Mỹ cần bao nhiêu tàu ngầm phi hạt nhân để đối phó Trung Quốc?

Zing Chủ nhật, ngày 17/04/2016 14:39 PM (GMT+7)
Một nhà sử học quân sự Đức nhận định, việc thiếu các tàu ngầm phi hạt nhân tạo ra khoảng trống trong năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ khi đối phó với Trung Quốc.
Bình luận 0

img

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Lực lượng vũ trang Mỹ vận hành nhiều trang bị khí tài tinh vi, một số có tính năng hàng đầu thế giới. Mỹ có nhiều tàu khu trục mới, tàu sân bay, hay tiêm kích F-22 mà các nước khác không thể sánh bằng, nhưng Washington phải đối mặt với khoảng trống đáng kể trong năng lực tác chiến. Đó là việc thiếu các tàu ngầm tấn công phi hạt nhân.

Theo tạp chí Diplomat, Mỹ không sản xuất thêm tàu ngầm thông thường kể từ khi tàu ngầm điện-diesel lớp Barbel ngưng hoạt động vào cuối những năm 1950. Những tàu đóng mới sau cột mốc này đều là các tàu ngầm năng lượng hạt nhân.

Việc phát triển mạnh đội tàu ngầm hạt nhân nhằm tăng cường khả năng theo dõi các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô trong những năm Chiến tranh Lạnh, nhưng bối cảnh đã thay đổi.

Torsten Heinrich, nhà sử học quân sự Đức nhận định, thách thức lớn nhất đối với Hải quân Mỹ không phải là sự hồi sinh của Hải quân Nga, mà chính là những tàu ngầm của Trung Quốc đang ẩn nấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hạm đội tàu ngầm đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược “chống tiếp cận/từ chối khu vực” (2A/2D) của Trung Quốc. Chiến lược 2A/2D của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào bất kỳ cuộc xung đột liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển.

Trung Quốc sẽ có nhiều tàu ngầm hơn

Các tàu ngầm phi hạt nhân thế hệ cũ thường chỉ lặn liên tục dưới nước được 1-2 ngày, sau đó phải nổi lên mặt nước.

img

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Hải quân Mỹ. Ảnh: Military

Tàu ngầm thế hệ mới trang bị hệ thống động lực không khí tuần hoàn độc lập (AIP) có thể lặn liên tục dưới nước tới 3 tuần. Tàu ngầm phi hạt nhân không cần những máy bơm khổng lồ và ồn ào để làm mát lò phản ứng, nên chúng có khả năng tàng hình rất cao.

Việc phát hiện chúng dưới nước không phải là điều dễ dàng, ngay cả với lực lượng hải quân có năng lực tác chiến chống ngầm hàng đầu thế giới của Mỹ.

Bên cạnh đó, loại tàu này có chi phí đóng mới thấp hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân. Mỗi tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia có đơn giá khoảng 2,7 tỷ USD, cùng số tiền này có thể mua được 7 tàu ngầm phi hạt nhân Type-212 của Đức, tạo ra sự áp đảo về số lượng.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia là một vũ khí tuyệt vời, nhưng tàu ngầm điện-diesel tối tân không chỉ tạo ra sự nguy hiểm cho đội tàu mặt nước mà còn cho chính các tàu ngầm hạt nhân.

Nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc, khu vực chiến đấu chủ yếu sẽ diễn ra xung quanh chuỗi đảo thứ nhất. Khi đó, hạm đội toàn tàu ngầm hạt nhân của Mỹ dường như là một sự lãng phí, ông Heinrick nhận định.

Trong khi đó, tàu ngầm phi hạt nhân-chiếm phần lớn trong Hải quân Trung Quốc có thể đảm đương hầu hết các nhiệm vụ tác chiến trong khu vực này với chi phí thấp hơn nhiều. Trung Quốc đang tập trung vào xây dựng hạm đội tàu ngầm kết hợp giữa hạt nhân và phi hạt nhân, giúp họ cóđội tà u hùng hậu với chi phí hợp lý.

Phó đô đốc Joseph Mulloy, Phó Giám đốc phụ trách Trang bị Hải quân Mỹ từng cảnh báo về việc thiếu hụt tàu ngầm tấn công trong tương lai gần. Hiện tại, Hải quân Mỹ có 52 tàu ngầm tấn công hạt nhân, con số này sẽ giảm xuống còn 41 vào năm 2029. Trung Quốc, khi đó sẽ có ít nhất 70 tàu ngầm.

“Chất lượng vượt trội của tàu ngầm Mỹ không thể bù đắp sự chênh lệnh về số lượng. Bên cạnh đó, Nga cũng đang đóng mới nhiều tàu ngầm tối tân”, Phó đô đốc Mulloy bày tỏ sự quan ngại.

Đóng tàu ngầm phi hạt nhân là lợi ích kép

Khởi động lại chương trình tàu ngầm phi hạt nhân sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Mỹ ở phương diện kinh tế và chính trị, ông Heinrick lập luận.

Thị trường tàu ngầm thông thường có quy mô rất lớn. Đặc biệt, hầu hết các quốc gia châu Á đang tìm cách mua sắm và hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của họ.

img

Type-212, tàu ngầm tấn công điện-diesel bán chạy nhất thế giới của Đức. Ảnh: Naval Technology

Đức và Pháp đang đạt được nhiều thành công trong xuất khẩu tàu ngầm điện diesel. Tàu ngầm của 2 nước này được xuất khẩu cho Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Malaysia, những quốc gia đồng minh hoặc thân cận với Mỹ.

Nếu Mỹ sản xuất tàu ngầm thông thường, số lượng đơn hàng ước tính có thể lên đến vài chục tàu trong 2 thập kỷ tới. Quá trình sản xuất loại tàu ngầm AIP tương tự Type-212 có thể dễ dàng thực hiện bằng một liên doanh, hay giấy phép từ Howaldwerke-Deutsche Werft (HDW) của Đức.

Ngoài ra, đóng mới tàu ngầm điện-diesel sẽ tạo thêm công việc cho lao động trong ước, cung cấp cho hải quân những vũ khí mới rất quan trọng trong chiến lược đối phó Trung Quốc. Tàu ngầm phi hạt nhân đem lại nhiều lựa chọn mang tính kinh tế, chính trị trong bối cảnh giảm ngân sách quốc phòng .

Tàu ngầm thông thường với hệ thống động lực AIP không chỉ giúp tăng cường sức mạnh tác chiến cho Hải quân Mỹ, mà còn là một món hời cho phép Mỹ xâm nhập vào thị trường vũ khí, qua đó tăng cường sức mạnh quân sự cho các đồng minh, củng cố thế trận răn đe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem