Du học sinh VN ghi chép từ Mỹ: Covid-19 và sự thay đổi muộn màng?

Thanh Phương (SV năm 3, Đại học Youngstown, bang OHIO, Mỹ) Thứ bảy, ngày 14/03/2020 19:30 PM (GMT+7)
Nhiều bạn người Mỹ ở trường Đại học Youngstown (OHIO, Mỹ) của tôi đã cười và phẩy tay khi tôi nói rằng tôi rất lo lắng về tình hình dịch bệnh tại Mỹ. Cách phản ứng và đối phó với dịch bệnh của Việt Nam và Mỹ thời gian đầu có sự khác nhau tương đối lớn. Mọi chuyện giờ đã khác! Chỉ hy vọng, không sự thay đổi nào là muộn.
Bình luận 0

img

Kệ giấy vệ sinh trong siêu thị Walmart ( là chuỗi siêu thị lớn nhất nước Mỹ) trống trơn sau khi Trump công bố tình trạng khẩn cấp.

Gần 2 tháng sau khi Trung Quốc công khai virus corona gây nên đại dịch, đến nay  đã lan ra trên 90 quốc gia trên toàn thế giới. Nhưng mãi đến 17:10 ngày 13/3 (giờ New York), Tổng thống Mỹ Donald Trump mới chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Mỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19.  

Nhưng để đạt được đến dấu mốc này, số người bị nhiễm virus đã tăng cao rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn, nhiều người đã tử vong, nền kinh tế bị ảnh hưởng, một phần lí do lớn là do sự thiếu thông tin, định hướng sai lệch của phần đông xã hội về dịch Covid-19, cũng như sự hạn chế trong việc xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm.

Từ khi chủng virus mới nhen nhóm xuất hiện tại Mĩ, rất nhiều người (mà chủ yếu là người dân châu Á) đã trang bị cho mình khẩu trang y tế, nước rửa tay khô, găng tay và rất nhiều vật dụng y tế khác để bảo vệ bản thân trước một loại virus mới có tính lây nhiễm cao và chưa được các bác sĩ, y tá, các nhà khoa học, cũng như cộng đồng biết đến và hiểu rõ.

Họ đeo khẩu trang khi xuất hiện tại các địa điểm công cộng để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh, vậy nhưng trong mắt những người Tây phương vốn chỉ đeo khẩu trang khi họ thực sự bị ốm, điều này đã trở thành một cái gai trong mắt, một lí do để nạn phân biệt chủng tộc bùng phát lên, không chỉ tại Mỹ mà còn tại rất nhiều các nước châu Âu.

"Vé máy bay thời dịch rất rẻ"

Những ngày này, những câu chuyện trên mạng xã hội về các trường hợp người châu Á bị kì thị, đánh đập, hay bị thù ghét, dù họ có đeo khẩu trang hay không, có đang bị bệnh hay không, chỉ bởi vì những trường hợp nhiễm virus Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Họ nghĩ rằng người châu Á gắn liền với chủng virus này, rằng người châu Á là dân tộc mang mầm bệnh đến cho họ. Dù cho càng ngày, những phát hiện mới về chủng virus này càng nhiều, nhận thức của mọi người càng được nâng cao, nhưng nó cũng không giúp xua đuổi tận gốc những ánh nhìn ái ngại, những lời nói miệt thị dành cho người châu Á ở nước ngoài. Họ không những phải sống với nỗi lo bị nhiễm bệnh, mà còn phải sống với nỗi lo bị đánh đập, kì thị như chính họ là những người lan truyền bệnh dịch cho cộng đồng.

Rất nhiều người Mỹ tin rằng Covid-19 chỉ giống như một cơn cảm cúm, cảm lạnh thông thường, do hầu hết nhiều triệu chứng đều giống nhau, và mọi người đang làm quá mọi chuyện lên, gây ra những hoảng loạn và lo sợ không đáng có trong cộng đồng. Phần đông mọi người xem thường chủng virus này, bởi họ không nằm trong nhóm những người lớn tuổi hoặc có bệnh nền – những người dễ bị đe dọa bởi chủng virus này nhất.

Một số người bạn ở trường đại học của tôi đã cười và phẩy tay khi tôi nói rằng tôi rất lo lắng về tình hình dịch bệnh tại Mỹ. Sự khác nhau giữa cách phản ứng và đối phó với dịch bệnh của Việt Nam và Mỹ thời gian đầu có sự khác nhau tương đối lớn. Trong khi ở Việt Nam, mọi người đều cố gắng hạn chế di chuyển, đi lại, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, rất quan tâm về vấn đề dịch bệnh, và ngay từ đầu đã xác định rằng toàn dân cần chung tay để có thể đẩy lùi dịch, thì tại Mỹ, mọi người vẫn rất ung dung khi nói về vấn đề này.

Họ không đeo khẩu trang, vẫn đi du lịch khắp nơi vì “vé may bay thời dịch rất rẻ”, chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội với tiêu đề như: “Nếu tôi bị nhiễm virus corona vì chuyến đi này thì nó cũng xứng đáng đấy”, và nghĩ rằng tầm tuổi 20-30 này, dù bạn có bị nhiễm bệnh thì cũng sẽ khỏi nhanh như khi mắc phải một trận cảm lạnh thông thường. Và bình thường thì chẳng ai quá lo ngại về một trận cảm lạnh, vậy nên virus corona cũng chẳng phải vấn đề gì lớn lao.

Rất nhiều người Mỹ nói rằng, việc nước Ý rơi vào tình cảnh “vỡ trận” vì virus Covid-19 như hiện nay là bởi: “Y tế của nước Ý vốn đã yếu và kém chất lượng”, và “những ai bảo rằng nếu nước Mỹ không hành động sớm thì rất có thể sẽ rơi vào tình trạng như Ý đang gặp phải thì đều đang thổi phồng những nhận định vô căn cứ, gây nên hoảng loạn không đáng có cho cộng đồng”.

img

Quang cảnh bên ngoài bãi đỗ xe của siêu thị Walmart  lúc 17:30 ngày 13/3 (giờ New York) sau khi Trump ban bố tình trạng khẩn cấp.

3.000 USD/ một lần xét nghiệm Covid-19

Tuy rằng cũng có rất nhiều người dân Mỹ lo ngại về vấn đề này, nhưng họ chỉ là thiểu số trong một cộng đồng tin rằng chỉ cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ thì sẽ không ai bị bệnh.

Một lí do nữa là do sự hạn chế vô cùng trong công tác xét nghiệm cho các đối tượng nghi bị nhiễm virus Covid-19. Một trong những nguyên nhân là do các bộ kit xét nghiệm bị lỗi khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) phát triển và chế tạo. Điều kiện cần để một người được xét nghiệm Covid-19 là phải có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính với Covid-19, có các biểu hiện, triệu chứng nặng như ho, sốt, và mệt mỏi.

Chi phí xét nghiệm thì rất đắt đỏ, rơi vào khoảng hơn 3.000 USD cho một lần xét nghiệm. Nhưng vì các kit xét nghiệm vô cùng khan hiếm và thiếu thốn, nên dù cho một người có tất cả các điều kiện cần, họ vẫn không được làm xét nghiệm, không được nhập viện, không được khuyên tự cách li tại nhà, mà chỉ được khuyên hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, và gần như phải tự lần mò chăm sóc bản thân, cố gắng để bảo vệ mình khi không có cách nào biết bản thân có đang nhiễm virus hay không, không được nhập viện chăm sóc, cũng không được bác sĩ, các cơ quan y tế hay chính quyền thăm hỏi, cập nhật tình hình trong suốt khoảng thời gian sau đó.

Hiện nay, ở Mỹ đã có hơn 1.600 ca nhiễm Covid-19, với 41 ca tử vong. Đây là số liệu có được thông qua công tác xét nghiệm vô cùng khó khăn và hạn chế, vì vậy, hoàn toàn có khả năng rằng còn rất nhiều ca nhiễm trên khắp nước Mỹ chưa được phát hiện và điều trị.

Mong rằng, với tuyên bố mới của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ sẽ đẩy nhanh công tác phát hiện và điều trị dịch bệnh, cũng như có các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả hơn để đẩy lùi virus Covid-19, bảo vệ người dân của mình.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem