt 37,1 tỷ đồng (tăng trưởng 19,1 tỷ đồng). Nhận ủy thác từ ngân hàng cho 36.404 hộ vay 2.588,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Tổ chức luân chuyển 1.690 con bò, nâng số hộ hưởng lợi lên 4.815 hộ, có 1.595 hộ thoát nghèo; giá trị đàn bò ước đạt trên 96 tỷ đồng. Tổ chức 131 lớp dạy nghề cho 4.600 lao động nông thôn, 50 hội nghị tư vấn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho 2.165 lượt người dự;1.155 hội nghị tập huấn cho 5.655 hội viên, nông dân. Hướng dẫn lập trên 9.000 tài khoản để trao đổi mua bán hàng hóa, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Cung ứng 6.600 tấn phân bón chậm trả, trị giá 43 tỷ đồng.

Hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm được chú trọng thông qua việc Tổ chức tuần lễ "Quảng bá, tiêu thụ Cam sành Hàm Yên", khai trương cửa hàng nông sản sạch; tổ chức 58 gian hàng tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, gian hàng 0 đồng và tổ chức các gian hàng tại Đại hội Hội Nông dân các cấp để trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của địa phương, các cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.

Đại hội VIII Hội NDVN: Nâng cao hơn nữa về số lượng, chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Đinh Khắc Đính cùng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang thăm gian hàng sản phẩm OCOP của hội viên, nông dân tỉnh Tuyên Quang.

Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp triển khai xây dựng và tổ chức khánh thành Nhà truyền thống di tích lịch sử Ban Nông vận Trung ương tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, Sơn Dương của Trung ương Hội NDVN.

Thực hiện phong trào "Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19", cán bộ, hội viên nông dân ủng hộ trên 5,9 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thăm hỏi tặng 695 suất quà trị giá 0,2 t đồng. Hội Nông dân tỉnh tổ chức tiếp nhận, phân loại, đóng gói, vận chuyển trên 800 tấn nông sản, nhu yếu phẩm của nhân dân tỉnh Tuyên Quang ủng hộ nhân dân một số tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Trực tiếp, phối hợp trao 2.174 suất quà Tết, trị giá trên 1,6 t đồng; vận động giúp 21.612 ngày công, 0,4 t đồng, 106 tấn gạo cho hội viên, nông dân nghèo.

Thực hiện phương án hỗ trợ bê giống nuôi sinh sản nhằm phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế tình hữu nghị Việt Nam - Lào, đặc biệt là giữa tỉnh Tuyên Quang và Xiêng Khoảng.

- Một trong những mục tiêu trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 là tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Để góp phần hoàn thành mục tiêu trên, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung triển khai những nội dung gì thưa bà?

Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển", Đại hội lần thứ X Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng giúp cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại hội VIII Hội NDVN: Phong trào nông dân SXKD giỏi lan tỏa sâu rộng, tạo động lực cho hội viên vươn lên làm giàu - Ảnh 5.

Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn và Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm chúc mừng thành công của Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các hình thức kinh tế tập thể, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ nông dân; phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghề cho nông dân. Đa dạng hóa hình thức đào tạo theo hướng tăng cường thực hành gắn với mô hình thực tế, học trực tiếp, trực tuyến qua mạng Internet, tham quan, học tập kinh nghiệm.

Xây dựng người nông dân phát triển toàn diện, văn minh, chuyên nghiệp, tự chủ, tự lực, tự cường, có ý chí khát vọng vươn lên; có trình độ và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, có kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số; là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới./.

-Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem