Tái lập SBC giữ yên bình cho thành phố

Mai Quốc Ấn Thứ sáu, ngày 27/01/2017 11:50 AM (GMT+7)
Trong thời điểm cuối cùng của năm âm lịch Bính Thân sắp qua đi, năm Đinh Dậu sắp đến, mong ước lớn nhất của người dân vẫn là một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc và an toàn...
Bình luận 0

Ngày hôm kia, Đội cảnh sát đặc nhiệm hướng Nam (thuộc Công an TP.HCM) chính thức hoạt động. Đội cảnh sát đặc nhiệm hướng Nam - tiền thân là lực lượng SBC Công an TP HCM - gồm những người giỏi võ, giỏi tiếng Anh, tinh nhuệ nhất... và chuyên trị tội phạm đường phố.

Tình hình tội phạm xã hội tại TP.HCM rất lạ. Tội phạm nhiều nơi đổ về đây "ăn hàng". Đáng sợ nhất là tội phạm ma túy và cướp giật. Manh động hơn cả là tội phạm cướp giật. Chúng ra tay không chỉ trong đêm vắng, với người cô thế mà cả khi đường đông. Ghê gớm hơn, chúng có thể dàn cảnh như một vụ va quệt xe máy, một cuộc đánh ghen hay đòi nợ để tấn công nạn nhân và cướp tài sản.

img

Người dân TP.HCM tham quan đường hoa Nguyễn Huệ. I.T

Cụ thể, gần đây nhất là trường hợp chị Nguyễn Ngọc Đào, Việt kiều Mỹ, sáng 26.1 cùng gia đình ra đường hoa Nguyễn Huệ vui xuân. Trong lúc dạo chơi, chị bị kẻ xấu móc mất chiếc điện thoại iPhone 7. Nữ Việt kiều sau khi trình báo bảo vệ đường hoa đã ôm chồng khóc vì mất nhiều tài liệu công việc, hình ảnh đang lưu trong máy.

Hay như anh Phùng Lê (quận 1) cho biết vừa bị nhóm người dàn cảnh lấy mất chiếc iPhone 7 Plus. Người đàn ông này kể đã đưa điện thoại cho con gái chụp ảnh ở đường hoa. Khi bé đang hào hứng chụp hình thì bị nhóm phụ nữ khoảng 3 người dùng quạt che chắn rồi lấy mất chiếc điện thoại, truyền tay nhau phi tang. Chúng nhanh chóng lẩn vào dòng người đông đúc, rời khỏi khu vực.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Chánh văn phòng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn kiêm Trưởng ban an ninh đường hoa Nguyễn Huệ thì ngay trong ngày đầu tiên sau khi đường hoa mở cửa, cơ quan chức năng ghi nhận có 6 trường hợp kẻ xấu trà trộn lấy tài sản du khách đến tham quan.

Đấy là một con số đáng suy nghĩ khi mà an ninh tại đường hoa Nguyễn Huệ được tăng cường tối đa với nhiều lớp bảo vệ 24/24 và khoảng 400 người những ngày qua.

Và thực tế, nhiều người bạn tôi từ ngoài Bắc vào TP.HCM công tác, từ nước ngoài đến đây du lịch đều chung nỗi sợ: cướp! Chính tôi là người cảnh báo họ rằng đôi khi việc nghe điện thoại trên đường, sợi dây chuyền có giá trị đang đeo, chiếc túi xách đắt tiền... chính là cách "mời gọi" tội phạm.

Cướp giật có thể gây tai nạn giao thông cho nạn nhân và chính bọn cướp khi thực hiện. Có thể cướp giật xong lại có những tai nạn giao thông khác trên đường bọn cướp tẩu thoát bằng xe máy với tốc độ cao. Thậm chí tội phạm cướp giật manh động tấn công gây thương tích hay giết chết nạn nhân nếu nạn nhân phản kháng. Ngay cả những cảnh sát hình sự khi theo dõi và đuổi bắt tội phạm cướp giật cũng có thể gặp nguy hiểm dù rất giỏi võ.

Nhưng những điều đó còn không "đáng sợ" bằng việc những người nước ngoài trở thành nạn nhân khi đến Việt Nam du lịch hay làm việc. Khách du lịch nước ngoài bị cướp giật hoặc sợ cướp giật sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam.

Những đội hiệp sĩ đường phố ra đời để chống tội phạm chính là nhu cầu xã hội: nhu cầu chống tội phạm. Nhưng các hiệp sĩ đường phố dù nhiệt tình, gan dạ và có kinh nghiệm bắt cướp không được đào tạo bài bản và có công cụ hỗ trợ tốt như các chiến sĩ SBC chuyên nghiệp. Việc thành lập lại các đội SBC là cần thiết để bảo vệ người dân.

img

Các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam biểu diễn khống chế tội phạm

Sau 30.4.1975, tội phạm cướp giật lộng hành và manh động gây kinh hoàng cho người dân. Chúng liều lĩnh vô cùng khi dám thách chiến sĩ SBC đọ súng, dám bắn trả và thậm chí bắn trả thù chiến sĩ SBC ngay trụ sở công an. Đội SBC hơn 40 năm trước đã ra đời với những huyền thoại như Lý Đại Bàng, Võ Tấn Thành (Hai Trung), Dương Minh Ngọc... để khắc chế bọn tội phạm nguy hiểm ấy, giữ yên bình cho thành phố. Và nay, việc tái lập các đội SBC cũng không nằm ngoài mục tiêu ấy.

Thế nhưng, câu hỏi tại sao cướp giật tại TP.HCM lại hoành hành trong khi nhiều tỉnh khác thì không?

Năm ngoái, tôi phản ánh cho công an phường 6 (quận 8, TP.HCM) để cung cấp các hình ảnh quay được ở hẻm 1678 đường Phạm Thế Hiển trên địa bàn diễn ra nạn mua bán ma túy công khai. Công an phường 6 chỉ lên công an quận 8, liên hệ công an quận thì được chỉ lên công an TP.HCM. Liên hệ tiếp đường dây nóng của công an TP.HCM thì được chỉ về công an quận 8, rối tinh rối mù. Nói như thế để thấy chỉ mới là tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm mà đã vậy thì “rất ngại”.

Cũng không thể không thừa nhận một thực tế, chính đại đa số người dân với tâm lý vô cảm hiện nay trước nạn cướp giật cũng là nguyên nhân để cướp giật lộng hành. Khi ai cũng nghĩ “việc chống cướp giật là việc của người khác mà không phải việc của tôi” đã khiến những nạn nhân bất lực trong sự kêu gọi giúp đỡ. Một người quen của tôi kể lại chị bị đánh thâm tím mặt mũi khi bị cướp dàn cảnh “đánh ghen”. Không ai giúp chị cả dù chị nhiều lần vật vã hét lên "Cướp! Cướp!"...

Rõ ràng việc đưa trở lại hoạt động mô hình SBC là một tin vui và đầy kỳ vọng với người dân thành phố mang tên Bác. Trong thời điểm cuối cùng của năm âm lịch Bính Thân sắp qua đi, năm Đinh Dậu sắp đến, mong ước lớn nhất của người dân vẫn là một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc và an toàn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem