Căng thẳng trên Biển Đông: Mỹ nên có “chiến lược toàn diện mới”

Hạ Anh- Đức Hoàng Thứ hai, ngày 22/06/2015 06:33 AM (GMT+7)
Ngày mai (23.6), Mỹ - Trung sẽ bắt đầu cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 nóng bỏng với vấn đề Biển Đông. Câu hỏi được đặt ra, khi Trung Quốc tiếp tục vòng gây hấn mới trên Biển Đông, Mỹ sẽ phải làm gì để kìm chế Bắc Kinh?
Bình luận 0

Vòng gây hấn mới

Giới chuyên gia nhận định, thế giới đang chứng kiến một đợt gây hấn mạnh mẽ khác và vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc đó là các hoạt động xây dựng trên các đảo và đá ngầm ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn, đi ngược lại các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, và “quân sự hóa” các đảo nhân tạo này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định rằng, việc biến một tảng đá dưới nước thành một sân bay không đủ để tạo ra các quyền chủ quyền hoặc áp đặt những hạn chế quá cảnh hàng hải hay hàng không quốc tế.

img
Hình ảnh Trung Quốc cải tạo phi pháp đảo trên Biển Đông.  Ảnh:     D.M

Cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung Quốc lần thứ 7 tại thủ đô Washington trong 2 ngày 23 và 24.6 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề toàn cầu và khu vực, đồng thời cũng ưu tiên giải quyết những bất đồng giữa hai nước. Như truyền thông Mỹ đưa tin trước đó, Washington sẽ không che giấu những vấn đề khác biệt với Bắc Kinh, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Daniel Russell từng nhấn mạnh, Washington quan ngại về các kế hoạch của Trung Quốc duy trì các hoạt động xây dựng ở Biển Đông, cho rằng viễn cảnh Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông là trái ngược với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Trung Quốc ngừng các dự án xây dựng, giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua kênh ngoại giao và trọng tài quốc tế.

Giới phân tích nhận định rằng, với âm mưu tuyên bố rằng các đảo chìm mà Trung Quốc đang xây dựng nằm trong đường cơ sở xung quanh những hòn đảo nổi mà Bắc Kinh tự ý cho rằng có “quyền chủ quyền hợp pháp”, từ đó Trung Quốc có thể có một tuyên bố “chủ quyền chính đáng” đối với một số đảo chìm và một lãnh hải cách đường cơ sở 12 hải lý. Ít nhất, "Cấu trúc nhân tạo" trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc sẽ được hưởng một "vùng an toàn 500m". Giới chuyên gia lo ngại, Trung Quốc sẽ tuyên bố một vùng “an toàn bay” đối với các máy bay quân sự nước ngoài. Thậm chí, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố lãnh hải và quyền cấm bay ở những đảo mà họ đang chiếm đóng của Việt Nam như Châu Viên, Chữ Thập và Đá Gạc Ma. Vì vậy, việc máy bay Mỹ tuần tra ở Biển Đông có thể được xem như một thách thức đối với “tuyên bố chủ quyền” của Trung Quốc. Quan điểm của Mỹ là không công nhận chủ quyền đó. Đổi lại, Bắc Kinh đã nổi giận và cho rằng, Mỹ đã “nhúng tay” vào những việc không phải của họ, đồng thời cáo buộc rằng chính Washington đang khuấy động căng thẳng trên Biển Đông.

Mỹ phải làm gì?

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia trong một cuộc hội thảo về chiến lược và sức mạnh hải quân trong vùng có tranh chấp cho rằng, Mỹ cần phải có “chiến lược toàn diện mới” để đối phó với Trung Quốc. Giáo sư Thayer chỉ ra rằng, Mỹ nên phát triển một chiến lược gián tiếp để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc bằng cách ưu tiên sử dụng các phương tiện phi quân sự. Với chiến lược này, Mỹ có thể tránh việc trực diện đối đầu với chiến hạm của Trung Quốc. Đồng thời, Hải quân Mỹ cũng không trực tiếp chạm trán với tàu của các cơ quan chấp pháp bán quân sự cũng như với đội tàu cá của Trung Quốc vì điều đó có thể tạo ra cảm tưởng rằng Mỹ phản ứng thái quá. Ngoài ra, Mỹ tăng cường tuần tra trên biển và trên không hơn, sử dụng quyền “qua lại không gây hại” để khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không mà Bắc Kinh đang có ý đồ bành trướng.

Giáo sư Carl Thayer cũng gợi ý rằng, Mỹ và các nước đồng minh như Nhật Bản, Australia cần tăng cường hiện diện và tập trận tại Biển Đông. Những cuộc tập trận đó phải được diễn ra ở vùng biển xuyên qua đường 9 đoạn của Trung Quốc và phải được quảng bá rộng rãi, có sự giám sát của các quan sát viên để tăng cường tính minh bạch.

Ngoài 2 cuộc đối thoại trên, ngày 22.6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui) đồng chủ trì cuộc Đối thoại an ninh chiến lược (SDD) Mỹ - Trung lần thứ 5, trao đổi quan điểm các vấn đề an ninh có tầm quan trong chiến lược đối với cả hai nước.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem