Sự chậm chân khó hiểu của Mỹ ở Sudan

Chủ nhật, ngày 30/04/2023 12:05 PM (GMT+7)
Đoàn xe sơ tán công dân đầu tiên của Mỹ, chở khoảng 300 người, rời thủ đô Khartoum vào hôm 28/4, thời điểm nhiều nước khác đã dần khép lại công tác đưa người dân khỏi Sudan.
Bình luận 0

 

Sự chậm chân khó hiểu của Mỹ ở Sudan - Ảnh 1.

Công dân các nước sơ tán khỏi cảnh bạo lực ở Sudan. Ảnh: Reuters.

Đoàn xe buýt khởi hành từ Khartoum, Sudan, bắt đầu hành trình dài 848 km đến Biển Đỏ vào ngày 28/4. Đây là hoạt động có tổ chức đầu tiên của Mỹ nhằm sơ tán thường dân khỏi vùng giao tranh, New York Times đưa tin.

Các máy bay không người lái có vũ trang của Mỹ bám sát đoàn xe buýt để đề phòng các mối đe dọa.

Động thái của Mỹ diễn ra khá muộn so với các tổ chức và quốc gia khác có công dân tại Sudan. Kể từ khi giao tranh nổ ra hôm 15/4, Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia đã sơ tán công dân sau khi nhận được đảm bảo an ninh từ các bên tham chiến.

Anh đã sơ tán 1.573 người kể từ ngày 25/4, hầu hết là công dân Anh. Đức và Pháp sơ tán thêm 1.700 người bằng đường hàng không. Ít nhất 3.000 công dân từ nhiều quốc gia cũng đã được sơ tán bằng đường biển từ thành phố Port Sudan đến Jeddah ở Saudi Arabia.

Khi Mỹ tăng cường nỗ lực sơ tán cũng là lúc các quốc gia khác đã dần khép lại hoạt động này. Anh tuyên bố sẽ ngừng các chuyến bay vào lúc 18h ngày 29/4, với lý do nhu cầu “giảm đáng kể”.

Điều đó làm dấy lên câu hỏi tại sao Mỹ mất nhiều thời gian để tổ chức sơ tán dân thường khỏi Sudan - nơi có khoảng 16.000 công dân Mỹ, nhiều người trong đó mang hai quốc tịch, trong khi các đồng minh phương Tây và Vịnh Ba Tư đã hành động nhanh hơn.

Nói về vấn đề này trong một cuộc họp báo hôm 28/4, ông Vedant Patel, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với các nước đối tác. “Đây là một nỗ lực tập thể và cần có sự hợp tác”, ông cho hay.

Ban đầu, Washington thông báo sẽ không sơ tán dân thường hoặc gia đình của họ vì nhu cầu thấp hơn đáng kể so với các quốc gia phương Tây khác. Ngoại trưởng Antony J. Blinken hôm 24/4 cho hay chỉ vài chục công dân Mỹ muốn rời đi.

Sau đó, các quan chức Mỹ cho biết họ không thể ước tính chính xác số lượng người muốn sơ tán vì con số thay đổi theo bối cảnh xung đột.

Trao đổi với CNN, nhiều công dân Mỹ có người thân đang ở Sudan cũng cho biết Bộ Ngoại giao nước này hầu như không cung cấp “bất kỳ sự trợ giúp nào” kể từ khi bạo lực chết người xảy ra.

 


Hải Linh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem