Quốc gia Đông Nam Á không ngừng được TQ rót tiền và mối lo của khối ASEAN

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ bảy, ngày 03/08/2019 20:25 PM (GMT+7)
Khi Trung Quốc bắt đầu thi công dự án cảng nước sâu trị giá 490 triệu USD, hàng loạt vụ nổ lớn xảy ra ở Đông Timor, theo đúng nghĩa đen.
Bình luận 0

img

Tàu chở hàng tiến vào cảng biển Đông Timor.

Theo SCMP, chính phủ Đông Timor bỏ qua quy định về thuốc nổ để các nhà thầu Trung Quốc có thể mở đường qua một mỏ đá ở Vịnh Tibar, cách thủ đô Dili 10km về phía tây, nhằm thiết lập mối liên hệ giữa quốc gia Đông Nam Á non trẻ này với cả khu vực.

Đối với một số người, những tiếng nổ trong những ngày giữa tháng 7 là một tin mừng, Bởi Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất châu Á, đang giúp đỡ quốc gia nhỏ bé và còn hoang sơ là Đông Timor. Đối với một số người khác, những tiếng nổ này đặt ra những mối lo ngại về lợi ích quốc gia Đông Timor.

Được thiết kế để tiếp nhận 750.000 container mỗi năm, cảng Vịnh Tibar là một trong 20 dự án mà các công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng ở Đông Timor.

Đông Timor quay sang nhờ Trung Quốc giúp đỡ phát triển kinh tế và hạ tầng. Đây là 2 điểm yếu nhất khiến quốc gia này chưa thể gia nhập ASEAN.

Đông Timor tách khỏi Indonesia từ năm 2002, trở thành nhà nước độc lập và đã nộp đơn xin gia nhập ASEAN vào năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa được kết nạp làm thành viên.

Tham gia ASEAN sẽ không chỉ giúp Đông Timor có thêm cơ hội giao thương mà còn là biểu tượng cho sự chuyển mình của quốc gia non trẻ nhất khu vực này.

img

Tòa nhà chính phủ Đông Timor ở thủ đô Dili.

Nhưng các nhà quan sát cảnh báo việc Đông Timor lệ thuộc vào sự giúp đỡ của Trung Quốc, có thể càng tạo lý do để nước này chưa được gia nhập ASEAN. Trong quá khứ, Singapore cho rằng nền kinh tế và hạ tầng yếu kém của Đông Timor sẽ khiến khu vực tụt lùi. Nhưng giờ đây, có một mối lo khác xuất hiện, đó là khả năng Đông Timor trở thành “con ngựa thành Troy” đối với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Đông Timor Xiao Jianguo, người có mặt trong lễ động thổ xây dựng cảng trên, không hề che giấu tham vọng. Xiao nói Bắc Kinh “là một láng giếng tốt, người bạn tốt và đối tác tốt” đang hỗ trợ Đông Timor trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN.

Đại sứ Trung Quốc nói rằng việc Đông Timor gia nhập ASEAN sẽ giúp “phát triển quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN”.

Một quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế có thể gây khó cho mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận của cả ASEAN, một số nhà quan sát nói.

Maria Ortuóten, một chuyên gia phân tích ở Philippines, nói rằng ASEAN vẫn chưa quên bài học chia rẽ khi tìm tiếng nói chung để lên án những hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông. “Trung Quốc giờ không e ngại thể hiện sức mạnh”, bà Ortuoste nói.

Dĩ nhiên, việc Đông Timor cần giúp đỡ là điều không phải tranh cãi. Cho đến năm 2015, doanh thu từ dầu khí giúp nền kinh tế Đông Timor có thể đứng vững. Nhưng quỹ tài sản quốc gia của nước này chỉ còn 16 tỷ USD, trong khi cần số tiền tương tự để đầu tư khai thác nốt các mỏ khí còn lại.

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình từng tiếp đón Tổng thống Đông Timor ở Bắc Kinh năm 2015.

Dân số Đông Timor thuộc nhóm trẻ nhất thế giới, với độ tuổi trung bình của 1,3 triệu dân là 19 tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp ở đây lên đến 40%.

Với tình hình như vậy, việc Đông Timor tìm đến Trung Quốc – quốc gia đang không ngừng đầu tư ở khắp nơi trên thế giới, là điều dễ hiểu.

Trung Quốc đã tặng Đông Timor nhiều tòa nhà chính phủ, quân đội và xây dựng hầu hết công trình hạ tầng ở nước này. Đông Timor được cho là đang tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh trong dự án khai thác dầu khí.

Những mối quan hệ kinh tế đó không xuất hiện đột ngột. Trung Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế quan trọng kể từ trở thành nước đầu tiên công nhận độc lập cho Đông Timor năm 2002.

Bắc Kinh cũng cung cấp các khoản viện trợ nhiều tỷ đô la cho nước này mỗi năm. Đông Timor được nhận làm thành viên của Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2017.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Đông Timor sẽ sớm thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Quốc gia láng giềng Indonesia thừa nhận không thể bắt kịp mức độ “đầu tư và viện trợ từ Trung Quốc cho Đông Timor.

Ngày nay, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines đã có dấu hiệu ủng hộ Đông Timor gia nhập ASEAN. Nhưng những vẫn đề còn tồn tại ở trên là lý do khiến ASEAN quan ngại.

Các chuyên gia cho rằng ASEAN có thể không khước nguyện vọng gia nhập của Đông Timor, nhưng có thể kéo dài quá trình xem xét vô thời hạn, vì cần có sự đồng thuận của cả 10 thành viên trong khối.

Quốc gia Đông Nam Á bất ngờ phóng tên lửa chống hạm, răn đe Trung Quốc?

Malaysia đã phô trương sức mạnh quân sự khi phóng thử tên chống hạm trên Biển Đông, được cho là lời cảnh báo với Trung...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem