Những vụ giải cứu con tin chấn động nhất thế giới

Đông Phong (tổng hợp) Thứ ba, ngày 16/12/2014 19:30 PM (GMT+7)
Lực lượng đặc nhiệm của nhiều quốc gia đã thực hiện các cuộc giải cứu con tin ngoạn mục, vô hiệu hóa các phần tử khủng bố cũng như giảm tối thiểu số lượng con tin thiệt mạng.
Bình luận 0

 Giải cứu con tin ở nhà hát Dubrovka, Moscow

Ngày 23.10.2002, khoảng 50 tay súng người Chechnya xông vào nhà hát ở Dubrovka, trung tâm của thủ đô Moscow và bắt giữ hơn 900 người bao gồm cả khán giả và nhân viên nhà hát làm con tin. Chúng đòi chính quyền Nga phải ngừng chiến dịch chống khủng bố  ở Chechnya và tuyên bố sẽ sát hại 10 con tin nếu 1 tay súng trong nhóm bị thương hoặc bị giết.

img

Lực lượng đặc nhiệm của Nga giải cứu con tin ở nhà hát Dubrovka.

Các cuộc đàm phán với những kẻ khủng bố để giải thoát con tin diễn ra liên tục trong hơn hai ngày đêm. Kết quả, chỉ có 58 người được được thả ra, một số khác thì tự mình thoát thân. Những người còn lại phải chịu cảnh không thức ăn, nước uống trong mấy ngày.

Sáng sớm ngày 26.10, các đơn vị đặc nhiệm của Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB), được lệnh tấn công vào nhà hát.

Trong khi đó, bên ngoài, hàng chục xe cứu thương và xe bus đã túc trực sẵn. Cuộc tấn công diễn ra trong khoảng 40 phút. Lực lượng đặc nhiệm khi tấn công vào tòa nhà đã sử dụng một loại khí độc lạ làm tê liệt hệ thần kinh tiêu diệt khoảng 40 tay súng khủng bố trong đó có tên cầm đầu Movsar Baraev và nhiều khủng bố là phụ nữ mang bom tự sát, bắt sống 2 tên và hàng chục khẩu súng, vật liệu nổ. Ngoài ra, cơ quan an ninh còn phát hiện và vô hiệu hóa ra 2 khối thuốc nổ chứa 80kg chất nố.

Hơn 750 con tin được giải cứu, nhưng 130 người đã thiệt mạng trong vụ bắt cóc này. Sau chiến dịch giải cứu, có thêm 125 người khác thiệt mạng do bị thương trong trong trận đấu súng hoặc bị ngạt thở vì khói độc.  Nga tuyên bố chọn ngày 28.10 là ngày để tang các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch ở Dubrovka.

Giải cứu con tin trên máy bay Air France

Hãng Air France của Pháp được cho là "có duyên" với các vụ không tặc và bắt cóc con tin. Ngày 27.6.1976, chuyến bay mang số hiệu 139 của hãng hàng không Air France Flight đang thực hiện hành trình từ Tel Aviv (Israel) đi Paris (Pháp) thì bất ngờ bị không tặc tấn công. Bọn khủng bố bắt các phi công hạ cánh xuống sân bay Entebbe, Uganda, và thả toàn bộ các hành khách không phải là người Do Thái sau khi hạ cánh.

img

Hành khách trên chuyến bay 139 của Air France vui mừng sau khi được cứu thoát khỏi những tay khủng bố.

Bọn không tặc bắt giữ hơn 100 người Israel và người Do Thái cùng cơ trưởng chiếc máy bay đồng thời dọa giết những người này nếu Israel không thả một số tù nhân theo yêu cầu của chúng.

Dưới sự chỉ huy của Trung tá Yonatan Netanyahu (anh trai của Thủ tướng Israel đương nhiệm Benjamin Netanyahu), một chiến dịch giải cứu hơn 100 con tin còn lại bị giam giữ tại nhà ga sân bay Entebbe bắt đầu hôm 4.7.1976.

Gần 200 lính đặc nhiệm của Israel bất ngờ tập kích vào sân bay Entebbe (Uganda), vô hiệu hóa không tặc, giải cứu toàn bộ con tin. Chiến dịch đầy táo bạo này sau đó gây tiếng vang lớn trên khắp thế giới.

Lần thứ 2, hãng hàng không Air France tiếp tục gặp "vận đen" khi ngày 24.12.1994, máy bay mang số hiệu 8969 khởi hành từ Algiers về Pháp bị một nhóm khủng bố có vũ trang tấn công và bắt giữ 220 hành khách cùng 12 người trong phi hành đoàn.

img

Đặc nhiệm Pháp tiếp cận máy bay Air France 8969.

Nhóm khủng bố ép phi công đưa máy bay đến Paris, nhưng sau đó phải hạ cánh ở Marseilles do thiếu nhiên liệu.

Khi máy bay hạ cánh xuống đường băng, các đội đặc nhiệm của Pháp ngay lập tức đột kích máy bay. Sau cuộc đọ súng ác liệt bên trong máy bay, họ giải cứu thành công các hành khách. 4 tên khủng bố và 3 hành khách thiệt mạng trong vụ này. Tạp chí Time đánh giá đây là một trong những vụ giải cứu con tin thành công nhất trong lịch sử.

Bắt cóc con tin ở trường học tại Nga

Ngày 1.9.2004, hơn 1.100 phụ huynh và các em học sinh đến trường số 1 tại Beslan, Bắc Ossetia, thuộc Nga cùng với niềm vui bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, không ai có thể ngờ rằng lễ khai giảng năm học mới ấy đã biến thành một vụ bắt cóc đẫm máu bởi các tay súng được trang bị vũ trang hạng nặng.

Một nhóm Hồi giáo ly khai có vũ trang đã tấn công, chiếm giữ trường học và bắt giữ 1.100 con tin, trong đó có khoảng 777 trẻ em.

img

Giải cứu các em nhỏ trong vụ bắt cóc ở trường học Beslan.

Những kẻ bắt cóc được cho là thuộc tiểu đoàn Riyadus-Salikhin của phong trào ly khai Chechnya. Sau 2 ngày đêm thương thảo, đến ngày 3.9, lực lượng an ninh Nga quyết xông vào tòa nhà với các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng, rocket.

Cuộc giải cứu tuy đã tiêu diệt được nhóm khủng bố và cứu được khoảng hơn 700 con tinh nhưng cũng để lại những tổn thất nặng nề khi có 334 con tin trong đó có 186 trẻ em thiệt mạng.

Đầu năm 2014, đúng 10 năm sau thảm họa bắt cóc con tin ở Beslan, ngay tại thủ đô Moscow của Nga lại tiếp tục xảy ra một vụ tấn công tại trường học khác. Lần này, một học sinh 15 tuổi có tên là Sergey Gordeyev xả súng và bắt giữ con tin tại trường trung học 263 quận Otradnoye, Moscow làm 2 người chết và 1 người khác bị thương.

Khoảng 11h40 trưa 3.2, Gordeyev xông vào phòng học địa lý, dùng 2 khẩu súng trường bắn chết thầy giáo Andrey Kirillov (29 tuổi) và sau đó bắt giữ 29 học sinh làm con tin. Gordeyev còn bắn vào 2 sĩ quan cảnh sát, chuẩn úy Sergei Bushuyev (38 tuổi) và trung sĩ Vladimir Krokhin (29 tuổi), khiến ông Bushuyev thiệt mạng.

Hơn 1 giờ đồng hồ sau khi gây ra vụ tấn công táo tợn, Gordeyev đầu hàng lực lượng đặc nhiệm Nga, sau khi được cha, một thượng tá cảnh sát khuyên bảo. Đây là vụ xả súng và bắt cóc con tin ở trường học thứ 2 trong lịch sử của Nga, sau sự kiện Beslan năm 2004.

Khủng hoảng con tin ở Đại sứ quán Nhật Bản

Ngày 17.12.1996 ở Lima, Peru, 14 thành viên của Phong trào Giải phóng Tupac Amaru (MRTA) đột nhập vào một bữa tiệc ở tòa nhà của Đại sứ Nhật Bản Morihisa Aoki và bắt giữ hàng trăm người, bao gồm cả các quan chức ngoại giao cấp cao, sĩ quan quân đội và lãnh đạo doanh nghiệp.

img

Đặc nhiệm Peru đột  nhập giải cứu con tin ở Đại sứ quán Nhật Bản.

5 ngày sau, ngày 22.4.1997, lực lượng đặc nhiệm Peru đột kích vào Đại sứ quán Nhật Bản và tiêu diệt toàn bộ 14 thành viên MRTA. Một con tin và 2 binh sĩ Peru đã thiệt mạng trong vụ này. Dù vậy, vụ đột kích trên vẫn được xem là một chiến dịch giải cứu con tin thành công của quân đội Peru. .

 Vụ giải cứu con tin tàu Maersk Alabama

Ngày 8.4.2009, 4 tên cướp biển Somalia xông lên tàu chở container Maersk Alabama của Mỹ. Cuộc đối đầu căng thẳng giữa bọn hải tặc và tàu khu trục USS Bainbridge của Hải quân Mỹ được cử đến để giải cứu 20 thành viên thủy thủ đoàn tàu Maersk Alabama kéo dài 4 ngày bắt đầu.

img

Cướp biển Somali tấn công tàu chở hàng Maersk Alabama của Mỹ.

Luống cuống, lo sợ vì bị truy đuổi và vấp sự phản kháng của thủy thủ đoàn tàu Alabama , bọn cướp biển tìm cách chuồn về Somalia trên chiếc xuồng cứu sinh cùng với con tin là thuyền trưởng tàu Alabama Richard Phillips.

Đặc nhiệm hải quân (SEAL) của Mỹ truy kích chiếc xuồng bỏ trốn với mệnh lệnh nổ súng nếu tính mạng của thuyền trưởng Phillips bị đe dọa. Đội biệt kích đã nổ súng bắn chết 3 tên cướp biển, tên thứ tư bị bắt và đưa về Mỹ để xét xử. Toàn bộ các thành viên thủy thủ đoàn được giải thoát, chiến dịch kết thúc một cách hoàn hảo.

Cuộc giải cứu máy bay ở Moscow

 Ngày 28.7.2010, trên chuyến bay từ Mineralnye Vody ở Caucasus đến Moscow, một người đàn ông đã dùng vũ khí để khống chế máy bay và bắt giữ 105 hành khách cùng phi hành đoàn. Kẻ bắt cóc đặt điều kiện thả con tin là được nói chuyện qua điện thoại với ông Vladimir Putin, khi đó giữ chức Thủ tướng Nga.

Chỉ 2 giờ sau, lực lượng đặc nhiệm của Nga thực hiện thành công chiến dịch giải thoát toàn bộ hành khách đồng thời bắt giữ kẻ cướp máy bay. Đây cũng được xem là chiến dịch giải cứu con tin nhanh nhất trong lịch sử hàng không dân dụng nước này nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh Liên bang.

Kẻ không tặc được xác định là Magomet Bakyev, không mang theo chất nổ hay vũ khí lên máy bay. Bakyev là một người gốc Ingushetia, đòi gặp ông Putin để thảo luận tình hình ở khu vực thuộc Nga này.

Giải cứu 800 con tin ở Algerie

Vụ khủng hoảng con tin In Amenas bắt đầu vào ngày 16.1.2013, khi những kẻ khủng bố có liên hệ với al-Qaida liên kết với một lữ đoàn do Mokhtar Belmokhtar cầm đầu bắt giữ 800 người làm con tin tại cơ sở dầu khí Tigantourine gần In Amenas, Algerie.

Tên Abdul al Nigeri, một trong các phụ tá cao cấp của Belmokhtar chỉ đạo cuộc tấn công và là một trong những tay khủng bố bị thiệt mạng.

img
Cơ sở dầu khí Tigantourine, nơi xảy ra vụ bắt cóc 800 con tin.

 

Sau 4 ngày, các lực lượng đặc nhiệm Algerie đột kích hiện trường, với nỗ lực nhằm giải thoát các con tin. Ít nhất 39 con tin ngoại quốc bị thiệt mạng cùng với một nhân viên bảo vệ Algerie, cũng như 29 chiến binh khủng bố. Tổng cộng có 685 công nhân Algerie và 107 người nước ngoài được giải thoát. Ba tay súng bị bắt.

Vụ bắt giữ con tin tại quán cà phê Lindt, Sydney (Australia)

Hôm 15.12.2014, một tay súng đã bắt hàng chục người trong quán cà phê Lindt, khu Martin Place, trung tâm tài chính Sydney (Australia) làm con tin. Truyền hình địa phương đã cho phát sóng cảnh con tin đứng bên trong quán cà phê, hoảng sợ cầm một lá cờ đen cùng chữ Ả Rập trắng.

Đến rạng sáng 16.12, nghi phạm bị bắn hạ và 2 con tin đã thiệt mạng sau khi chiến dịch giải cứu kết thúc. Nghi phạm được cho là là một người Hồi giáo cực đoan tên là Man Haron Monis sinh ra tại Iran và sang Australia định cư hồi năm 1996.

img
Con tin đứng bên trong quán cà phê, hoảng sợ cầm một lá cờ đen cùng chữ Ả Rập trắng
 

 

 

Cảnh các con tin trong quán cà phê tháo chạy ra ngoài sau khi được giải cứu.

Tại Australia, người này đổi tên thành Man Haron Monis và từng gây sự chú ý  khi phát động phong trào “thư thù hận”, với mục đích phản đối sự hiện diện quân sự của Australia tại Afghanistan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem