Người được Kim Jong-un "chọn mặt gửi vàng" để đàm phán với Hàn Quốc

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ hai, ngày 08/01/2018 13:51 PM (GMT+7)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cử nhà đàm phán quân sự hàng đầu Ri Son-gwon dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên lên đường đi đàm phán với Hàn Quốc vào ngày mai (9.1).
Bình luận 0

Nhà đàm phán kỳ cựu

Theo báo Anh Express, phái đoàn Triều Tiên gồm 5 thành viên tham gia đối thoại cấp cao với Hàn Quốc ở làng đình chiến Panmunjom ngày mai 9.2 sẽ do ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban tái thống nhất hòa bình liên Triều (CPRK), cơ quan chịu trách nhiệm về các vấn đề liên Triều dẫn đầu.

Ngoài ông Ri, phái đoàn Triều Tiên đi đàm phán với Hàn Quốc ngày mai còn có ông Jon Jong-su, Phó Chủ tịch Ủy ban tái thống nhất hòa bình liên Triều (CPRK)và ông Won Kil-u, quan chức cấp cao của Bộ Thể thao Triều Tiên.

img

Chân dung ông Ri Son-gwon, người được Kim Jong-un "chọn mặt gửi vàng" tham gia đàm phán với Hàn Quốc

Theo truyền thông Hàn Quốc, ông Ri mang quân hàm đại tá cấp cao của quân đội Triều Tiên và thường đại diện cho quốc gia này tham gia các cuộc đối thoại quân sự liên Triều dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun cũng như trong giai đoạn căng thẳng hai nước leo thang những năm sau này.

Từng nhiều lần được giao trọng trách dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Triều Tiên trong nhiều cuộc đàm phán quân sự xuyên biên giới kể từ năm 2006, ông Ri được biết đến là một nhà đàm phán kỳ cựu với nhiều kinh nghiệm. Ông  đã có mặt trong 27 cuộc họp giữa Hàn – Triều kể từ năm 2004.

Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, ông Ri được bổ nhiệm làm Giám đốc ban chính sách thuộc Ủy ban quốc phòng Triều Tiên. Tuy nhiên, ủy ban này sau đó bị giải thể và được thay thế bằng Ủy ban Các vấn đề đối ngoại nhà nước, hiện do ông Kim Jong-un lãnh đạo.

Ông Ri được xem là cánh tay phải của ông Kim Yong-chul, một quan chức quân đội cấp cao Triều Tiên, người bị cáo buộc đứng sau vụ đánh chìm tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc hồi năm 2010 cũng như nã đạn pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc nằm gần khu vực biên giới biển tranh chấp giữa hai nước.

Ông Kim Yong-chul, cựu giám đốc Cục Tình báo Triều Tiên, hiện nằm trong danh sách đen chịu lệnh trừng phạt đơn phương từ phía Hàn Quốc.

Theo giới truyền thông Hàn Quốc, trong các cuộc đối thoại liên Triều, ông Ri thể hiện là một người vô cùng nóng tính. Chẳng hạn, sau chỉ 10 phút đầu tiên của cuộc họp Triều - Hàn vào tháng 2.2011, ông Ri đã quát lớn: “Chúng tôi hoàn toàn không liên quan tới vụ tai nạn tàu Cheonan” và sau đó rời khỏi phòng họp.

Trước đó, trong một cuộc đàm phán quân sự khác vào năm 2010, ông Ri cũng mạnh mẽ phủ nhận các cáo buộc cho rằng Triều Tiên phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn tàu Cheonan đồng thời cáo buộc kết quả điều tra từ phía Hàn Quốc là bịa đặt. 

Đầu năm nay, ông Ri cũng đã xuất hiện trên truyền hình nhân sự kiện nhà lãnh đạo Kim Jong-un có bài phát biểu chào năm mới 2018 và kêu gọi đối thoại với phía Hàn Quốc.

Cuộc đàm phán lịch sử

Sau 2 năm im hơi lặng tiếng, đầu tháng này,  nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp năm mới đưa ra ngày 1.1 đã bất ngờ đề nghị nối lại các cuộc đàm phán với Hàn Quốc để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Lần cuối cùng Triều-Hàn đàm phán trực tiếp với nhau là vào tháng 12.2015.

img

Người dân Seoul xem phát bài diễn văn năm mới của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên truyền hình, ngày 3.1. Ảnh: AP.

Seoul ngay lập tức hoan nghênh động thái này và thậm chí nhấn mạnh, Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại "bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào". Đoàn đàm phán của Hàn Quốc cũng có 5 thành viên do Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung Gyyon dẫn đầu trong đó bao gồm 2 Thứ trưởng của Bộ Thống nhất và Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch.

Nội dung cuộc đàm phán ngày mai mà Triều Tiên và Hàn Quốc thảo luận liên quan đến khả năng Bình Nhưỡng gửi phái đoàn vận động viện dự Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang (Hàn Quốc) từ ngày 9-25.2.

"Seoul và Bình Nhưỡng sẽ thảo luận về Thế vận hội mùa đông Pyeongchang và cách để cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên", ông Baik Tae Hyun, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết xác nhận.

Trong khi đó, một bài xã luận được đăng tải trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) mới đây nhấn mạnh, cuộc đối thoại liên Triều lần này là “cơ hội lớn” để thống nhất.

Tuy nhiên, KCNA cũng cảnh báo, quan hệ song phương giữa Bình Nhưỡng và Seoul là “vấn đề nội bộ của người Triều Tiên”. Do đó, các bên thứ ba không được can thiệp lên các cuộc đàm phán liên Triều, vì hành động như vậy sẽ “chỉ làm phức tạp việc giải quyết vấn đề”.

Cuộc đàn phán Triều-Hàn ngày mai đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump nhất trí lùi thời điểm tập trận chung Mỹ - Hàn theo đề nghị của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời bày tỏ hy vọng đàm phán liên Triều sẽ đạt kết quả tốt.

Cuộc đàm phán làm dấy lên hy vọng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ hạ nhiệt sau một năm 2017 leo thang đến đỉnh điểm do chương trình hạt nhân, tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng cũng như các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn bày tỏ nghi ngờ rằng, Triều Tiên chỉ vờ đàm phán để giảm sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế, chia rẽ đồng minh Mỹ-Hàn đồng thời "câu giờ" để tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem