Đối đầu Mỹ-Trung: Cuộc đọ sức của hai "gã khổng lồ" trên Biển Đông

Đức Hoàng (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 19/06/2015 07:22 AM (GMT+7)
Căng thẳng đang bao trùm Biển Đông, và hai nước Trung-Mỹ đối đầu tại đây - trở thành tâm điểm của cuộc đọ sức chiến lược nước lớn mới... Tất cả đều có nguyên nhân của nó.
Bình luận 0

Mỹ tung át chủ bài

Ngày 21.5, máy bay trinh sát chống ngầm P-8A “Poseidon” của quân đội Mỹ bay trên không phận các đảo ở Biển Đông do Trung Quốc kiểm soát, hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát đi thông báo cảnh cáo, nhưng không có hiệu quả. Hành động này đã chứng minh đây là một trong những lựa chọn chính sách mà trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã xem xét để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông.

img
Trung Quốc hành xử trên Biển Đông là một chiến lược được hoạch định từ những tham vọng độc chiếm Biển Đông. Ảnh: T.L

Còn việc Mỹ tuyên bố cử tàu chiến đi vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát để tuần tra vẫn chưa được thực thi.

Phóng viên CNN được phép tham gia chuyến bay này cho biết, mục đích của việc Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện chuyến bay là để tỏ rõ với Trung Quốc rằng “Mỹ không thừa nhận yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc”. Trước đó, ngày 11.5 tàu chiến đấu ven bờ USS Fort Worth (LCS-3) của Mỹ đã tuần tra gần đảo Trường Sa lớn, nói là đi trên vùng biển quốc tế. Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A của hải quân Trung Quốc theo dõi liên tục tàu của Mỹ.

Trước và sau những sự kiện này, các quan chức Mỹ tuyên bố Washington sẽ thay đổi mạnh mẽ chiến lược tổng thể đối với Trung Quốc. Một số học giả nổi tiếng của Mỹ cho rằng quan hệ Trung-Mỹ đang tiếp cận điểm giới hạn, họ cảm thấy bất an đối với những sự kiện xảy ra gần đây.

Những năm gần đây, quân đội Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp quan trọng để tăng cường lòng tin, ví dụ như hoạch định quy tắc ứng xử an ninh đối với những va chạm trên không trên biển, cơ chế thông báo hoạt động quân sự quan trọng… Quân đội hai nước đã cải thiện quan hệ. Hiện nay, quân đội hai nước lại đột nhiên rơi vào trạng thái đối đầu căng thẳng ở Biển Đông. Biện pháp mà Mỹ vận dụng lần này nhằm vào hành vi Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Với tình hình hiện nay, cuối cùng điều gì sẽ xảy ra?

Một trong số những chiến lược gia hàng đầu ở Học viện Hải quân Mỹ tại Newport là Giáo sư James Holmes từng hé lộ trên tờ báo mạng chuyên đề Real Clear Defense rằng, chính sách của Mỹ được ví như là phương pháp ngoại giao sử dụng “roi nhỏ” để cản phá Trung Quốc. Chính sách này có 5 điểm cụ thể, mà nhiều điều có vẻ như là đã được áp dụng thử nghiệm trong những ngày qua.

5 điểm cụ thể mà Giáo sư James Holmes nêu ra là các biện pháp tình thế cho chính sách ngoại giao mà ông gọi là gậy nhỏ, hay roi nhỏ, có tác dụng chọc phá, hay kiềm tỏa và cản đường Trung Quốc trên con đường trở thành thế lực lấn át sức mạnh của Mỹ và các nước ở khu vực Biển Đông.

Biện pháp đầu tiên là sử dụng tàu chiến không quá mạnh để khỏi bị coi là khiêu khích, nhưng là loại tàu hiện đại và cơ động nhất để Trung Quốc không có cách nào lấn át được. Tiếp theo là sử dụng lực lượng mà ở Mỹ là phòng vệ quốc gia. Biện pháp thứ ba là triệt để sử dụng video và mạng lưới báo chí để đưa câu chuyện ra cho dư luận quốc tế nhìn rõ bộ mặt thật của Trung Quốc. Thứ tư là phải đối phó nhanh với kiểu tuyên truyền của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, luôn nhanh chóng tìm lập luận để chứng tỏ rằng Trung Quốc luôn đúng và các nước khác luôn sai về chủ quyền biển đảo.

Cuối cùng là cố tình để lộ “chiếc roi to” ở đằng sau để đối phương phải dè chừng khi bị phạt bằng roi nhỏ.

Chiến lược nước lớn mới

Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ xuất hiện ở Biển Đông với tư thế đối đầu với Trung Quốc không nằm ngoài những phạm trù sau:

Một là, trên tầm chiến lược lớn, Mỹ cho rằng Trung Quốc tạo thành mối đe dọa đối với địa vị bá quyền toàn cầu của Mỹ, nên đã đưa việc xác định chiến lược của Trung Quốc trong tương lai vào tầng quyết sách hoạch định chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Toan tính chiến lược này có thể là nguyên do Mỹ trực tiếp gây sức ép đối với Trung Quốc.

Hai là, ở tầm địa lý-chính trị-kinh tế, việc Trung Quốc đang ngày càng ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, cùng với đó là những hành động cải tạo đảo nhằm làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông đang ngày càng đe dọa đến an ninh hàng hải ở vùng biên này. Và không chỉ cản trở đến tuyền đường hàng hải, trong tương lai, việc Mỹ điều động binh lực giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có thể sẽ gặp trở ngại mạnh mẽ. Hiện nay Biển Đông là tuyến giao thông biển quốc tế quan trọng nhất, việc vận chuyển vật tư chiến lược của 80% các nước Đông Bắc Á và 40% các nước phương Tây đều cần phải thông qua Biển Đông, các nước phương Tây coi đó là tuyến đường huyết mạch, liệu có cho phép nước khác kiểm soát hay không?

Ba là, ở tầm chiến dịch quân sự, thế mạnh của quân đội Trung Quốc là bộ binh và bộ đội tên lửa, ở vùng biển xa cách đất liền Trung Quốc 1.500km, cùng với kẻ địch mạnh triển khai chiến tranh cục bộ công nghệ cao thì bộ binh và bộ đội tên lửa không có đất dụng võ, còn hải quân và không quân lại càng yếu kém.

Mỹ với tư cách là cường quốc hàng đầu thế giới, chỉ cần Mỹ tỏ ra cứng rắn, các cường quốc khác cũng sẽ thuận theo và các đồng minh của Mỹ cũng ủng hộ lập trường của Mỹ. Đây là nhận định cơ bản về xu hướng tình hình quốc tế hiện nay, điều này có liên quan đến khả năng tập hợp lực lượng quốc tế hùng mạnh của Mỹ.

Tóm lại, không khí chiến tranh đột nhiên bao trùm Biển Đông, tình hình trở nên căng thẳng, hai nước Trung-Mỹ đối đầu tại đây, trở thành tâm điểm của cuộc đọ sức chiến lược nước lớn mới, và tất cả đều có nguyên nhân của nó. Trong bối cảnh này, mọi toan tính cân nhắc về các bước đi của hai bên sẽ thể hiện trong bàn cờ lớn về cuộc đọ sức chiến lược Trung-Mỹ.

Trên thực tế, Mỹ không những đang chuẩn bị chiến tranh, mà còn động viên quân sự với đối tượng là Trung Quốc và Nam Hải. Gần đây, khi tham dự lễ tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu rõ: “Các nguyên tắc như giải quyết công bằng tranh chấp, tự do hàng hải... đang bị các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông thách thức, Mỹ cần hải quân bảo vệ những nguyên tắc này... Trong vòng 5 năm tới, 60% lực lượng hải quân sẽ đóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương... Rất nhiều người trong số các bạn sẽ đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương để ứng phó với những thách thức mới. Hòa bình phồn vinh của châu Á-Thái Bình Dương được quyết định và sẽ tiếp tục được quyết định bởi lực lượng hải quân Mỹ”.

Phó Đại sứ Trung Quốc tại Washington Ngô Tỷ nhận định những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và an ninh mạng không nên được giải quyết bằng "ngoại giao micro", mà nên thông qua "một cách thức phù hợp" để tạo thuận lợi cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến vào tháng 9 tới.   
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem