"Người quỷ” và cuộc đời 15 năm trong bóng tối

Huyền My Chủ nhật, ngày 31/08/2014 13:42 PM (GMT+7)
Sống sót một cách thần kỳ sau tai nạn súng kinh hoàng ở tuổi 22, từ một thanh niên điển trai, Richard Lee Norris trở thành người “mặt quỷ” khiến nhiều người phải khiếp sợ. Suốt 15 năm lẩn trốn trong bóng tối với một cuộc sống tưởng chừng như địa ngục, nay Norris như được hồi sinh với một khuôn mặt được ghép mới.
Bình luận 0

Tai họa từ ảo giác của ma men

Với khuôn mặt bị biến dạng khủng khiếp sau một tai nạn súng đạn, người đàn ông 39 tuổi này vừa trải qua một trong những ca cấy ghép mặt phức tạp nhất trong lịch sử, nhận răng, hàm và thậm chí cả lưỡi từ một người hiến tặng với 50% cơ hội sống sót. Ca phẫu thuật kéo dài 36 giờ không chỉ mang đến một cuộc sống mới cho anh mà còn trở thành một nghiên cứu mới có tính đột phá để các bác sĩ học tập và điều trị cho các nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng trên khuôn mặt.

img Richard Lee Norris trước và sau phẫu thuật.

 

Với Norris, ngày anh bước vào tuổi 22 đã trở thành ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời. Hôm đó, khi bù khú với bạn bè trở về nhà, người Norris nồng nặc men rượu, anh bắt đầu la hét và mất kiểm soát. Chưa dừng lại ở đó, Norris gây sự, cãi vã với chính mẹ ruột. Chất men cứ từ từ ngấm vào cơ thể chàng trai, khiến anh ta không thể điều khiển được hành vi.

Trong cơn hoảng loạn, Norris rút ra một khẩu súng ngắn và không thể kiểm soát được nó. Súng nổ, máu, thịt, xương của Norris văng ra khắp căn phòng. Vụ tai nạn khiến cho Norris mất đi răng, mũi và phần lớn lưỡi. May mắn sống sót một cách kỳ diệu sau tai nạn khủng khiếp kia, nhưng từ đó, mỗi ngày của anh đều trở thành một cơn ác mộng sống khi phải đối mặt với cái nhìn khiếp sợ, tàn ác của những người xa lạ. Norris phải vật lộn để chiến đấu với cơn nghiện rượu và đã từng nhiều lần muốn tự sát. Mỗi lần đi ra ngoài, thường là vào ban đêm, Norris luôn phải giấu khuôn “mặt quỷ” của mình sau mũ và khẩu trang.

Norris đã trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật để chỉnh sửa khuôn mặt của mình, nhưng cũng chỉ đạt đến giới hạn của những gì phẫu thuật thông thường có thể làm được, một số bộ phận như mí mắt và môi gần như không thể tái tạo được thành công.

Chỉ vài tuần sau khi các bác sĩ nói họ không thể làm được gì thêm, bác sĩ Rodriguez đã giới thiệu cho Norris một lựa chọn khác- cấy ghép. Ca cấy ghép một phần khuôn mặt đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại Pháp vào năm 2005, cho một phụ nữ bị tấn công bởi chính con chó của mình. Trong số 27 ca cấy ghép khác sau đó, 4 người đã chết, và những người sống sót đều phải đối mặt với một cuộc đời gắn chặt với các loại thuốc ức chế miễn dịch.

Không giống như hầu hết các bệnh nhân nhận cấy ghép nội tạng buộc phải phẫu thuật để sống, bệnh nhân ghép mặt phải đối diện với cái chết để loại bỏ một tình trạng không đe dọa đến tính mạng- tiến sĩ Mark Ehrenreich, chuyên gia tư vấn tâm thần trong đội ngũ phẫu thuật cho Norris cho biết. Nhóm nghiên cứu cũng đã thận trọng liệt kê tất cả các mối nguy hiểm cho bệnh nhân. Mẹ Norris - bà Sandra kể lại bác sĩ Rodriguez đã cho biết chỉ có 50% khả năng con trai bà sẽ sống sót sau cuộc phẫu thuật. “Chúng tôi nhìn Richard, bảo với thằng bé rằng chúng tôi yêu chính con người nó và vẻ ngoài không hề quan trọng, thế nhưng đây là cuộc sống của Norris”.

Mang một phần gương mặt của người chết

Norris chia sẻ anh đã được nhận các “món quà” ấy từ gia đình của Giô-suê Aversano, người đã chết ở tuổi 21 sau một tai nạn giao thông. Cuộc phẫu thuật kéo dài 36 giờ cho Norris được coi là cuộc phẫu thuật phức tạp nhất từng được thực hiện, bởi vì nó bao gồm cả cấy ghép răng, hàm trên và dưới, một phần của lưỡi cũng như tất cả các mô của da đầu từ cổ trở lên. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, một khuôn mặt được cấy ghép cũng chỉ có thể tồn tại được từ 20 - 30 năm.

Khuôn mặt không giống như gan hay tim - những bộ phận thường xuyên được cấy ghép. Cơ thể Norris sẽ luôn coi khuôn mặt mới của anh như một đối tượng lạ và liên tục tấn công nó. Anh sẽ phải phụ thuộc vào một hỗn hợp các loại thuốc khác nhau suốt phần đời còn lại của mình, điều đó cũng có nghĩa là hệ thống miễn dịch của Norris sẽ không bao giờ có thể hoạt động bình thường được nữa. Uống rượu, hút thuốc, tắm nắng hay bị thương nhẹ đều có thể dẫn đến tử vong.

Norris vẫn phải thường xuyên tiến hành các cuộc kiểm tra hàng ngày. Anh kể lại: “Mỗi ngày tôi đều thức dậy với nỗi sợ hãi liệu đây có phải là cái ngày ấy không? Cái ngày mà cơ thể tôi sẽ từ chối khuôn mặt mới và rơi vào một tình trạng khủng khiếp mà các bác sĩ cũng không thể cứu vãn được ấy?”. Tuy nhiên, anh luôn cố gắng không để nỗi lo kia ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của mình, bởi anh biết hiện giờ mình đang ở trong một tình trạng khá tốt. Norris đã phải học lại từ đầu cách ăn uống, nói chuyện và điều chỉnh mỗi lần khuôn mặt của mình có thể cảm giác được nhiều hơn. Anh vẫn tiếp tục điều trị, di chuyển liên tục từ ngôi nhà của mình ở Hillsville, bang Virginia đến Baltimore.

Norris cho biết anh rất vui mừng được khi được câu cá, chơi golf và dành nhiều thời gian hơn với gia đình và bạn bè của mình. Norris trải lòng: “Khi tôi nhìn vào gương, tôi thấy Richard Norris. Khi tôi đi bộ trên vỉa hè, thật ngạc nhiên khi nhiều người không chạy ngay vào một cột điện thoại gần đó hoặc nhìn tôi chằm chằm đến vẹo cả cổ. Bây giờ, chẳng ai thèm để ý đến tôi. Đó chính xác là những gì mà tôi mong đợi.”

Ca ghép mặt nhiều phần đầu tiên trên thế giới diễn ra tại Tây Ban Nha năm 2010 và bệnh nhân vẫn giữ được trạng thái tốt trong vài năm sau đó. Cuộc cấy ghép một phần khuôn mặt đầu tiên tại Pháp vào năm 2005 cũng có một tuổi thọ đầy hứa hẹn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem