Giải mã “lò thiêu chết chóc” Pakistan đợt nắng nóng kỷ lục

Phương Đăng Thứ sáu, ngày 03/07/2015 16:51 PM (GMT+7)
Đợt nắng nóng kinh hoàng tính đến nay đã cướp đi mạng sống của 1.300 người ở Pakistan, trong đó, thành phố cảng Karachi có tỷ lệ tử vong cao đột biến, với 1.200 người chết. Vậy lý do nào đã biến Pakistan trở thành "lò thiêu chết chóc"?
Bình luận 0
Nghĩa trang không còn chỗ để chôn người chết

Trong suốt 25 năm làm việc như là một tình nguyện viên chuyên "dọn dẹp" các tử thi, ông Mohammed Bilal chưa từng chứng kiến chuyện cả nghìn người chết vì nắng nóng như trong những ngày vừa qua.

"Thi thể người chết vì nắng nóng từ khắp mọi ngõ ngách của thành phố đổ về (các nghĩa trang)", ông Bilal cho hay.
  
img
Thi thể người chết vì nắng nóng nằm la liệt, chồng chất tại nhiều nhà xác ở Pakistan.
Ông Bilal làm việc trong văn phòng đại diện của Quỹ Edhi tại thành phố cảng Karachi. Người sáng lập Quỹ Edhi là ông Abdul Sattar Edhi. Đây là một tổ chức từ thiện quốc tế đã có lịch sử trong suốt hàng thập kỷ qua, chuyên hỗ trợ các dịch vụ phúc lợi xã hội thiết yếu ở Pakistan.

Đợt nắng kỷ lục ở Pakistan bắt đầu từ ngày 19.6 và chỉ trong khoảng 2 tuần đã cướp đi mạng sống của 1.300 người, khiến 65.000 người phải nhập viện cấp cứu vì say nắng, đột quỵ, và các chứng bệnh khác liên quan đến nắng nóng, theo báo cáo mới nhất của chính phủ nước này.
img
Chính quyền Pakistan đã phải sử dụng máy xúc để đào mộ tập thể chôn hàng trăm người  thiệt mạng trong đợt nắng nóng kỷ lục.
Trong đó, thành phố cảng 20 triệu dân Karachi đã có tới ít nhất 1.200 người chết. Ông Bilal cho biết, các xe cứu thương của Quỹ Edhi thường phải vận chuyển từ 40 đến 50 thi thể một ngày.

"Vào ngày Chủ nhật (21.6), lần đầu tiên chúng tôi phải rung chuông báo động khi  số lượng tử thi được chuyển đến nhà xác của chúng tôi tăng cao đột biến", ông Bilal tiết lộ.
 
Nhà xác Edhi được đánh giá là có quy mô lớn nhất ở Karachi. Tuy nhiên, ngay cả nhà xác này cũng trở nên quá tải trong suốt đợt cao điểm chết chóc vì nắng nóng. 

"Chỉ trong 8 ngày, chúng tôi đã phải tiếp nhận tới 900 tử thi. Chúng tôi đã phải từ chối rất nhiều gia đình. Các nghĩa trang đều đã hết chỗ. Không có đủ chỗ để chôn người chết nữa", ông Bilal cho hay.
img
Ông Mohammed Bilal cho hay, ông chưa từng chứng kiến việc cả nghìn người chết vì nắng nóng ở Pakistan trước đây.
Cũng theo ông Bilal, có tới 260 tử thi đã không có người đến nhận. Giới chức trách thành phố cho rằng, họ là những người vô gia cư, ăn mày sống trên đường phố hoặc những người nghiện ma túy. Không tên tuổi, không người thân thích, những tử thi xấu xố này sau đó vẫn được chôn cất tại nghĩa trang từ thiện Edhi.

Mặc dù nền nhiệt tại Pakistan đã có dấu hiệu giảm, nhưng theo truyền thông địa phương, đỉnh điểm nhiệt độ hiện vẫn ở mức 50 độC.
 
Giải mã "lò thiêu chết chóc" Pakistan

Đợt nắng nóng kỷ lục kinh hoàng ở Pakistan trùng với tháng Ramadan của cộng đồng Hồi giáo. Trong khi đó, Pakistan là nước có tới 95% dân số theo đạo Hồi. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có phải do hàng triệu tín đồ Hồi giáo Pakistan thực hành ăn chay thậm chí nhịn đói, cầu nguyện từ sáng sớm tinh mơ tới tối mịt là nguyên nhân khiến số lượng người chết vì nắng nóng ở Pakistan, đặc biệt là ở Karachi vượt qua con số nghìn người.
img
Nhiều nạn nhân chết vì nắng nóng ở Pakistan là người vô gia cư, ăn mày, sống vạ vật trên đường phố.
Mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của nắng nóng đã khiến các lãnh đạo tôn giáo Pakistan phải kêu gọi người dân tạm ngừng việc chay tịnh trong tháng Ramadan nếu tình trạng sức khỏe của họ không cho phép.

Ngoài ra, tình trạng cắt điện triền miên, nguồn cung cấp nước lại thiếu hụt trầm trọng cũng được nhiều người cho là nguyên nhân. Tuy nhiên, cho đến nay, giới chức trách Pakistan vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức về nguyên nhân nào khiến cả nghìn người chết đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua. Các quan chức Pakistan nhấn mạnh rằng, nguyên nhân có thể bao gồm tất cả các yếu tố trên. 
img
Người dân Pakistan đội khăn ướt để chống nắng nóng.

Trong khi đó, theo BBC, một điều rõ ràng nhất cho tới nay chính là phần lớn người dân Pakistan, bao gồm cả giới chức trách nước này đã không nhận thức đầy đủ về hậu quả chết chóc của đợt nắng nóng.

Cơ quan khí tượng của Pakistan đang đối mặt với làn sóng chỉ trích rằng, họ đã không thể dự báo về mức độ nghiêm trọng của đợt nắng nóng này cũng như đã không đưa ra những cảnh báo kịp thời, hữu ích cho người dân.

Theo BBC, cơ thể hoạt động bình thường, khỏe mạnh ở nhiệt độ  37-38 độ C. Nếu trời nắng nóng ở nhiệt độ 39-40 độ C, não bộ sẽ "ra lệnh" cho các cơ giảm bớt hoạt động và sinh ra tình trạng mệt mỏi.

Nếu trời nắng nóng 40-41 độ C, cơ thể có thể bị kiệt sức. Trên 41 độ C, nguy cơ đột quỵ rất dễ xảy ra, hội chứng suy đa phủ tạng có thể đe dọa tính mạng con người.

Trong khi đó, tình trạng say nắng có thể xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời từ 40 độ C trở lên. Người bị say nắng nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách có thể mất mạng.

Tiến sĩ Seemi Jamali ở bệnh viện Jinnah Karachi cho hay, người Pakistan đang tức giận và phẫn nộ vì phản ứng chậm trễ của chính phủ trong suốt đợt nắng nóng. Hàng nghìn người có thân nhân đang phải cấp cứu hoặc đã chết vì say nắng, đột quỵ... đang tụ tập trước bệnh viện. Tiến sĩ Seemi Jamali lo ngại, tình trạng bạo lực có thể xảy ra nếu trật tự không được lập lại ngay.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem