Thuốc đông y gia truyền ở nông thôn - Bài cuối: Cần kiểm nghiệm bài thuốc

Trần Phượng - Hùng Phiên - Hồng Đức Thứ bảy, ngày 08/11/2014 06:57 AM (GMT+7)
Rất nhiều bài thuốc tốt bị bỏ phí, nhiều kiểu chữa bệnh nhảm nhí núp bóng hoành hành. Làm thế nào để bài thuốc tốt được phát huy trong cộng đồng? Đó là việc ngành y tế phải “xắn tay” vào cuộc để giúp các lương y thực sự an tâm với việc công bố bài thuốc và đăng ký hành nghề.
Bình luận 0

Cần rà soát, kiểm tra các bài thuốc

Theo Hội Đông y Việt Nam, những ca ngộ độc, tử vong do uống thuốc đông y của các thầy lang “vườn” cung cấp là khá nhiều. Trong đó đặc biệt có khuyến cáo của Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai về ngộ độc chì trong thuốc cam và trong cả thuốc dưỡng thai!

img Bà Phan Thị Chanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) chữa bệnh bằng vỗ tay nghe hát và thuốc không rõ dược chất (Dân Việt đã phản ánh). Ảnh: Diệu Linh

 

Gần đây nhất, ngày 11.10, bà Lê Thị Nghi (64 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quảng Ngãi) tử vong nghi do uống thuốc nam của ông Phạm Nên (63 tuổi) ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, khi kiểm tra, ông Phạm Nên thừa nhận có cắt bốc cho bà Nghi 9 thang thuốc nam vào ngày 6.9 để điều trị bệnh thấp khớp. Sau khi hỏi bệnh thì ông bốc thuốc chứ không khám, bắt mạch cho bà Nghi.

Ông Phạm Nên cho biết, thang thuốc mà ông bốc chữa bệnh thấp khớp cho bà Nghi và nhiều người khác gồm có 9 loại, trong đó có cây lùng bung mà dân gian gọi là cây mắt mèo xanh - loại thuốc trước đây từng nghi gây ngộ độc cho 4 người tại TP. Quảng Ngãi. Tuy nhiên, ông Nên cũng khẳng định gia đình ông cũng uống thuốc này và “không bị sao, chắc bà Nghi có bệnh khác mà không biết” - ông Nên nói. Những ca tử vong, ngộ độc như vậy, khi xảy ra tai biến, ngành y tế mới “vỡ lẽ” là các thầy lang đều chưa qua đào tạo về y tế, không đăng ký hành nghề, bài thuốc không có kiểm nghiệm về dược chất…

Hải Phòng là địa bàn có rất nhiều ông lang, bà mế bán thuốc dạo. Trao đổi với NTNN, ông Phạm Xuân Bắc - Phó Chủ tịch Hội Hành nghề y dược tư nhân, Thường trực Hội Đông y huyện Tiên Lãng cho biết: Huyện này có khoảng gần 100 hội viên Hội Đông y nhưng chỉ khoảng 50-60% hội viên có giấy phép hành nghề. Theo ông Bắc, các thầy lang chữa bệnh tại nhà còn khó quản lý, nói gì tới các ông lang, bà mế tự do bốc thuốc tại chợ quê, đi lưu động hết các chợ này sang chợ khác. “Có trường hợp người bệnh đi mua thuốc của các ông lang, bà mế lạ ở chợ về dùng bị dị ứng mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa… ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng không thể tìm được người đã bốc thuốc để hỏi về các loại dược chất liên quan” - ông Bắc nói. Tuy nhiên, ông Bắc cũng cho biết, việc kiểm nghiệm các bài thuốc cũng đòi hỏi nhiều thời gian, trong khi không ai, không có đơn vị nào rà soát, kiểm tra các bài thuốc của ông lang, bà mế bán dạo, chứ chưa nói là kiểm nghiệm.

img
Bà Phạm Thị Phú chữa bệnh bằng phương pháp giẫm đạp. I.T

 

Vì vậy, lương y Phạm Xuân Bắc đề xuất: Ngành y tế nên phối hợp với trường đào tạo về chuyên môn mở lớp ngắn hạn giúp họ có điều kiện học nâng cao, chuẩn hóa về nghề để có đủ điều kiện cấp phép hành nghề.

Cụ Bùi Hữu Ái – một thầy lang hoạt động “chui” ở huyện Tiên Lãng cũng bày tỏ: “Tôi biết việc bốc thuốc và khám chữa bệnh khi chưa được cho phép là sai nhưng quy định hiện nay quá rắc rối. Nên sửa thủ tục đơn giản, gọn nhẹ theo hướng không cần kê quá rõ vị thuốc, thầy lang chỉ cần chứng minh được số người được chữa khỏi bằng bài thuốc trên tổng số người đến chữa và những lưu ý khi dùng bài thuốc để tránh tai biến. Điều đó vừa hạn chế được tình trạng hành nghề bát nháo, các lương y có nghề cũng vẫn có thể chữa bệnh cứu người”.

Tôn trọng “mẹo” nhưng phải chứng minh kết quả

Nói về việc quản lý và khuyến khích người dân đăng ký hành nghề khám chữa bệnh hợp pháp, ông Bùi Hồng Thủy - Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 65 cơ sở có “giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” và 228 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Thực ra, chúng tôi cũng rất khó có thể kiểm soát hết được số thầy lang “vườn”, nếu như không được sự giúp sức của chính quyền địa phương”.

Theo ông Thủy, với những cơ sở khám chữa bệnh bằng thuốc đông y, không đăng ký theo quy định, Sở Y tế luôn có những chế tài đặc biệt để xử phạt. “Nhưng với những bài thuốc nam hay thì nên xây dựng chính sách riêng khuyến khích họ vì với những người này họ có những cách chữa “mẹo” mà khoa học có khi cũng chẳng giải thích được”- ông Thủy nói.

Cụ thể, theo ông Thủy, trong Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT, về việc ban hành quy chế duyệt cấp “giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” của Bộ Y tế, “thủ tục, hồ sơ” quy định: “Bản giải trình về bài thuốc gia truyền phải ghi rõ: Xuất xứ của bài thuốc gia truyền qua các dòng tộc, gia đình, nơi đã sử dụng bài thuốc để điều trị; công thức bài thuốc (ghi rõ từng vị, từng liều lượng); cách gia giảm (nếu có); cách bào chế; dạng thuốc; cách dùng, đường dùng; liều dùng; chỉ định và chống chỉ định…”. “Có nhiều ông bà lang (dùng thuốc nam) chữa bệnh rất giỏi, nhưng không phải người nào cũng có thể chứng minh được những thành phần của thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Có những bài thuốc khoa học cũng không lý giải được. Vì thế, ngành y tế cần kiểm tra một phần dược chất và kiểm tra lâm sàng trên những người đã được chữa khỏi để khẳng định tác dụng của bài thuốc, tránh tình trạng tung tin nhảm nhí hoặc lạm dụng bài thuốc” - ông Thủy bày tỏ quan điểm.

Còn theo Sở Y tế Phú Yên, thực tế người “ra tay” chữa bệnh đông y có đến con số trăm, ngàn; thế nhưng danh sách lương y của tỉnh chính thức đăng ký hành nghề chỉ vẻn vẹn… 40 người. “Thực tế, nhiều bài thuốc gia truyền vẫn chưa rạch ròi về bản quyền, thừa kế; công thức một số bài thuốc vẫn chưa được xác định rõ ràng; các khóa tập huấn, cấp chứng nhận lương y vẫn chưa được mở nhiều. Điều này dẫn đến việc cấp phép hành nghề đông y rất ít ỏi…” - bác sĩ Lê Huỳnh Linh - Phó phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Phú Yên) nói.

Về việc khuyến khích các thầy lang tiết lộ bài thuốc hay, theo bác sĩ Linh, với những bài thuốc thực sự có giá trị, nếu có đối tác tốt (trả giá phù hợp) chắc chắn nhiều lương y sẽ… sẵn sàng hợp tác. Ngoài ra, việc tập huấn đào tạo các lương y phải được chú trọng thường xuyên hơn, góp phần hiện đại hóa nền y học cổ truyền. Đặc biệt, cần phải đưa bảo hiểm y tế vào các phòng chẩn trị y học cổ truyền (đã được cấp phép) để tạo điều kiện xã hội hóa công tác khám chữa bệnh.

  Liên quan tới thuốc đông y, Ban Bí thư T.Ư có Thông báo số 154/TW-TB về việc phát triển nền đông y Việt Nam, trong đó có yêu cầu sớm khắc phục các hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong phát triển nền đông y Việt Nam; xác định và triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, phát triển nền đông y, trong đó nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, công nhận bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền trên cơ sở phân tích, chứng minh khoa học.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem