Hé lộ phi vụ trộm MiG 15 làm thay đổi cục diện chiến tranh Triều Tiên  

Phương Đăng Chủ nhật, ngày 07/01/2018 15:00 PM (GMT+7)
Phi vụ trộm tiêm kích phản lực MiG 15 của Liên Xô được đánh giá là một trong những nhiệm vụ táo bạo nhất trong Chiến tranh Lạnh, giúp thay đổi cuộc diện chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Bình luận 0

img

Một chiếc MiG 15 do Liên Xô chế tạo

Theo Express, sau 70 năm, chi tiết vai trò của Hải quân Hoàng gia Anh trong sứ mệnh đánh cắp một tiêm kích phản lực thế hệ thứ nhất của Liên Xô - MiG 15 đã được tiết lộ. 

Theo đó, khoảng 6 tháng sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, Liên Xô được cho là đã gửi hàng trăm tiêm kích phản lực tối tân bậc nhất thời đó - MiG 15 tới Triều Tiên để hỗ trợ Bình Nhưỡng bảo về vùng trời, chống lại quân đội Mỹ. 

Không quân Triều Tiên khi đó được cho là đang thất thế trước các lực lượng Mỹ và Anh. Tuy nhiên, kể từ sau khi có MiG 15, sức mạnh của Không quân Triều Tiên tăng lên đáng kể. Thậm chí, MiG-15 trở thành nỗi ám ảnh của các phi công Mỹ trên chiến trường Triều Tiên.

Mỗi lần nhìn thấy MiG 15 vụt qua, các phi công oanh tạc cơ B-29 của Mỹ dù được bảo vệ chặt chẽ vẫn không khỏi run sợ. 

Một trong những sự kiện chứng tỏ sự lợi hại của MiG 15 khiến phi công Mỹ bị sốc xảy ra vào sáng ngày 30.11.1950, một oanh tạc cơ hạng nặng B-29 của Mỹ đang ném bom trên chiến trường Triều Tiên thì bất ngờ bị một chiếc tiêm kích bay vụt qua tấn công, khiến nó bị hư hại nhẹ. 

Chiếc tiêm kích bay nhanh đến mức các pháo thủ trên B-29 không kịp ngắm bắn, và các máy bay phản lực F-80 hộ tống cũng nhanh chóng mất dấu vết của nó, theo Airspacemag.com.

Tình báo Mỹ nhanh chóng nhận định rằng chiếc máy bay tấn công đó là tiêm kích MiG 15 mới do Liên Xô sản xuất, nhiều khả năng xuất kích từ một căn cứ ở Manchuria.

Tiêm kích MiG 15 dài khoảng 10 m, sải cánh 10 m, cao 3,65 m, trang bị một động cơ phản lực Klimov VK-1 với tầm hoạt động 1.198 km và tốc độ tối đa 298,6 m/s. Nó được trang bị hai pháo NR-23 23 mm, một pháo N-37 37mm cùng hai bom 100 kg hoặc tên lửa không dẫn đường ở giá treo vũ khí trên cánh.

Tiêm kích MiG 15 được biên chế chính thức cho Không quân Liên Xô năm 1949 để chuyên đánh chặn các máy bay ném bom Mỹ như B-29. 

img

Oanh tạc cơ B-29 của Mỹ

Chuyên gia phân tích quân sự Michael Peck của National Interest cho biết sự xuất hiện của tiêm kích MiG 15 trên bán đảo Triều Tiên thực sự là một cú sốc với các phi công Mỹ vốn đã quen với vị thế thống lĩnh bầu trời.

Các tiêm kích phản lực MiG 115 của Liên Xô nguy hiểm đến mức B-29 dù được đông đảo các tiêm kích F-80 Shooting Star và F-84 Thunderjet hộ tống vẫn phải chuyển thời gian hoạt động sang ban đêm.

Tuy nhiên, đỉnh điểm là vào một ngày thảm họa trong tháng 10.1951, được gọi là Ngày thứ ba Đen tối, tiêm kích MiG 15 đã hạ một lúc 6 trong tổng số 9 chiếc B-29 của Mỹ ở Triều Tiên.

"Phải nói là mọi người khi ấy đều hoảng sợ", Earl McGill, một cựu phi công B-29, kể lại nỗi ám ảnh mang tên MiG 15.

Trong khi đó Tổng tư lệnh của Không quân Anh, Nguyên soái John Slessor bình luận: "Nó (MiG 15) không chỉ nhanh hơn bất cứ thứ gì chúng ta đang chế tạo hiện nay mà còn được sản xuất với số lượng rất lớn. Người Nga đi trước Anh 4 năm trong việc phát triển tiêm kích đánh chặn quan trọng sống còn".

Để tìm hiểu chi tiết và phân tích kỹ lưỡng về MiG 15, quân đội đồng minh do Mỹ dẫn đầu đã vạch ra các kế hoạch để có được một chiếc máy bay này. Chẳng hạn, Mỹ hứa hẹn sẽ trả 100.000 USD cho bất kỳ phi công Triều Tiên nào đào thoát cùng chiếc máy bay. 

Nhưng cơ hội để thực hiện điều đó rất mong manh vì các phi công MiG 15 được yêu cầu bay theo cặp và không bao giờ bay trên biển. 

Tuy nhiên, vào tháng 7.1951, thủy thủ Anh phát hiện xác một chiếc tiêm kích MiG 15 rơi xuống bờ biển Triều Tiên và một kế hoạch cướp lấy chiếc máy bay này ngay trước mũi Triều Tiên đã được vạch ra. 

Kế hoạch táo tợn này được gọi là "Báu vật hoàn hảo". Kế hoạch này được chỉ huy bởi thuyền trưởng WLM Brown - chỉ huy  khinh hạm Cardigan Bay của Hải quân Hoàng gia Anh. Tham gia sứ mệnh còn có tàu sân bay Glory của Hải quân Hàng gia Anh và một tàu đổ bộ Mỹ cùng một cần cẩu. 

Một phần tiêm kích MiG 15 bị chôn vùi dưới một bãi bùn nằm sâu trong phòng tuyến của Triều Tiên 160 km và chỉ có thể tiếp cận được bằng cách đi qua một eo biển dài 64 km được các khẩu đội pháo Triều Tiên được đặt dọc bờ biển bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, nhóm thủy thủ 50 người của Anh và Mỹ vẫn tiếp cận được khu vực MiG 15 bị rơi vào ngày 22.7.1951 đồng thời họ đã thành công trong việc dùng cẩn cẩu trục vớt xác tiêm kích này. 

"Họ đã rất dũng cảm và thực hiện sứ mệnh rất bình tĩnh", thuyền trưởng Brown nhấn mạnh. 

Khi sứ mệnh hoàn thành cả nhóm bị một khẩu đội pháo bờ biển Triều Tiên phát hiện nhưng các máy bay của quân đội đồng minh do Mỹ dẫn đầu đã xuất kích để yểm trợ, giúp nhóm tẩu thoát an toàn. 

Cơ hội mổ xẻ MiG 15 đã giúp quân đội đồng minh đưa ra các chiến thuật hiệu quả hơn để giành được ưu thế trên không trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem