EU, Nhật Bản nỗ lực kiểm soát thực phẩm sạch

Thứ tư, ngày 10/10/2012 10:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công thức chung của việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của hầu hết các nước trên thế giới là kiểm tra từ nông trại đến bàn ăn, đặc biệt là ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Bình luận 0

EU: Lấy kính lúp… soi nhãn hiệu

Hiện nay, trên thế giới EU được cho là khu vực có hệ thống tiêu chuẩn và quy định khắt khe nhất về ATTP, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm nhập khẩu. Chính vì sự khắt khe có tiếng này, mà người dân châu Âu có khái niệm vui đùa rằng: “Hãy dùng kính lúp để soi kỹ tiêu chuẩn ghi trên nhãn mác sản phẩm trước khi mua”.

img
Rau sạch bán tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản.

Nhãn mác sản phẩm rất quan trọng đối với người tiêu dùng châu Âu, bởi để xuất hiện được trên thị trường với nhãn mác này, sản phẩm phải trải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt như: Chất phụ gia cho phép; bao bì đóng gói an toàn có tính kích hoạt dễ phát hiện sản phẩm bị quá hạn sử dụng; mức độ dùng thuốc trừ sâu khi nuôi trồng nằm trong giới hạn cho phép…

Đối với các sản phẩm nhập khẩu, hành trình đến với người tiêu dùng EU còn gian nan gấp bội. EU hiện có “Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn” hay “Hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm” (HACCP).

HACCP xác định và kiểm soát mối nguy trong chế tạo, gia công, sản xuất, chuẩn bị và sử dụng thực phẩm nhằm bảo đảm thực phẩm là an toàn khi tiêu dùng. Ví dụ, việc áp dụng hệ thống HACCP trong dây chuyền thực phẩm sẽ bắt đầu từ nông trại và kết thúc bằng việc chuẩn bị thực phẩm riêng biệt hoặc ở khách sạn hoặc ở nhà.

Quy định HACCP được đặc biệt coi trọng đối với các nhà xuất khẩu ở những nước đang phát triển khi xuất khẩu vào thị trường EU, bởi nếu không thực hiện quy định HACCP sẽ không thể xuất được hàng của mình sang thị trường này.

Nhật Bản: Quản lý an toàn thực phẩm bằng luật

Để kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP, Nhật Bản đã áp dụng một loạt các điều luật cụ thể để kiểm soát chất lượng, bao gồm: Luật Vệ sinh ATTP, Luật Chống gây nhiễm và kiểm soát các loại dịch bệnh, Luật Ngoại thương và Ngoại hối, Luật Thương mại... với những quy định chặt chẽ, chỉ cho phép nhập vào Nhật Bản những loại thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn.

EU cũng giám sát quy trình thực hành canh tác nông nghiệp tốt (GAP). Đây là những nguyên tắc được thiết lập nhằm bảo đảm một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrat), đồng thời sản phẩm phải bảo đảm an toàn từ ngoài đồng đến khi sử dụng.

Theo quy định này, những loại thực phẩm không được phép tiêu thụ hay nhập vào Nhật Bản bao gồm: Thực phẩm chứa các thành phần độc tố hoặc có hại, hay bị nghi vấn có chứa độc tố; thực phẩm bị thối rữa hoặc hư hỏng; thực phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn và đặc điểm kỹ thuật trong quá trình chế biến, công thức hoặc nguyên liệu chế biến; thực phẩm sử dụng chất phụ gia quá mức cho phép; thực phẩm không kèm theo các chứng từ chứng minh.

Một số mặt hàng thực phẩm còn phải đáp ứng đầy đủ các quy định kiểm tra nghiêm ngặt khác mới được nhập vào Nhật Bản như: Không chứa các côn trùng gây bệnh hoặc có hại tới sức khỏe con người có trong thịt và cá tươi, các sản phẩm thịt chế biến như hamberger, xúc xích, trái cây, rau quả hoặc ngũ cốc.

Nước này còn quy định giấy phép nhập khẩu đối với một số loài cá đánh bắt tại các vùng duyên hải và rong biển ăn được. Ngoài ra, còn có một số ít các mặt hàng nằm trong diện quản lý nhập khẩu theo quy định của Luật Ngoại thương và Ngoại hối yêu cầu quota nhập khẩu, phải được đồng ý trước của bộ trưởng phụ trách chuyên ngành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem