Cảnh báo nhầm: Mỹ bấn loạn trước Triều Tiên hay kiếm cớ... bỏ cuộc chơi?

Thứ tư, ngày 17/01/2018 14:34 PM (GMT+7)
Báo động nhầm tấn công tên lửa bộc lộ sự hoang mang hay sẵn sàng đối đầu của Mỹ? Một tín hiệu bị hiểu sai có thể gây hậu quả khôn lường.
Bình luận 0

"Tìm nơi ẩn náu"

Giới chức Hawaii ngày 14/1 vừa qua đã phát nhầm cảnh báo về nguy cơ tấn công tên lửa đạn đạo khiến người dân tại hòn đảo này rơi vào hoảng loạn. Vụ việc xảy ra trong một phiên đổi ca trực và thao tác kỹ thuật sai dẫn tới "bấm nhầm nút" kích hoạt hệ thống điện thoại tự động, thúc giục người dân nhanh chóng tìm nơi ẩn náu.

Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, đồng thời đe dọa tấn công nước Mỹ, chính quyền Hawaii mới đây đã cho vận hành lại hệ thống cảnh báo khẩn cấp vốn bị lãng quên từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

img

Các căn cứ quân sự và lãnh thổ của Mỹ có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên

Thêm vào đó, thái độ “tiền hậu bất nhất” của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chính sách đối với Triều Tiên cũng đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân giữa các bên.

Giới phân tích cho rằng cũng giống như sự kiện Hải quân Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và chính thức kéo Mỹ vào Thế chiến II, mỗi vụ việc nhầm lẫn trong từng bối cảnh lịch sử cụ thể đều hàm chứa những ý nghĩa thực tiễn.

Năm 1983, Chính quyền Liên Xô một mực cho rằng Mỹ đã lợi dụng sự kiện không quân Liên Xô bắn hạ một máy bay dân dụng của Hàn Quốc để tạo cớ tấn công Liên Xô.

Tương tự, Chính quyền Bình Nhưỡng hiện nay hoàn toàn có thể cho rằng sự kiện cảnh báo nhầm về nguy cơ tấn công tên lửa tại Hawaii vừa qua chính là tín hiệu Mỹ chuẩn bị tấn công Triều Tiên, đồng thời nhanh chóng áp dụng các biện pháp đối phó, dẫn đến tình trạng “sai một ly, đi một dặm”.

Thêm vào đó, ông Donald Trump từ trước đến nay đã nhiều lần đe dọa rằng Washington hoàn toàn có khả năng hủy diệt Bình Nhưỡng. Truyền thông Mỹ ngày 15.1 vừa qua cũng tiết lộ quân đội nước này đã tổ chức diễn tập thực chiến tấn công Triều Tiên.

Tháng 9.2017, Chính quyền của Tổng thống Trump đã nhận được sự hậu thuẫn của quốc hội nước này khi thông qua khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục 696 tỷ USD, cao hơn cả mức 603 tỷ USD được Nhà trắng dự kiến trước đó.

img

Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên

Không chỉ có vậy, Chính quyền của Tổng thống Trump còn tiến hành sửa đổi chính sách hạt nhân được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama theo hướng vừa nới lỏng các tiêu chuẩn sử dụng vũ khí hạt nhân, vừa đẩy mạnh việc nghiên cứu chế tạo các đầu đạn hạt nhân nhỏ và dễ sử dụng.

Điều này khiến cho nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân ngày càng gia tăng. Đặc biệt, có ý kiến còn cho rằng ông Donald Trump đã nhiều lần thể hiện mong muốn được sử dụng vũ khí hạt nhân, thậm chí còn khoe khoang trên mạng xã hội Twitter rằng “nút bấm hạt nhân” của mình to hơn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trên phương diện khác, Donald Trump cũng điều chỉnh lại chiến lược của Mỹ, công khai chỉ rõ Nga và Trung Quốc là hai đối thủ chiến lược của Washington. Trong Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền được công bố tháng 12.2017, ông Trump đã nhấn mạnh Nga và Trung Quốc đang âm mưu chiếm đoạt ngôi vị và đe dọa tới an ninh cùng sự phồn vinh của nước Mỹ.

Thêm vào đó, Mỹ còn quyết định bán vũ khí sát thương cho Ukraine để giúp nước này đối trọng với Nga, đồng thời thông qua các dự luật về quan hệ với Đài Loan, tạo thách thức đối với nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên (diễn ra trong những năm 1950) vẫn chưa chính thức kết thúc. Các bên liên quan mới chỉ ký Hiệp định đình chiến và trong 60 năm qua họ vẫn luôn ở trong trạng thái kiềm chế với những xung đột nhỏ lẻ.

Cuộc Chiến tranh Triều Tiên trong thế kỷ 21, nếu xảy ra, có lẽ sẽ liên quan đến việc các quốc gia trên thế giới vượt ngưỡng hạt nhân. Vấn đề này từ lâu đã được xem như “đường giới hạn đỏ” mà không quốc gia nào dám vượt qua kể từ năm 1945.

Giới phân tích phương Tây thừa nhận do vũ khí hạt nhân mang tính hủy diệt cao, nên nếu cuộc chiến tranh giữa các cường quốc hạt nhân nổ ra chắc chắn thiệt hại sẽ chia đều cho hai phía. Trong thời kỳ hậu Thế chiến II, các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đều kiềm chế, tránh sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào đối phương.

Chuyên gia Danny Lam thuộc Đại học Waterloo (Canada) cho rằng, Triều Tiên đã tiến sát đến “ngưỡng cửa” của một cường quốc hạt nhân, nếu không thì ít nhất cũng đã có khả năng kích hoạt vũ khí hủy diệt hàng loạt ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Theo ông, các hệ thống phòng thủ, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo để đối phó với ICBM của Triều Tiên, đều không chắc chắn.

Hãng tin Reuters hôm 12.1 vừa qua dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng có một giải pháp được đưa ra là đánh bom một cơ sở tên lửa hoặc hạt nhân của Triều Tiên dựa trên những đánh giá tình báo "có độ tin cậy cao" rằng Triều Tiên đã lên kế hoạch thực hiện một vụ thử ICBM khác.

Cũng theo Reuters, một quan chức khác cho biết một giải pháp nữa là tấn công trả đũa nhằm vào một địa điểm hạt nhân hoặc một ICBM sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm.

Hai quan chức này cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster lập luận rằng nếu Mỹ có thể thuyết phục và đảm bảo với Trung Quốc rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ chỉ giới hạn trong một mục tiêu chứ không phải là sự mở màn của một chiến dịch nhằm lật đổ Kim Jong-un thì khi đó có thể tránh được khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực.

Ông McMaster là một trong những phụ tá của Tổng thống Trump lớn tiếng nhất trong việc yêu cầu áp dụng cách tiếp cận quân sự tích cực hơn với Bình Nhưỡng.

img

Tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson của Mỹ tại Nhật Bản

Trong khi đó, giới phân tích khu vực cho rằng những động thái của các nước lớn đang tác động không nhỏ tới tình hình quốc tế, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng. Tổng kim ngạch giao dịch quốc phòng trên thế giới trong năm 2018 có thể sẽ lên tới 16.700 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay.

Một số quốc gia NATO, đặc biệt là các nước nhỏ giáp với Nga đều quyết định tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm vũ khí để nâng cao khả năng phòng vệ.

Tại khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản trong bối cảnh phải đối mặt với nguy cơ quân sự từ Triều Tiên cùng sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đã quyết định dành khoản ngân sách lên đến 65 tỷ USD cho quốc phòng, mức cao nhất từ trước đến nay, đồng thời cũng là năm thứ 6 tăng liên tục.

Theo giới phân tích, phía sau khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump chính là tư tưởng của Chủ nghĩa trọng thương (Mercantilism). Đây có lẽ mới chính là sự đe dọa lớn nhất đối với môi trường hòa bình thế giới.

Mỹ không muốn gánh vác trách nhiệm đảm bảo hòa bình cho toàn thế giới nữa mà quay lại nhấn mạnh lập trường coi trọng lợi ích bản thân. Nếu cộng đồng quốc tế không hợp tác để duy trì trật tự thế giới hiện hành, có nghĩa là các nước sẽ phải tự lo liệu, thậm chí buộc phải cảnh giác và đề phòng lẫn nhau.

Thành Minh (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem