Lãnh đạo thế giới sốc, yêu cầu điều tra quốc tế vụ máy bay Malaysia bị bắn rơi

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 18/07/2014 09:28 AM (GMT+7)
Đều chia sẻ chung cảm giác choáng váng sau khi biết tin máy bay chở 298 người của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… đồng loạt gửi lời chia buồn đến Malaysia đồng thời, yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế nhằm xác định nguyên nhân thảm họa này.
Bình luận 0
Tổng thống Barack Obama gọi vụ máy bay Boeing 777 chở 295 người của hãng hàng không Malaysia Airlines là "một thảm kịch khủng khiếp" và cho biết các quan chức Mỹ đang cố xác định xem liệu có bất cứ công dân Mỹ nào trên chuyến bay hay không.

"Cả thế giới đang theo dõi thông tin về vụ một máy bay phản lực chở khách bị bắn rơi gần biên giới Nga/Ukraine. Và có vẻ như đây là một thảm kịch khủng khiếp", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.  

img

Hiện trường vụ máy bay Malaysia rơi trên lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Obama tuyên bố, hiện ưu tiên hàng đầu của ông là xác định xem có bất kỳ công dân Mỹ nào trên chiếc máy bay phản lực vừa gặp nạn hay không.
 
“Tôi đã chỉ đạo đội ngũ an ninh quốc gia của tôi phải giữ liên lạc chặt chẽ với chính phủ Ukraine. Mỹ sẽ cung cấp mọi hỗ trợ để giúp xác định chuyện gì đã xảy ra và lý do tại sao nó lại xảy ra", ông Obama tuyên bố.

Trong khi đó, trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhắc lại lời đề nghị giúp đỡ tương tự của Washington.

img 
Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin và Tổng thống Obama đã có cuộc điện đàm về thảm kịch của chuyến bay MH17.

 

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin ngày 17.7 gửi lời chia buồn tới Malaysia, đồng thời nhấn mạnh, chính quyền Ukraine phải chịu trách nhiệm về thảm kịch.

"Không có gì phải băn khoăn khi nước này (Ukraine) – lãnh thổ xảy ra thảm kịch khủng khiếp này – phải chịu trách nhiệm. Bi kịch này sẽ không xảy ra nếu nước này hòa bình, nếu hoạt động quân sự ở miền Đông Ukraine không tiếp diễn", hãng tin Ria Novosti dẫn lời Tổng thống Putin.
 

Gọi vụ máy bay Malaysia bị bắn rơi ở Ukraine là “hành động phạm tội”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, ông đã ra lệnh cho các quan chức quân sự để "cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết” nằm làm sáng tỏ bi kịch.

img
Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton.

Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton mạnh mẽ kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế trước thảm họa.

“Tình cảm và suy nghĩ của chúng tôi cũng giống như tất cả thân nhân của những người có mặt trên chiếc máy bay xấu số. Vụ việc này cần phải được làm rõ không chút chậm trễ và một cuộc điều tra quốc tế là cần thiết. Chúng tôi yêu cầu cho phép tiếp cận đầy đủ hiện trường (máy bay rơi)”, bà  Catherine Ashton tuyên bố.

Như nhiều lãnh đạo khác, Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan Ivo Opstelten chia sẻ, “ông bị sốc nặng” sau khi biết tin chuyến bay MH17 bị bắn rơi trên lãnh thổ Ukraine cũng như sau khi xem những hình ảnh hiện trường khủng khiếp về bi kịch này. Đồng thời, ông Ivo xác nhận, "có nhiều người Hà Lan trên máy bay”.
 
Trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Anh David Cameron viết: “Tôi bị sốc và đau buồn trước thảm kịch hàng không của Malaysia” và khẳng định, giới chức trách Anh đã sẵn sàng để xác minh các sự thực liên quan đến vụ việc.

img

Thủ tướng Anh David Cameron

Truyền thông Anh đưa tin, có từ 5 đến 10 công dân Anh có mặt trên chuyến bay xấu số MH17.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng chia sẻ nỗi đau với người thân của các nạn nhân và nhắc lại lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế để làm sang tỏ vụ máy bay Malaysia rơi trên lãnh thổ Ukraine của bà Ashton.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius cho biết, có "ít nhất" 4 người Pháp có mặt trên chiếc máy bay xấu số.

Tương tự, Đức cũng mạnh mẽ kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế tế độc lập. "Chúng tôi hy vọng mọi biện pháp được thực hiện để làm sáng tỏ thảm họa này càng nhanh càng tốt", Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh.  
 

img

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon

Về phần mình, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon  nhất trí  với đề nghị của giới lãnh đạo thế giới để mở một cuộc điều tra quốc tế "toàn diện, minh bạch” về bi kịch.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố, những kẻ gây ra hành vi tội ác, bắn rơi máy bay phải bị trừng phạt trước công lý đồng thời lên tiếng kêu gọi chấm dứt xung đột nguy hiểm tại Đông Ukraine.

“Thảm kịch đau đớn này chỉ ra lý do tại sao cần phải chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột này. Sự bất ổn trong khu vực (Đông Ukraine) đang dẫn đến tình huống ngày càng nguy hiểm hơn”, ông Rasmussen tuyên bố.

img

Một người phụ nữ có người thân trên chuyến bay xấu số MH17 ôm mặt khóc tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 18.7.

Được biết, Malaysia đã cử một nhóm các nhà điều tra tới Ukraine để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay MH17. Chuyến bay MH17 của Malaysia chở 298 người (bao gồm 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn) trên đường từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì bị rơi tại miền Đông bất ổn của Ukraine, gần biên giới với Nga.

Theo thông tin ban đầu, 154 hành khách gặp nạn được xác định là người Hà Lan, chiếm hơn một nửa số hành khách trên máy bay. 27 người từ Australia, 23 người Malaysia. Chiếc máy bay được cho là bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem