Bật mí về những kiến trúc sư chương trình hạt nhân Triều Tiên

Thứ năm, ngày 14/01/2016 06:00 AM (GMT+7)
Bộ 3 gồm chuyên gia vật lý hạt nhân, tướng quân đội và nhà đàm phán thỏa thuận với Pakistan là những nhân vật trung tâm trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bình luận 0

 img

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ thử hạt nhân lần 4 của Triều Tiên ngày 6.1.

Theo báo cáo năm 2009 của Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, khoảng 6.000 người liên quan tới chương trình vũ khí bí mật của Triều Tiên và họ là một đội ngũ xuất sắc. Nhiều người được chính phủ tặng nhà, trong khi các nhân vật khác được trao tặng huy chương và vinh danh như những người hùng của đất nước.

“Cũng giống dự án Manhattan, để chế tạo một quả bom hạt nhân, bạn cần đội ngũ gồm các nhà trí thức, nhân viên hậu cần và quân sự”, Michael Madden, chuyên gia về quan hệ Triều Tiên, cho hay.

Theo ông Madden, những người đặt nền móng cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là So Sang Guk, Jon Pyong Ho và O Kuk Ryol.

Kiến trúc sư trưởng

Các chuyên gia cho rằng, người đứng đầu chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên là tiến sĩ So Sang Guk, nhà khoa học 77 tuổi và rất tài năng. Ông So từng đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm ngành Vật lý Lượng tử thuộc Đại học Kim Nhật Thành.

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, So là tác giả của 40 cuốn sách, gồm Cơ khí lượng tử và Học thuyết hạt cơ bản.

Vào năm 1998, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, với danh hiệu “anh hùng”, So được cố lãnh đạo Kim Jong-il tặng một bữa ăn thịnh soạn trong ngày sinh nhật lần thứ 60.

“Ông ấy là gia sư của Kim Jong-il về vật lý và khoa học hạt nhân”, chuyên gia Madden nói.

So được bổ nhiệm vào Cục Tổ chức và Chỉ đạo (OGD), một cơ quan bí mật do cố lãnh đạo Kim Jong-il thành lập nhằm củng cố quyền lực từ tay cha trước khi chính thức lãnh đạo đất nước vào năm 1994.

“Ông ấy cần nắm một chức vụ trong OGD nhằm giám sát nhân viên và điều phối công việc của những người tham gia chương trình phát triển vũ khí. Chức vụ này giúp ông có lý do an ninh rõ ràng để tiếp cận các tài liệu bí mật khi cần”, Madden nói.

Tại Liên Xô, trong vai một sinh viên trẻ, So đã sắp đặt một thỏa thuận nhập khẩu các thiết bị cần thiết cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, hãng Yonhap của Hàn Quốc năm 2006 cho hay.

Theo Jang Jin Sung, một người rời khỏi Triều Tiên vào năm 2004, con gái nhà khoa học 77 tuổi đã học tại trường âm nhạc hàng đầu Triều Tiên dưới sự bảo trợ của cha cô. Jang từng học cùng con gái ông So.

“Cô ấy từng phàn nàn rằng không thể du học vì cha mình có liên quan tới một số dự án lớn và bí mật”, Jang cho hay.

Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) từng liệt So vào danh sách cấm vận tài chính hồi năm 2009.

Điều phối viên quân sự

Theo Jang, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã lập quy chế phụ cấp dành cho những người tham gia chương trình vũ khí hạt nhân. Khoảng năm 2001, ông tặng hai chiếc xe tải cỡ lớn do Mỹ sản xuất cho hai phụ tá tin cậy. Họ là So và O Kuk Ryol - điều phối viên quân sự của chương trình hạt nhân Triều Tiên.

O, 85 tuổi, là một người đàn ông gầy với mái tóc thưa và đeo kính màu. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay, ông O sinh ra tại Trung Quốc và giữ hàm tướng vào năm 1984. Ông thăng chức nhanh chóng trong quân đội dưới sự giúp đỡ của một nhân vật có liên quan tới lính du kích từng chiến đấu bên cạnh nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành.

O nằm trong danh sách cấm vận đặc biệt của Mỹ nhằm chống lại chương trình vũ khí Triều Tiên hồi năm 2013. Theo chuyên gia Madden, ông này thường đi bộ hàng km mỗi ngày và được cho là một “người dị thường” trong số các nhân vật cấp cao Triều Tiên do thường tránh tham gia các buổi tiệc.

O được cho là xuất hiện lần cuối trên truyền thông nhà nước Triều Tiên vào tháng 10. Khi đó, ông đứng cạnh lãnh đạo Kim Jong Un.

Nhà đàm phán

Tháng 7.2014, truyền thông Triều Tiên cho hay Jon Pyong Ho, một quan chức đảng Lao động Cầm quyền, người có công trong chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, qua đời.

Jon từng tốt nghiệp Đại học Moscow và là một cố vấn thân cận của cố lãnh đạo Kim Jong-il. Ông này từng là nhân vật cấp cao trong chương trình sản xuất và phát triển vũ khí của Triều Tiên trong 40 năm, trước khi nghỉ hưu vào năm 2011.

Ông là nhà đàm phán thỏa thuận giữa Triều Tiên và Pakistan về vũ khí hạt nhân trong những năm 1990. Theo các chuyên gia, thỏa thuận giúp Bình Nhưỡng tiếp cận công nghệ quan trọng cho chương trình làm giàu uranium. Jon là đầu mối kết nối chính thức giữa Triều Tiên và Abdul Qadeer Khan, cha đẻ của chương trình hạt nhân Pakistan. Năm 2004, Abdul thừa nhận đã bán bí mật hạt nhân cho Iran, Triều Tiên và Libya.

Theo chuyên gia về quan hệ Triều Tiên Madden, Jon cũng giám sát hoạt động tại nhà máy, các nhà khoa học cùng kỹ thuật viên thuộc chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Hwang Jang Yop, một cựu cố vấn cho cố lãnh đạo Kim Jong-il, đồng thời là nhân vật cấp cao nhất đào ngũ khỏi Triều Tiên trước khi qua đời năm 2010, từng nói với một tờ báo Nhật Bản rằng Jon từng hỏi liệu Triều Tiên có “chế tạo thêm vài quả bom hạt nhân nữa hay không”. “Chúng ta có thể mua thêm plutonium từ Nga hoặc nơi nào khác hay không?”, Hwang thuật lại câu hỏi của Jon.

Tuy nhiên, theo Jon, trước mùa thu năm 1996, Triều Tiên đã giải quyết được một vấn đề lớn. "Chúng ta không cần plutonium vào lúc này. Nhờ một thỏa thuận với Pakistan, chúng tôi sẽ sử dụng uranium”, thành viên của nhóm nghiên cứu chương trình hạt nhân của Triều Tiên tuyên bố.

Theo Hải Anh (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem